Nhà thơ Lưu Trọng Lư nổi tiếng với những thi phẩm man mác hơi thu như “Tiếng thu”, “Thơ sầu rụng”, “Nắng mới”, “Bao la sầu” – Và cũng như một nỗi niềm giao cảm, ông giã biệt cõi đời cách đây đúng 30 năm (10/08/1991) cũng đúng vào độ đầu thu. 30 năm đủ để xóa nhòa nhiều ký ức nhưng “Tiếng thơ sầu rụng” Lưu Trọng Lư vẫn gieo vào lòng người yêu thơ hôm nay những dư vang:.
Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc Hoàng Sang:
Nói tới Thơ Mới, người ta thường nhắc tới người khởi xướng “khổng lồ” Thế Lữ, những “đỉnh cao” Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử. Nhưng chúng ta không thể quên rằng Lưu Trọng Lư cũng chính là một trong những người khởi xướng trào lưu thơ sản sinh ra những tên tuổi lừng danh này. Chỉ có điều, dường như do thời cuộc, do nhiều yếu tố khách quan, đáng lẽ đến sớm hơn vào thời kỳ phấn nhụy của Thơ Mới, thơ ông, tập “Tiếng thu” lại có một số phận không mấy suôn sẻ mới đến được với bạn đọc.
Nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân khẳng định Lưu Trọng Lư là tiếng Thơ Mới tiên phong ở miền Trung nói riêng và cả nước nói chung. Ông sống bằng ngòi bút từ năm 1933. Đầu tiên, tên Lưu Trọng Lư xuất hiện dưới một số bài thơ, sau đó tại Huế, ông gặp và hợp tác in chung một tập sách với Nhà Phê bình văn học Hoài Thanh – Người sau này tôn Lưu Trọng Lư là một trong những chủ soái của phong trào Thơ mới – “một con người nào lại có chất thi sĩ dày đặc trong tâm hồn và trên thể xác”.
Sau này, khi ra Hà Nội, Lưu Trọng Lư tham gia “Văn phái Phương Đông” của Nhà Phê bình văn học Lê Tràng Kiều và tờ Hà Nội báo của nhóm này có in một số bài thơ của ông. Tập thơ “Tiếng thu” được hé lộ từ năm 1936 nhưng mãi tận tới 3 năm sau mới được xuất bản.
Nhà thơ Lưu Trọng Lư thời trẻ - Nguồn: Báo Sức khỏe đời sống. |
Nói Lưu Trọng Lư là thi sĩ của những vần thơ sầu rụng. Chưa kể những bài như “Thơ sầu rụng”, “Tiếng thu” hay “Một mùa đông”, “Bao la sầu” hay bài “Lòng cô phụ” chỉ tựa đề thôi đã nói lên nỗi sầu muôn thuở, kể cả những bài có vẻ trong sáng hơn như bài “Nắng mới”, bài “Hoa xoan”, bài “Trăng lên” hay bài “Xuân về”, ta vẫn thấy man mác nỗi buồn tự cổ. Đó không phải là nỗi sầu nhân tạo. Nhà thơ cũng không cố ý dùng nỗi buồn để cầu lòng thương hay nỗi xúc động của người đọc.
Nói như nhà thơ Nguyễn Thế Kiên, nỗi buồn với Lưu Trọng Lư, là một tài sản, thơ Lưu Trọng Lư là thơ của sầu và mộng. Thơ viết về nỗi buồn không có cái than thở, giãi giề mà trân trọng, nâng niu nỗi buồn, trân trọng cuộc sống, là thứ mặc định của mỗi kiếp người. Nỗi sầu trong thơ Lưu Trọng Lư đã được chưng cất, được nâng cấp, là thứ sang trọng của thi ca, là mơ ước.
Trong gia tài thơ ca của Lưu Trọng Lư, người ta nhắc nhiều tới bài “Tiếng thu” với những câu đã thành kinh điển của thơ ca Việt Nam: “Em không nghe rừng thu/ Lá thu kêu xào xạc/ Con nai vàng ngơ ngác/ Đạp trên lá vàng khô”. Bài thơ gợi hình, gợi thanh và gợi cảm. Nhưng nguyên cớ để thi phẩm này ra đời, như lời của nhà thơ, nhà báo Lưu Trọng Văn, con trai nhà thơ Lưu Trọng Lư, lại rất giản đơn và thường tình.
Tuổi thơ bên bờ sông Gianh (Quảng Bình), nhà thơ vẫn thường theo những đứa trẻ chăn trâu nhà nghèo và viết hộ những người vợ trẻ những bức thư để gửi những người chồng của họ bị người Pháp đưa đi chiến trận ở những chiến địa châu Âu. Vì vậy ông hiểu được nỗi lòng của người chinh phu, của người cô phụ giữa một làng quê yên ả bên bờ sông Gianh. Trong ngôi nhà thời thơ ấu của của nhà thơ Lưu Trọng Lư có một bức tranh vẽ một con nai hồn nhiên. Cùng với hình ảnh mùa thu của quê hương, của những người cô phụ chờ đợi chồng đã gieo vào trong tâm hồn ông. Từ đó bài “Tiếng thu” ra đời. Nhờ âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy chắp cánh, bài thơ đến với nhiều người hơn. Bài thơ cùng với âm nhạc là tiếng gọi hòa bình.
Thơ hay đâu cứ phải cần đến những lý do thật trang trọng và vĩ đại để ra đời. Cũng như bài “Tiếng thu”, hầu hết các thi phẩm của Lưu Trọng Lư đều xuất phát từ những gì diễn ra trong cuộc sống đời thường của ông, cũng là của biết bao người: một giấc mơ, một mối tình không đầu không cuối, một cơn say, một ảnh hình ký ức…
Nói như nhà phê bình Hoài Thanh: “Lư có làm thơ đâu Lư chỉ để lòng mình tràn lan trên mặt giấy”. Đơn cử như thi phẩm “Một mùa đông”, theo lời nhà thơ Vương Tâm, xuất phát từ mối tình với một “người em sầu mộng của muôn đời. Đó là Nhà điêu khắc nổi tiếng Điềm Phùng Thị. Đó là một mối tình hai mặt – Vừa hiện thực, vừa huyền thoại – Và mặt huyền thoại đã làm nên hơi thở của “Một mùa đông”.
Có thể nói tập thơ “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư có không dưới 5 thi phẩm mà hễ nhắc tới tựa đề, người đọc đã gọi tên tác giả. Những “Nắng mới”, “Tiếng thu”, “Một mùa đông”, “Thơ sầu rụng”, “Một chút tình”, “Tình điên” đã khẳng định một con người mà cuộc đời như tiếng thơ sầu rụng, nỗi sầu sang trọng, làm nên danh giá một đời thơ.