Nhà văn -họa sĩ Trần Thị Trường: Cho đến một khi nào không biết được...

Phi Hà
Chia sẻ
(VOV5) - "Nếu bây giờ cuộc sống cho phép làm lại, cũng có thể tôi đã tiếp tục vẽ và văn học không có chỗ chen chân vào. Nhưng tôi cũng không dám chắc. Bởi vì văn học có sức quyến rũ vô cùng..."
Triển lãm tranh Tháng ba của hai nữ họa sĩ Trần Thị Trường và Lê Thiếu Ngân vừa kết thúc. Điều gây chú ý đó là, những bức tranh ngay từ khi đang triển lãm đã được mua gần hết. Nhưng triển lãm nào của Trần Thị Trường cũng vậy, thường trở thành hiện tượng khi tranh bán rất nhanh. Độc giả vốn đã quen với cái tên Trần Thị Trường với vai trò nhà văn, từ những năm 1990 với tiểu thuyết đầu tay Lời cuối cho em (của NXB Thanh niên), rồi hàng loạt tập truyện ngắn sau này. Bà còn là một cây bút báo chí sắc sảo. Và giới văn nghệ cũng biết bà rất mát tay trong tổ chức biểu diễn nghệ thuật.
Tài hoa, đa tài, đa năng, bản thân những câu chuyện cuộc đời của bà đã có thể là một tiểu thuyết đầy màu sắc. Có lẽ nếu hiểu về thân thế sự nghiệp của Trần Thị Trường, người ta sẽ có hình dung rõ nét hơn về thế hệ văn nghệ sĩ của đô thị Hà Nội một thời.
Nhà văn – họa sĩ Trần Thị Trường chia sẻ về những câu chuyện về việc viết văn – vẽ tranh của bà.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Nhà văn -họa sĩ Trần Thị Trường: Cho đến một khi nào không biết được... - ảnh 1Nhà văn, họa sĩ Trần Thị Trường trong phòng vẽ của mình
PV: Xin chào nhà văn, họa sĩ Trần Thị Trường. Nhắc đến cái tên Trần Thị Trường, người ta sẽ nghĩ ngay đến một người rất đa tài. Thế nhưng riêng với cá nhân bà, nếu được chọn lựa giữa viết văn và vẽ, nếu mà làm lại thì bà sẽ bắt đầu đi trên con đường nào?
Nhà văn – họa sĩ Trần Thị Trường: Quả thật tôi cũng không biết nếu cho làm lại tôi sẽ làm như thế nào. Còn ban đầu tôi không nghĩ đến viết văn. Tôi thi đỗ đại học Mỹ thuật Công nghiệp khóa 1973 - 1978. Và tôi theo con đường hội họa được mấy năm, thì thấy ở nhà, chồng tôi cũng đã là họa sĩ. Cả hai đều làm họa sĩ thì nói vui một chút, có sự ganh đua về mặt nghề nghiệp, mà thời đại lúc đó cũng không cởi mở cho lắm nên tôi thấy tôi không thể tiếp tục con đường hội họa. Tôi phải làm tất cả các nghề khác để sống, để nuôi con, thậm chí là lúc đó có khi còn nuôi chồng. Bởi vì công việc sáng tạo nghệ thuật đòi hỏi rất nhiều năng lực, thời gian. Và cuộc sống không cho phép cả hai người như vậy.
Nhưng nếu bây giờ cuộc sống mà cho phép làm lại, cũng có thể tôi đã tiếp tục vẽ và văn học không có chỗ chen chân vào. Nhưng tôi cũng không dám chắc. Bởi vì văn học có sức quyến rũ vô cùng. Tôi cũng là người mê văn học. Từ lúc mười mấy tuổi tôi đã đọc sách rất nhiều, đặc biệt quan tâm đến triết học. Ngày ấy tất cả những người như chúng tôi, đi học ở trường thì những câu hỏi về triết học cũng đã bủa vây, cũng thúc giục chúng tôi đi vào con đường đó ghê lắm. Vì thế, tôi nghĩ văn học là một thứ thường trực trong mỗi con người, còn hội họa thì đòi hỏi thêm điều kiện là cần phải có họa phẩm và họa phẩm tốt. Mà thời đó, họa phẩm tốt rất là hiếm.
PV: Có thể thấy là đa số các tác phẩm của Trần Thị Trường đều vẽ bằng ngôn ngữ hiện thực. Đây có phải là một lựa chọn của bà?
Nhà văn – họa sĩ Trần Thị Trường: Chắc chắn tôi không hối hận gì khi theo đuổi phương pháp hiện thực pha một chút ấn tượng. Và tôi rất thích. Cho đến bây giờ tôi chưa chán. Tuy nhiên tôi cũng có thử một số phương pháp diễn đạt khác nhưng tôi vẫn thấy thích nhất là phương pháp hiện thực pha chút ấn tượng. Vì nó phù hợp với cảm xúc của tôi, nó đem lại cho tôi những năng lượng tích cực và tôi cũng cho rằng có tác động đến người thưởng ngoạn nó.
Không biết các họa sĩ khác nghĩ như thế nào, nhưng với tôi thì hiện thực và lối vẽ trực họa của tôi, nếu tôi có sang những kiểu khác, thì có vẻ cái sự cơ bản ấy cũng giúp tôi dễ dàng hơn. Cho đến một lúc nào tôi cũng không biết được, cảm xúc dẫn dắt tôi đến chỗ nào thì sẽ chán và sang một ngã khác.
PV: Trong vòng mấy năm qua số lượng tranh vẽ của bà khá là nhiều. Ở cái tuổi này không nhiều người có khả năng lao động và sáng tạo như vậy, Có lúc nào bà nghĩ mình nên chậm lại một chút?
 Nhà văn – họa sĩ Trần Thị Trường: Quả thật câu ấy cũng chính là tôi bảo với tôi đấy. Tôi cũng bảo với tôi rằng hãy chậm lại một chút chăng, hãy từ từ chăng... Nhưng mà hội họa cũng như văn học nghệ thuật, tôi nghĩ cảm xúc dẫn dắt mình đến đâu và kỹ thuật cho phép mình đẩy cảm xúc đến đấy, nếu có sức khỏe thì mình nên thực hiện ngay và luôn, tại sao lại phải bỏ đấy, dừng lại? 
Tuy nhiên phải xem xét sự nhanh ấy nó có đem lại hiệu quả hay không. Bản thân tôi kể cả viết văn cũng như vẽ. Mỗi khi tôi vẽ xong, lúc đầu sung sướng lắm, có khi đưa ngay lên facebook, nhưng đó là thời kỳ đầu. Còn bây giờ tôi đã biết rằng vội vàng như thế có thể sẽ đem lại một sự tiếc nuối, thành ra tôi cũng để cho nó chín bằng cách một, hai tuần tôi ngắm lại tác phẩm của mình, sau đó tôi thấy nếu như có làm lại mình cũng không làm lại được, thì nó là thế thôi.
Câu hỏi của các bạn làm cho tôi nhớ đến một cô em, ngay từ đầu cô ấy rất thích một bức họa của tôi và vẫn giữ cho đến bây giờ. Năm nay cô ấy lại đưa lên facebook. Đó là bức vẽ của tháng đầu tiên khi tôi quay trở lại với hội họa. Tôi nhận ra sự non nớt của bức tranh đó. Tôi bảo: em có muốn đổi bức tranh khác không, chị đổi cho em. Nhưng cũng có những bức như bức Quả bí chẳng hạn. Tôi vẽ ngay từ những năm đầu cho đến bây giờ ngắm lại tôi vẫn thích, và có người mua tôi không muốn bán.
Tôi nghĩ sự nhanh, chậm hay dừng lại để suy ngẫm nó luôn nằm trong hành trình sáng tạo của mình. Và có thể những mải mê nó dắt mình đi nhanh quá, nếu như có điều kiện xem lại và thấy nó hỏng thì bỏ thôi. Còn hàng ngày mình vẫn vẽ. Đó chính là sự rèn luyện của mình, giúp cho nét cọ của mình sắc sảo hơn, sâu lắng hơn, có thể chuyển đổi một chút hiệu quả hơn. Và cũng không biết tôi trả lời như thế này, nhưng một tuần sau tôi lại nghĩ là quả thật đúng là phải dừng lại để suy ngẫm, thì đấy cũng là lẽ bình thường của người sáng tạo.
PV: Vâng bên cạnh những câu chuyện về vẽ, còn câu chuyện viết văn. Hiện nay bà có dự án văn học nào không? Có dự định về một tác phẩm nào đó sau Phố Hoài?
Nhà văn – họa sĩ Trần Thị Trường: Trong lòng tôi, như tôi đã nói, văn học là thường trực trong mỗi một con người. Cho nên có người nói đùa là cả nước làm thơ. Đấy chính là văn học, nhưng nó có đạt tới cái gọi là văn học đỉnh cao hay là văn học được tiếp nhận, được bạn đọc tìm đến, tìm mua và thú vị với những tác phẩm mà mình đã xuất bản hay không. Có thể nói nó vẫn thường trực trong tôi. Và trong khi ngồi vẽ có khi tôi lại xây dựng một nhân vật cho văn học.
Rồi các báo gọi tôi, cần phải có bài viết của tôi về một nhân vật nào đó, tôi vẫn viết. Đó là cách như là văn ôn võ luyện, luôn luôn để cảm xúc dẫn dắt. Và một khi nó chín rồi, mình phải viết ra rồi, lúc đấy tôi sẽ viết. Nhiều khi ban ngày vẽ xong, đến tối nghỉ không vẽ nữa tôi vẫn loay hoay nghĩ rằng nếu như một cuốn sau Phố Hoài thì nhân vật ấy sẽ chuyển tải những tư tưởng nào của tôi.
Những lời hứa trước - giống như hồi tuổi trẻ khi trả lời phỏng vấn tôi cũng hứa trước là sẽ có quyển này sẽ viết quyển kia - tôi nghĩ những lời ấy không cần thiết. Mà chỉ là, tôi thấy năng lực của tôi vẫn còn dồi dào, cũng như tôi muốn cất tiếng nói bằng các hình thức khác nhau: Trong hội họa tôi ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên, của đất nước, và con người bằng màu sắc. Tất cả tình yêu đó cần phải thể hiện bằng một lối ẩn dụ khác thì tôi sẽ thực hiện nó bằng văn học.
Chính vì thế, tôi nghĩ câu hỏi của các bạn rất thú vị nhưng đối với tôi, nó là sự khích lệ và giúp cho tôi thấy rằng bạn đọc vẫn có thể chờ tôi, mong muốn tôi có thêm những tác phẩm mới về văn học. Còn tôi cũng không biết là tôi có thể hoàn thành được hay không. Rất cám ơn những câu hỏi khích lệ của các bạn.
Vâng. Xin cảm ơn nhà văn, họa sĩ Trần Thị Trường về cuộc trò chuyện này.

Feedback