Lâm Quang Mỹ qua góc nhìn của những nhà thơ Ba Lan

Việt Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Lâm Quang Mỹ đã có chỗ đứng vững chắc trong văn hóa văn học Ba Lan...

Không phải là người sống bằng nghiệp thi ca, Lâm Quang Mỹ vốn là tiến sĩ Vật lí Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan. Ông đã có những tác phẩm thơ và dịch thuật: Tiếng vọng (thơ, in song ngữ Việt Nam - Ba Lan, nhà xuất bản Oficyjna, Warszawa Ba Lan, 2004). Đợi (thơ, nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, Hà-nội, 2005). Zatoulana Pisen (thơ, tiếng Tiệp, nhà xuất bản Bromov,  Czech, 2008). Tuyển tập Thơ Việt Nam từ thế kỉ thứ 11 đến thế kỉ 19 (bằng tiếng Ba Lan, dịch cùng Pavel Kubiak, nhà xuất bản IBIS, Warszawa Ba Lan, 2010).

Lâm Quang Mỹ qua góc nhìn của những nhà thơ Ba Lan - ảnh 1 Lâm Quang Mỹ trong một lần đọc thơ - Ảnh: Đỗ Việt Tú/ Nguồn: Fb nhân vật.

Tổng biên tập báo điện tử Hội nhà văn Ba Lan, nhà thơ Milosz Kamil Manaterski, cho rằng tuyển tập Thơ Việt Nam từ thế kỉ 11 đến 19 là một “sự kiện thơ của năm 2010”, “cuốn tuyển tập đã tự bảo vệ được vị trí là cuốn sách quan trọng nhất trong năm 2010” vì “là kết quả lao động nhiều năm về dịch thuật và ngôn ngữ. Điều nổi bật là khoảng cách thời gian 9 thế kỷ thơ Việt Nam, và đây cũng là một công trinh lịch sử văn học chưa có tiền lệ…

Công trình dịch thuật này đã mở ra một chương mới trong quan hệ dịch thuật  Việt Nam – Ba Lan...” “Đây là một bản dịch rất hay, nó hàm chứa cái đẹp trong thơ của các nhà thơ lớn Việt Nam. Nhắc lại sự khác biệt ngôn ngữ của hai nước ở đây có lẽ không cần thiết. Lâm Quang Mỹ và Pawel Kubiak đã “chắt lọc” hết những gì hay trong tiếng Ba Lan để cho thơ thực sự là thơ, cái đẹp thực là đẹp và đồng thời không làm giảm đi những nét độc đáo trong văn hóa và văn chương Việt”.

Lâm Quang Mỹ cũng đã dành giải thưởng thơ hay về Mùa Thu do Hội Nhà Văn Ba Lan trao năm 2004; giải thưởng về thơ và những hoạt động văn học năm 2006 của Những Ngày Thơ Quốc tế do UNESCO Ba Lan tổ chức. Hai giải nhất (của ban Giám khảo và của công chúng) cuộc thi  Marathon Thơ trong "Liên hoan thơ lần thứ năm Các nước có chung biên giới với Ba Lan" tại thành phố Rzeszow 6-2008. Kỉ niệm chương "Vì Sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam" do  Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao tặng tháng 2 năm 2010.

Cùng với dịch giả Nguyễn Văn Thái, ông đã được tổ chức  “Liên hoan thơ Quốc tế Galicija Ba Lan” trao tặng danh hiệu „ Wielki Laur Translatora”( Cành nguyệt quế).

Những cuộc “trình diễn thơ” của Lâm Quang Mỹ có sức thu hút với bạn đọc Ba Lan, theo nhận xét của một số người Việt yêu thơ ở Ba Lan, có lẽ còn do cả sự mới, lạ của cách ông biểu diễn thơ. 

Ông Darius Tomasz Lebioda, nhà thơ, giáo sư tiến sĩ và nhà phê bình văn học, Tổng biên tập tạp chí văn nghệ “Temat”, giám đốc NXB văn học Temat Ba Lan nhận xét: “Lâm Quang Mỹ đã có chỗ đứng vững chắc trong văn hóa văn học Ba Lan, thường xuyên tham gia các hội thảo, các liên hoan thơ quan trọng, đăng thơ trên các báo, hiện diện trong các nhà văn hóa, các thư viện. Ông là vị khách đầy vẻ hấp dẫn, bởi vì ông giới thiệu thơ mình với một trái tim đầy nhiệt huyết, với hình thức hát thơ khiến nhiều người ngẩn ngơ. Các buổi biểu diễn của ông luôn thu hút rất đông người xem, người nghe và trở thành ngày hội thật sự của thơ trữ tình, của nét lạ phương Đông xa xôi và của sự kết nối không gian nằm bên ngoài khu vực ảnh hưởng của văn hóa Châu Âu.”

Cũng theo Tổng biên tập tạp chí văn nghệ “Temat” Darius Tomasz Lebioda, thì “Lâm Quang Mỹ có đóng góp rất lớn trong việc làm sinh động hơn các mối quan hệ Ba Lan – Việt Nam, thông qua hình thức giúp đỡ các tác giả Ba Lan để họ có chuyến đi đến Tổ quốc của ông, nhưng trước hết là thông qua việc đưa văn học Ba Lan gần lại Việt Nam.”

Nhà thơ, dịch giả Lâm Quang Mỹ tên khai sinh là Nguyễn Đình Dũng; sinh năm 1944 tại  Nghệ An, hiện sống và làm việc tại  Warszawa, Ba Lan. Ông là người Việt nam đầu tiên là hội viên Hội Nhà Văn Ba Lan.

Yêu thi ca từ nhiều năm nay, Lâm Quang Mỹ vẫn cần mẫn cùng với các nhà thơ Ba Lan truyền bá giới thiệu nhiều tác phẩm của các nhà thơ Việt nam trên các tạp chí văn học ở Ba Lan. Công việc ông đang tận tụy làm một mình được ví như chiếc cầu nối hai nền văn hóa Ba Lan - Việt Nam

Feedback