Nhà thơ Nguyễn Bá Chung – “Chỉ thấy trong lòng mình – một mái chùa cong”

Nguyễn Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Thơ Nguyễn Bá Chung lại minh chứng cho một điều hoàn toàn khác – ngày ngày sống nơi đất Mỹ, ông vẫn lưu giữ những vẻ đẹp Việt trong tâm hồn, nguyên vẹn như ký ức của ngày mới rời xa Tổ quốc.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Với những ai quan tâm tới việc quảng bá văn học Việt, tên tuổi của dịch giả Nguyễn Bá Chung đã không còn xa lạ. Ông là người có công lớn trong việc xây dựng quan hệ các nhà văn hai nước Việt Mỹ. Cùng những thành viên khác của Trung tâm William Joiner, ngoài dịch thuật văn chương ông là cầu nối quan trọng cho mối quan hệ này.

Ông là đồng dịch giả tiểu thuyết “Thời xa vắng” của nhà văn Lê Lựu, cũng là đồng chủ biên 12 tuyển tập song ngữ như Sông núi – Thơ Việt Nam qua những cuộc chiến 1948 – 1993, Đường xa – thơ Nguyễn Duy, Thơ thiền Lý Trần vv…

Nhà thơ Nguyễn Bá Chung – “Chỉ thấy trong lòng mình – một mái chùa cong” - ảnh 1

Nhưng Nguyễn Bá Chung không chỉ là một dịch giả. Ông còn là tác giả của bốn tập thơ: “Mưa nguồn” (1996), “Ngõ Hạnh” (1997), “Tuổi ngàn năm đến từ buổi sơ sinh” (1999) và “Nguồn” (2009).

Mới đây, trong dịp ông trở về nước, tập “Thơ Nguyễn Bá Chung tuyển tập”, do NXB Hội Nhà văn ấn hành đã ra mắt. 

Nhà thơ, dịch giả Nguyễn Bá Chung chia sẻ: “Đây là một sự bất ngờ. Tôi đã in 4 tập thơ ở Việt Nam rồi nhưng không in nhiều và không quảng cáo, không mở rộng ra. Cuối cùng thì anh Nguyễn Duy bảo tôi lên ra một tuyển tập thơ.

Tôi nói để tôi coi lại các tập thơ đó và chọn lại những bài khá nhất rồi đưa lại cho anh. Sau khi chuyển cho anh rồi thì tôi hỏi anh chọn được bao nhiêu bài thì anh quyết định chọn hết tất cả.”

Một người Việt Nam xa quê hương từ khi còn rất trẻ, sống trong ngôn ngữ của một đất nước khác, ít nhiều có thể khiến người đọc hoài nghi: liệu sáng tác của nhà thơ Nguyễn Bá Chung có mang đậm phong cách Mỹ hay không? Ngay như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, trong lần gặp gỡ đầu tiên ở Boston, từng có băn khoăn tương tự: có lẽ “ông đã quên mất cố hương mình, hoặc ông bị chính những khác biệt đó nhào nặn và biến ông trở thành một sản phẩm khác”.

Tuy nhiên, thơ Nguyễn Bá Chung lại minh chứng cho một điều hoàn toàn khác – ngày ngày sống nơi đất Mỹ, ông vẫn lưu giữ những vẻ đẹp Việt trong tâm hồn, nguyên vẹn như ký ức của ngày mới rời xa Tổ Quốc: “Chỉ thấy trong lòng mình – một mái chùa cong – một sắc nâu vàng - giữ - nắng”. Cũng chính vì lý do này, nhà thơ Nguyễn Duy coi “Thơ Nguyễn Bá Chung tuyển tập” là một tập thơ thể hiện rõ tinh thần “tâm Thiền khẩu Phật”: “Đây là một tập thơ của một người Việt Nam chân chính: “Tấm thân phiêu dạt quê người – Linh hồn vẫn ở lại đây quê nhà”. Một tinh thần Thiền rất cao. Một ý thức văn hóa Phật giáo rất rõ ràng mạch lạc.”

Nhà thơ Nguyễn Bá Chung – “Chỉ thấy trong lòng mình – một mái chùa cong” - ảnh 2Nhà thơ Kevin Bowen (trái) và dịch giả, nhà thơ Nguyễn Bá Chung - Ảnh: Báo Văn nghệ

Dù ở lĩnh vực sáng tác, dịch thuật hay bình luận văn chương, nhà thơ Nguyễn Bá Chung đều có nhiều đóng góp. Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, Nguyễn Bá Chung là “cây đại thụ sinh ra làm mấy nhánh, nhánh nào cũng xum xuê, vạm vỡ”.

Và với thơ, ông đã lưu giữ “cả một bầu khí quyển Việt”: "Có thể nói thơ Nguyễn Bá Chung là một dạng thơ rất đặc biệt. Thơ anh đúng là thơ Việt. Càng ở Mỹ thì anh lại càng Việt. Thơ Nguyễn Bá Chung có hơi hướng của Thơ Mới. Anh là người rất yêu nước. Vì thế, có nhiều người Việt ra nước ngoài thì mang theo Tổ quốc trong trí nhớ còn anh vác cả Tổ Quốc đi theo mình. Và kinh khủng hơn, anh di chuyển luôn cả bầu khí quyền của Việt Nam thời anh mới ra đi cùng với anh. Và anh chốt giữ nó trong tâm khảm của mình. Thơ anh là thơ của bầu khí quyển ấy.” - Trần Đăng Khoa nói.

Với hơn 300 trang, tập thơ được chia làm 5 phần: Mưa Ngàn, Ngõ Hạnh, Tuổi Ngàn Năm, Nguồn và 20 bài thơ rời. Nói như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, “tuyển thơ của Nguyễn Bá Chung đã dựng lên một con đường mang tên Nguyễn Bá Chung. Và tôi đã được đi trên con đường ấy. Đi trong mọi trạng thái của cảm xúc và nhiều suy tưởng. Đấy là một con đường mà ta bước vào sẽ dần dần nhận ra giống như nhận ra hương quả chín vùi sâu trong những vòm lá tối màu trong khu vườn của đời sống thế gian này. Và cái hương quả chín ấy mà ta tưởng đã quá quen thuộc nhưng vẫn làm ta bất ngờ và rung động.” Mong rằng mỗi người đọc đều có thể giữ lại chút gì trong hành trình ấy. 

Feedback