Nhà văn, nhà thơ Hồ Dzếnh – Cầm bút để tự sự

Võ Hà
Chia sẻ
(VOV5) -  Hồ Dzếnh đã “chín” vào trong các nhân vật đầy yêu thương của mình, những số phận, những cảnh ngộ, nỗi đau và ông chủ yếu khai thác chiều hướng bi kịch, buồn vui của kiếp người.

Xuất hiện vào chặng cuối phong trào Thơ Mới, những thi phẩm của Hồ Dzếnh gieo vào lòng người đọc nhiều thích thú. Thích thú vì giọng thơ lạ, đầy tính tự sự, tình cảm, chân thật. Người đọc không có cảm giác Hồ Dzếnh đang làm thơ mà như ông đang giãi bày câu chuyện, nỗi niềm, ý nghĩ của bản thân qua những câu nhẹ bẫng và ý vị mà thành thơ.

Nhà thơ Bùi Giáng, người hiếm khi buông lời khen tặng ai, sinh thời đã không tiếc lời ca tụng thơ Hồ Dzếnh “Chẳng khác dải ngân hà lấp lánh nhớ nhung trên bầu trời văn học Việt Nam”.

Nhà văn, nhà thơ Hồ Dzếnh – Cầm bút để tự sự  - ảnh 1Hồ Dzếnh - ảnh tư liệu.

Nhà thơ Vũ Quần Phương cũng cho rằng “chất tâm hồn” của Hồ Dzếnh thấm đẫm trong các sáng tác của ông, và nhờ thế, dễ tìm thấy lối đi vào tâm hồn người yêu thơ: “Hồ Dzếnh có gốc tích là người lai Hoa –Việt. Cha ông là một người Trung Hoa sang Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 và gặp mẹ ông là một cô lái đò trên sông Ghép ở Thanh Hóa.

Hồ Dzếnh là con của mối tình Hoa – Việt ấy. Xuất thân ấy đã được Hồ Dzếnh viết trong một truyện ngắn trong tập “Chân trời cũ” – Một tập truyện ngắn mà phần lớn là tự truyện viết về bản thân, gia đình, người thân. Đây là một tập truyện cảm động, đặc biệt giàu tâm hồn Việt Nam, tính cách của người nông dân Việt Nam. Từ năm 1945 trong kháng chiến chống Pháp rồi thời kỳ đấu tranh thống nhất đất nước, Hồ Dzếnh viết ít, chủ yếu là các bài báo. Cho nên sự nghiệp Hồ Dzếnh đáng kể là trước Cách mạng với tập truyện “Chân trời cũ” và tập thơ “Quê ngoại””

Thơ Hồ Dzếnh tập trung vào hai đề tài: quê hương, đất nước và cảm xúc cá nhân. Viết về quê hương, quê nội Trung Hoa và quê ngoại - xứ Thanh, Hồ Dzếnh có những bài đong đầy niềm thương mến như bài “Cảm xúc”, bài “Tự hương”, bài “Quê hương”, bài “Rằm tháng giêng”. Về đề tài này, đáng nói có bài “Mầu thu năm ngoái” với những câu để nhớ như: “Trời không nắng cũng không mưa/ Chỉ hiu hiu rét cho vừa nhớ nhung”.

Những bài hay nhất trong đời thơ Hồ Dzếnh đều viết về nỗi niềm, cảm xúc của tâm hồn thi sĩ trước cảnh sắc, với tình yêu. Trong đó nổi bật nhất có hai thi phẩm, đều được phổ nhạc và nổi tiếng: một là bài “Ngập ngừng” đã được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh phổ nhạc thành bài hát “Chuyện hẹn hò”, nhạc sĩ Anh Bằng phổ thành bài hát “Anh cứ hẹn”, và nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm phổ thành bài hát cùng tên. Bài thứ hai là bài “Màu cây trong khói” được nhạc sĩ Dương Thiệu Tước phổ nhạc thành ca khúc “Chiều”.

Với thi phẩm “Màu cây trong khói”, thật khó để tìm một từ, một ý thừa. Cả bài thơ xinh xắn, nhẹ nhõm và rất “phiêu” dù toàn nhắc về nỗi nhớ, “tiếng buồn”, “sầu vạn cổ”. Trong bài thơ này, nhà thơ Hồ Dzếnh đã có những dòng tự thuật đầy chất thơ và cũng đầy ấn tượng: “Tôi là người lữ khách/ Màu chiều khó làm khuây/ Ngỡ lòng mình là rừng/ Ngỡ hồn mình là mây”.

Một bài thơ không dài, cũng không nhiều mật ngữ nhưng với nhà thơ Vũ Quần Phương, đó là thi phẩm không thể nào quên được khi nhắc tới đời thơ Hồ Dzếnh. Theo ông, đặc điểm Hồ Dzếnh là “văn và thơ đều chung một chất tâm hồn, tình cảm sâu nặng với quê hương, đất đai, làng mạc Việt Nam.  Đôi lúc có những nỗi niềm xa xôi “Buồn Tư Mã, nhớ Chiêu Quân” như trong sử sách Trung Quốc, còn cái buồn nhớ cụ thể về quê nội thì rất ít.

Bài thơ “Chiều” của Hồ Dzếnh nhiều người biết đến, một phần vì bài thơ đã được nhạc sĩ Dương Thiệu Tước phổ nhạc. Đây cũng là một ca khúc hay và nhờ nhạc mà dẫn bài thơ đi khắp Nam Bắc. Bài thơ kể về trên đường hướng về Trung Quốc, đến Lạng Sơn gặp buổi chiều và cái nhớ là nhớ những gì ở Việt Nam nhưng có thể và hợp lý là trên đường về quê nội thì có cái nhớ mênh mang.

Nỗi nhớ không rõ nét nhưng tâm trạng của người nhớ thì rất rõ. Sở dĩ biết bài thơ sáng tác ở Lạng Sơn, nhìn về quê nội, vì và căn cứ vào tiểu sử của Hồ Dzếnh và chính ông đề địa danh ở dưới bài thơ. Có thể nói đây là bài thơ không nhiều ở trong thơ văn Việt Nam.” - Nhà thơ Vũ Quần Phương khẳng định.

Nhà văn, nhà thơ Hồ Dzếnh – Cầm bút để tự sự  - ảnh 2

Tài năng và thân phận có phần đặc biệt là ngọn nguồn những truyện ngắn lắng đọng tình người của nhà văn, nhà thơ Hồ Dzếnh. Xa xôi và tìm về - Gắn bó và nhớ nhung – những cảm xúc ấy lặn sâu vào những trang văn của ông, nói như nhà phê bình văn học Nguyễn Hữu Sơn – như một ám ảnh tha hương, ám ảnh về kiếp người.

Sự tha hương ở Hồ Dzếnh “chín” vào trong tâm tưởng, những cảnh ngộ, suy tư trong tác phẩm của ông. 14 truyện ngắn trong tập “Chân trời cũ đều rất thân thương, gần gũi. Những truyện như “Con ngựa trắng của ba tôi”, “Lòng mẹ”, “Chú Nhì”, “Em Dìn”, “Thằng cháu đích tôn”, “Chị Yên” là những nhân vật, những cảnh đời, sự kiện mà tác giả trải nghiệm, hết sức thân thuộc, gần gũi với bản thân ông.

Trong tư cách một người viết văn xuôi, có thể nói Hồ Dzếnh đã “chín” vào trong các nhân vật đầy yêu thương của mình, những số phận, những cảnh ngộ, nỗi đau và ông chủ yếu khai thác chiều hướng bi kịch, buồn vui của kiếp người.

Có lẽ làng thơ chẳng ai như Hồ Dzếnh. Ông coi sự lỗi hẹn trong tình yêu cũng là niềm hạnh phúc và nhắn gửi: “Tình mất vui khi đã vẹn câu thề/ Ðời chỉ đẹp những khi còn dang dở”. Dễ hiểu vì sao nhiều thế hệ thuộc nằm lòng những câu đặc sắc trong bài “Ngập ngừng” và cũng nhờ bài thơ mà sự chờ đợi buổi hẹn hò trở nên dễ thương, nỗi đau thất tình vì thế cũng nguôi ngoai.

Nhà thơ thể hiện rõ khả năng tổ chức hệ thống ngôn ngữ tự nhiên, giàu biểu cảm, mộc mạc, dễ hiểu nhưng không dễ dãi mà trái lại, chất tâm hồn thi nhân - nói như nhà thơ Trần Đăng Khoa: “khiến văn chương của Hồ Dzếnh không chông chênh khi đặt cạnh những tên tuổi như Thạch Lam hay Thanh Tịnh. Năm 1937, nhà thơ Hồ Dzếnh đã có tác phẩm đầu tiên in trên báo. Và suốt từ đó, ông liên tục có những tác phẩm được đánh giá cao, được bạn đọc đương thời yêu thích và đến bây giờ đọc vẫn thấy tươi mới. Tác phẩm Hồ Dzếnh gần với Thanh Tịnh, với Thạch Lam, một dòng văn chương rất nhẹ nhàng, sâu lắng và ám ảnh, đọc rất khó quên. Hồ Dzếnh từng có một bài thơ nhan đề “Nhớ Thanh Tịnh”, trong đó ông có những câu rất xúc động: “Đời xếp anh, tôi với Thạch Lam/ Ngồi chung một chiếu hội văn đàn/ Chao ôi, chiếu đã hai đầu lạnh/ Còn một mình tôi với thế gian”. Suốt mấy chục năm qua, hơn một nửa thế kỷ, bạn đọc, công chúng vẫn đến với văn chương Hồ Dzếnh.”

Cũng như Thanh Tịnh, Thạch Lam, văn thơ Hồ Dzếnh thể hiện chính tâm hồn ông, một tâm hồn nhạy cảm, luôn nồng nàn với đời sống bình dị, xa rời những sự phù hoa. Nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng: “Đó là giá trị vĩnh cửu của văn chương, có sức sống vượt thời gian. Những bài học thời sự của văn chương Hồ Dzếnh đặt ra sứ mệnh cao cả của văn học, góp phần kiến tạo đạo đức, xây dựng đạo đức, làm giàu có tâm hồn con người.”

Sinh thời, Hồ Dzếnh từng giãi bày rằng ông không làm thơ mà sáng tác chính là những tự sự mộc mạc, dung dị, chân thật. Nhưng chính những tự sự ấy lại làm nên cốt cách một văn tài, để những thi phẩm, những truyện ngắn của ông sống mãi trong lòng người yêu thơ.

Và theo nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Vị trí của nhà văn, nhà thơ Hồ Dzếnh còn xứng đáng hơn thế nữa. Không những là hội viên sáng lập của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957, nhà thơ, nhà văn Hồ Dzếnh là một cây bút rất đặc biệt. Công chúng, độc giả biết đến Hồ Dzếnh ở lĩnh vực thơ, truyện ngắn nhưng ông còn là một nhà tiểu thuyết, là một nhà soạn kịch, một cây bút rất vạm vỡ, rất đa tài. Và hậu thế còn cần phải tiếp tục sưu tầm để có thể có bộ tác phẩm Hồ Dzếnh toàn diện, qua đó có một cách nhìn tổng thể về một trong những tên tuổi của phong trào Thơ Mới.”

Feedback