“Nghệ thuật hiện đại Đông Dương”: Câu chuyện toàn cảnh về sự mở đường cho mỹ thuật Việt hiện đại

Thanh Giang - Thu Hà
Chia sẻ
(VOV5) - "Từ 2014, Charlotte Aguttes-Reynier đã có nhiều nghiên cứu nghiêm túc về lĩnh vực hội họa Việt Nam, nhiều tác phẩm nghệ thuật Việt Nam lên sàn đấu giá được nâng giá trị lên tầm cao mới."

Cuốn sách Nghệ thuật Hiện đại Đông Dương của nhà nghiên cứu Charlotte Aguttes-Reynier vừa ra mắt tại Việt Nam.Sự kiện do Hiệp hội Nghệ sĩ Châu Á- Paris, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Viện Pháp tại Việt Nam, Công ty Viet Art View phối hợp tổ chức. Đây là sự kiện mở đầu cho chuỗi sự kiện, hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (theo tên gọi hiện nay), nhằm tôn vinh đóng góp, thành tựu của các giảng viên, sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương trong quá trình đặt nền móng, xây dựng, phát triển nền Mỹ thuật hiện đại Việt Nam.

Nghe âm thanh bài tại đây:
 
“Nghệ thuật hiện đại Đông Dương”: Câu chuyện toàn cảnh về sự mở đường cho mỹ thuật Việt hiện đại - ảnh 1Tác giả Charlotte Aguttes – Ryenier và các khách mời tại buổi ra mắt sách. - Ảnh: Nguyễn Hồng

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội, cuốn sách của Charlotte Aguttes – Ryenier "hé lộ một phần của lịch sử nghệ thuật quốc tế đã bị che khuất suốt hơn 70 năm qua."

“Nghệ thuật hiện đại Đông Dương”: Câu chuyện toàn cảnh về sự mở đường cho mỹ thuật Việt hiện đại - ảnh 2 Bà Sophie Maysonnave, Tham tán văn hóa Đại sứ quán Pháp, Giám đốc Viện Pháp tại Việt Nam - Ảnh: Nguyễn Hồng

Tại buổi họp báo ra mắt sách, bà Sophie Maysonnave, Tham tán văn hóa Đại sứ quán Pháp, Giám đốc Viện Pháp tại Việt Nam nói: “Việt Nam và Pháp từng chia sẻ một quá khứ chung, một “duyên phận” mà bất chấp lịch sử thăng trầm vẫn còn đó như một trong những bệ đỡ cho cộng đồng Pháp ngữ và tạo thành sức mạnh liên kết giữa hai quốc gia.

Văn hóa và giáo dục Pháp đã để lại dấu ấn sâu sắc trong xã hội Việt Nam. Ảnh hưởng đó được thể hiện rõ trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng, như ở Hà Nội, Sài Gòn, Đà Lạt…, cũng như qua việc thành lập các trường đại học ở Đông Dương, trong đó Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam. Ngôi trường này được thành lập sau cuộc gặp gỡ lịch sử giữa hai nghệ sĩ lớn: họa sĩ Victor Tardieu và họa sĩ Nam Sơn.

“Nghệ thuật hiện đại Đông Dương”: Câu chuyện toàn cảnh về sự mở đường cho mỹ thuật Việt hiện đại - ảnh 3

Cuốn sách "Nghệ thuật Hiện đại Đông Dương" của Charlotte Aguttes-Reynier là một tác phẩm quý, tôn vinh những đóng góp và thành tựu của các giảng viên, sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương trong quá trình đặt nền móng, xây dựng, phát triển nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam.

Nội dung cuốn sách là những nghiên cứu công phu, bao quát toàn cảnh về lịch sử của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương từ 1925 đến 1945, bao gồm quá trình: thành lập, phát triển, hoạt động, thành tựu, các giảng viên, sinh viên ưu tú và các tác phẩm."

Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Bùi Hoàng Anh, Giám đốc Nghệ thuật Viet Art View: "Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thành lập vào tháng 10 năm 1924. Sau hơn một năm hoàn thiện cơ sở vật chất, chuẩn bị tuyển sinh, trường được khai giảng chính thức vào tháng 12/1925. Từ đó, mở ra một thời kỳ mới có tính chất bước ngoặt, đưa hội họa cổ điển Hàn lâm Châu Âu với một hệ thống đào tạo bài bản; kết hợp với mỹ thuật truyền thống Việt Nam, khởi tạo nên thời kỳ nghệ thuật hiện đại, giàu bản sắc dân tộc mà vẫn mang hơi thở văn minh của phương Tây. Năm 1910, giải thưởng Đông Dương được sáng lập tại Hội Thuộc địa Nghệ sĩ Pháp ở Paris. Giải thưởng này nhằm dành tặng cho nghệ sĩ đạt giải một học bổng đến Đông Dương. Năm 1920, họa sĩ Victor Tardieu đoạt được giải thưởng này. Năm 1921, ông tới Việt Nam và bắt đầu cơ duyên 16 năm gắn bó với mảnh đất này, đến khi ông qua đời năm 1937 tại Hà Nội."

“Nghệ thuật hiện đại Đông Dương”: Câu chuyện toàn cảnh về sự mở đường cho mỹ thuật Việt hiện đại - ảnh 4

Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, "từ Inguimberty đến Alix Aymé, từ Nguyễn Phan Chánh đến Vũ Cao Đàm, qua Mai Trung Thứ và Lê Phổ, dù là giáo viên hay học sinh, họ vẽ, sơn, điêu khắc, cho ra đời các tác phẩm sơn mài, các cuộc triển lãm… Do họa sĩ Victor Tardieu điều hành và sau đó là Evariste Jonchère, từ năm 1925 đến năm 1945, ngôi trường này đã trải qua một thời kỳ thi đua nghệ thuật vô cùng sôi nổi, khơi nguồn cho sự canh tân nghệ thuật hiện đại Việt Nam."

Tác giả cuốn sách, nhà nghiên cứu Charlotte Aguttes-Reynier chia sẻ: "Sau cuộc gặp gỡ lịch sử với họa sĩ Nam Sơn, họa sĩ Victor Tardieu cũng nhận thấy tại xứ Đông Dương này có những tài năng nhưng đang thiếu một chương trình đào tạo chuyên nghiệp, có chất lượng. Chính vì vậy ông mong muốn hàng năm có thể tuyển khoảng mười sinh viên để đào tạo, và mong muốn trường mỹ thuật Đông Dương sẽ đảm bảo chất lượng như trường Mỹ thuật Paris. Ngoài ra, tại Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương còn giảng dạy thêm nghệ thuật phương Đông như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản. Trong từng năm, cứ mỗi năm tuyển được 10 sinh viên ưu tú. Và những sinh viên ưu tú lứa đầu lại trở thành giảng viên cho trường sau này."

“Nghệ thuật hiện đại Đông Dương”: Câu chuyện toàn cảnh về sự mở đường cho mỹ thuật Việt hiện đại - ảnh 5Tác giả , nhà nghiên cứu Charlotte Aguttes-Reynier chia sẻ về những câu chuyện trong Nghệ thuật hiện đại Đông Dương" - Ảnh: Nguyễn Hồng.

Với mười năm kinh nghiệm nghiên cứu và chuyên môn, Charlotte Aguttes-Reynier kể lại hành trình của những nhân vật chính của thời kỳ này trong một tác phẩm tổng hợp những tư liệu và hình ảnh phong phú. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Bùi Hoàng Anh, Giám đốc Nghệ thuật Viet Art View cho biết: Năm 2014, trong một lần gặp gỡ tình cờ, vào một buổi tối mưa gió, tại quận 17 thành phố Paris Charlotte Aguttes-Reynier đã nhìn thấy tác phẩm lụa “Thưởng trà” tuyệt đẹp của Lê Phổ - đó cũng chính là tác phẩm được in trên trang bìa của cuốn sách.

Nhà nghiên cứu Charlotte Aguttes-Reynier nói, khi đó, bà nhận ra rất nhiều tác phẩm của mỹ thuật Đông Dương  thực sự xuất sắc nhưng chưa có ai viết lý lịch cho tác phẩm, không có những chương trình giảng dạy về tác phẩm, không có triển lãm, trong khi thực sự có những nhà sưu tập và những người mong muốn mua các tác phẩm đó. "Do vậy tôi đã quyết định tổ chức mỗi năm 4 phiên đấu giá để bán những tác phẩm mỹ thuật Đông dương. Và tôi đã gặp gỡ rất nhiều người muốn sở hữu và bán tác phẩm, bởi vì đó là những gia đình có hiểu biết sâu sắc về nghệ sĩ, về tác phẩm. Thông qua đó tôi bắt đầu nghiên cứu, giới thiệu cho các tác phẩm này."

Từ 2014, Charlotte Aguttes-Reynier đã có nhiều nghiên cứu nghiêm túc về lĩnh vực hội họa Việt Nam, nhiều tác phẩm nghệ thuật Việt Nam lên sàn đấu giá được nâng giá trị lên tầm cao mới. Sàn đấu giá Aguttes nằm trong top 5 thế giới được ghi nhận bán được giá cao nhất của ba danh họa từ Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương là Lê Phổ, Mai Trung Thứ và Vũ Cao Đàm – những họa sĩ có nhiều tác phẩm tại Pháp. Từ những nghiên cứu chi tiết, công phu và tỉ mỉ về lý lịch của tác phẩm - do Charlotte Aguttes-Reynier được lắng nghe những câu chuyện từ chính các tác giả, gia đình tác giả hoặc những người thân thiết với họa sĩ, về mỗi câu chuyện sau tác phẩm của họ - đã giúp cho các tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ Việt Nam được tôn vinh xứng đáng và giá của chúng đã được tăng liên tục trong vòng 10 năm qua.

“Nghệ thuật hiện đại Đông Dương”: Câu chuyện toàn cảnh về sự mở đường cho mỹ thuật Việt hiện đại - ảnh 6Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi, cháu ngoại của họa sĩ Nam Sơn - Nguyễn Văn Thọ, người đồng sáng lập trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi, cháu ngoại của họa sĩ Nam Sơn - Nguyễn Văn Thọ (người đồng sáng lập trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương), thì: "Nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam được sinh ra từ một cuộc gặp gỡ rất tình cờ. Khi Victor Tardieu đến Đông Dương năm 1921, không bao giờ ông ấy nghĩ sẽ ở lại đây đến cuối cuộc đời. Và khi ông Nam Sơn đến sinh hoạt tại Hội quán sinh viên Việt Nam ở phố Vọng Đức, ông không bao giờ nghĩ rằng cuộc gặp gỡ giữa ông và ông Victor Tardieu sẽ đưa nền mỹ thuật Việt Nam đến một bước ngoặt vô cùng vĩ đại.

Trước khi có trường Mỹ thuật Đông Dương, ở Việt Nam chỉ có mỹ thuật dân gian mà không có mỹ thuật hàn lâm. Ông Tardieu vẫn hay nói với học trò là, các anh phải vẽ như thế nào để khi nhìn vào một bức tranh, người ta biết đây là người Việt Nam vẽ. Cho nên đến bây giờ ở thị trường quốc tế, khi nói về mỹ thuật Việt Nam, người ta thường nói nhìn thấy tâm hồn Việt Nam trong tác phẩm Mỹ thuật Đông Dương. Tâm hồn đó hoàn toàn Việt Nam, không lẫn với mỹ thuật Trung Quốc và Nhật Bản. Tôi cũng phải cảm ơn cô Charlotte đã bỏ tâm huyết ra để làm quyển sách này, để chúng ta có cái nhìn tổng quát hơn về thị trường tranh, vì nhà Aguttes là nhà đấu giá."

“Nghệ thuật hiện đại Đông Dương”: Câu chuyện toàn cảnh về sự mở đường cho mỹ thuật Việt hiện đại - ảnh 7Một trang trong cuốn sách.

Họa sĩ Lê Huy Văn, con trai của họa sĩ Lê Quốc Lộc (một gương mặt đại diện tiêu biểu của nghệ thuật sơn mài Việt Nam từ trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương), chia sẻ, những di sản từ người cha của ông được nhắc nhở nhiều nhất là các tác phẩm trong thời kỳ trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương tồn tại. May mắn được ở bên cha mình, ghi chép một số ký ức từ ông, họa sĩ Lê Huy Văn đánh giá rất cao những tư liệu mà nhà nghiên cứu Charlotte Aguttes-Reynier đã dày công nghiên cứu. Cuốn sách đã góp phần ghi nhận một giá trị đáng tự hào trong lịch sử mỹ thuật Việt.

Nhà sưu tập Nhật Vũ cho rằng việc xuất bản cuốn sách Nghệ thuật hiện đại Đông dương là sự đóng góp tích cực, một tin vui cho các nhà sưu tập Việt nam khi có thêm các tư liệu bổ khuyết cho hệ thống tư liệu ở Việt Nam, vốn là cơ sở nền tảng cho các bộ sưu tập tác phẩm hội họa Việt.

Cũng theo bà Sophie Maysonnave, Tham tán văn hóa Đại sứ quán Pháp, Giám đốc Viện Pháp tại Việt Nam, kế thừa và phát huy di sản văn hóa phong phú để lại từ Trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương, hiện nay, Viện Pháp tại Việt Nam tiếp tục phát triển các chính sách hợp tác cũng như các hoạt động hỗ trợ sáng tạo nghệ thuật Việt - Pháp.

“Nghệ thuật Hiện đại Đông Dương”, giai đoạn 1925 đến 1945, của tác giả Charlotte Aguttes - Ryenier - là nhà nghiên cứu Mỹ thuật Đông Dương, Chủ tịch Hiệp hội Nghệ sĩ Châu Á tại Paris, Giám đốc Nhà đấu giá Aguttes, Pháp. Kể từ năm 1995 đến nay, tác giả đã  có gần 30 năm làm việc tại công ty của cha mình – ông Aguttes, người sáng lập Nhà đấu giá Aguttes – một trong những Nhà đấu giá lớn của Pháp hiện nay.   Từ những nghiên cứu chi tiết, công phu và tỉ mỉ về lý lịch của tác phẩm - do Charlotte Aguttes-Reynier được lắng nghe những câu chuyện từ chính các tác giả, gia đình tác giả hoặc những người thân thiết với họa sĩ, về mỗi câu chuyện sau tác phẩm của họ - đã giúp cho các tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ Việt Nam được tôn vinh xứng đáng và giá của chúng đã được tăng liên tục trong vòng 10 năm qua.


Feedback