Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Kim Phượng:
Sau khi ra mắt bạn đọc hai cuốn tiểu thuyết lịch sử: Phùng Vương (2018) và Ngô Vương (2019), mới đây nhà văn Phùng Văn Khai tiếp tục đi sâu vào lịch sử để tìm tòi, khám phá, hoàn thiện và ra mắt hai cuốn tiểu thuyết đồ sộ Nam Đế Vạn Xuân và Triệu vương phục quốc thuyết viết về công cuộc đấu tranh giữ nước của dân tộc ta trước thế lực phương Bắc. Cả hai cuốn đều do NXB Văn học ấn hành.
Quang cảnh buổi tọa đàm về tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai - Ảnh: ictvietnam.vn |
Chọn nhân vật là những anh hùng lịch sử; chọn thời gian là những giai đoạn mang tính bản lề, có sự ảnh hưởng và có tính quyết định lịch sử; chọn những sự kiện mang tầm vóc lớn lao của quốc gia… nhà văn Phùng Văn Khai đã cho thấy khả năng nhìn nhận, lựa chọn và sự dài hơi đối với thể loại này.
Qua các cuốn tiểu thuyết lịch sử, từ “Ngô Vương” (viết về Ngô Quyền) rồi “Phùng Vương” (viết về Phùng Hưng) cho đến “Nam đế Vạn Xuân” (viết về Lý Bí) và “Triệu Vương Phục Quốc” (viết về Triệu Quang Phục), chứng tỏ nhà văn Phùng Văn Khai đều muốn viết về những nhân vật đứng ra gánh vác việc giang sơn, đánh giặc giữ nước. Đây là một lựa chọn đầy chông gai, thử thách với mỗi người cầm bút, bởi lịch sử đã ghi lại những diễn biến, kết quả, nhà văn thì khó lòng thay đổi được điều đó. Nhưng Phùng Văn Khai đã khéo léo lựa chọn viết về những nhân vật đã lùi xa thời anh đang sống rất nhiều. Lịch sử không thể ghi chép được đầy đủ, và vẫn còn rất nhiều khoảng mờ cho nhà văn tưởng tượng.
Đúng như nhận định của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: "Hướng viết của Phùng Văn Khai là về các nhân vật anh hùng. Ở đây vừa có cái dễ vừa có cái khó, cái dễ đã khẳng định rồi, cái khó là anh bị câu thúc bởi những điều lịch sử đã viết về họ. Khó nữa là các trận chiến. Trong 4 tiểu thuyết, anh đều tả lại các trận đánh và kết thúc bao giờ quân ta cũng toàn thắng, đất nước thanh bình, vua hiền tôi sáng, nhân dân phấn khởi vui mừng.
Và tôi gọi cách viết của Phùng Văn Khai là những truyện lịch sử. Tính chất tiểu thuyết thì còn phải bàn thêm, nhưng đó là những truyện lịch sử. Đó là cách anh hướng đến và có tác dụng đối với độc giả, đặc biệt là các chiến sỹ trong quân đội…"
"Nam Đế Vạn Xuân" đã tái hiện một cách sinh động lịch sử nước nhà xoay quanh triều đại của nhà nước Vạn Xuân (544-602). Với bộ nhân vật lịch sử đồ sộ của ta như: Lý Nam Đế, Tinh Thiều, Phạm Tu, Triệu Túc, Triệu Quang Phục, Phùng Thanh Hòa… và của địch như: Lương Vũ Đế, Dương Phiêu, Lý Tắc… cùng nhiều tình tiết móc ngoặc, những cuộc đấu trí gay cấn hay những lời thoại sinh động của từng nhân vật.
Đặc biệt, tác giả đã tập trung khắc họa hai nhân vật vừa là đối thủ vừa là đối trọng. Một bên là Tiêu Tư, thứ sử Giao Châu đầy cơ mưu gian hùng, đại diện cho thế lực phương Bắc xâm lược bành trướng. Bên kia là Lý Bí, được xây dựng hình tượng văn võ song toàn, khí độ hơn người, đại diện cho nước Nam bất khuất tự chủ. Qua đó, nhà văn truyền tải lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc…
Trình bày tham luận tại buổi ra mắt sách, TS Trần Thị Trâm đánh giá Phùng Văn Khai đã thể hiện sự tiến bộ nhuần nhuyễn trong bút pháp, lối kể chuyện hấp dẫn cùng mạch truyện uyển chuyển, với nhiều tình tiết đan xen nhưng vẫn trên một trật tự tuyến tính, không bị đứt gãy.
Ngoài ra, bà cũng ghi nhận đóng góp của nhà văn Phùng Văn Khai đối với thể loại tiểu thuyết chương hồi: "Ở một góc độ nào đó Phùng Văn Khai có công phục sinh và làm mới tiểu thuyết chương hồi, đưa chúng gần với công chúng đương đại. Việc lựa chọn tiểu thuyết chương hồi để làm sống lại giai đoạn lịch sử xa xưa của dân tộc là một lựa chọn xác đáng phù hợp với năng lực của chủ thể sáng tạo và cũng phù hợp với đối tượng phản ánh. Tiểu thuyết chương hồi vừa tôn trọng lịch sử vừa thoát khỏi lịch sử để tự do sáng tạo, vừa bao quát được hiện thực lớn vừa quản lý được nhân vật, vừa tường thuật được một cách mạch lạc, vừa đảm bảo cho cốt truyện phát triển hợp lô-gic. Nhà văn cố gắng làm mới tiểu thuyết chương hồi qua cách xây dựng nhân vật. Nhân vật của anh là đại diện cho những phẩm chất tinh túy của dân tộc, của cộng đồng vì thế không tì vết. Nhân vật được nhìn qua nhiều điểm nhìn, vì thế mà nhân vật trở nên sống động và đa diện hơn…"
Nói về Phùng Văn Khai và những cuốn tiểu thuyết lịch sử, đồng nghiệp của anh ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nhà văn Nguyễn Đình Tú bảy tỏ: Phùng Văn Khai là một nhân cách văn chương đáng trân trọng, điều này được thể hiện rõ qua từng tập sách của anh, qua từng lao động sáng tạo của anh. Anh tâm huyết với lịch sử đến mức cho rằng, mình như người đi gom tư liệu lịch sử, để sau này, những người khác có thể lấy đó mà phát triển thêm hoặc chuyển thể thành các loại hình nghệ thuật khác.
Một đồng nghiệp khác ở Nhà số 4, tác giả của cuốn tiểu thuyết lịch sử viết về nhà Trần “Sương Mù tháng giêng” -nhà văn Uông Triều thì cho rằng: "Viết một cuốn tiểu thuyết lịch sử mất rất nhiều công sức, nó phải bằng ba cuốn tiểu thuyết hiện đại. Khi chính sử chưa rõ ràng mà bối cảnh câu chuyện nhà văn Phùng Văn Khai viết càng lùi xa thì càng khó cho anh trong việc tìm kiếm tư liệu. Nhưng anh ấy đã làm tốt và tôi nghĩ với sức viết của Phùng Văn Khai thì chắc anh ấy sẽ làm đến cuốn thứ 10"
Ảnh: ictvietnam.vn |
“Nam Đế Vạn Xuân” và “Triệu Vương Phục Quốc” đều cho chúng ta thấy tinh thần quả cảm, không chịu khuất phục của cha ông ta. Không chỉ cuốn hút bạn đọc bởi những trận đánh long trời lở đất, những mưu kế để có thể chiến thắng kẻ thù, hay những cách bày binh bố trận, hai tiểu thuyết này cũng khai thác sâu vào đời sống văn hoá tinh thần, tâm linh, tôn giáo, bản sắc của dân tộc ta trong những thời kì đó. Chọn chính sử làm điểm tựa, nhà văn Phùng Văn Khai đã khéo léo kết hợp với dã sử, huyền sử cùng sự hư cấu phong phú để đi qua các giai đoạn lịch sử, để thấu hiểu các nhân vật lịch sử.
Tuy nhiên, theo nhận định của PGS-TS Văn Giá hướng viết đậm tính sử thi của nhà văn Phùng Văn Khai cũng có những giới hạn nhất định: "Kết thúc truyện nó viên mãn, tròn trịa theo hướng sử thi, khải hoàn ca. Và về cơ bản các nhân vật ở đây gọi là “nguyên phiến”, tức là nhân vật đại diện cho một loại phẩm hạnh thôi, tốt từ đầu đến cuối, xấu từ đầu đến cuối. Đây là cách của một người trong tư thế kể chuyện lịch sử hay là viết truyện lịch sử, và như Phạm Xuân Nguyên nói là đây là truyện lịch sử hơn là tiểu thuyết lịch sử"
Nhà văn Hữu Ước thì mong muốn có thêm nhiều trang văn diễn tả diễn biến tâm lý của các nhân vật. Còn nhà văn Bùi Việt Sỹ, tác giả của tiểu thuyết lịch sử “Chim ưng và chàng đan sọt”, sau khi ghi nhận điểm nổi trội ở cây bút Phùng Văn Khai chính là vốn tư liệu lịch sử phong phú, thì ông cũng tỏ ý băn khoăn: "Anh rất kỳ công tìm hiểu tư liệu của giặc phương Bắc, viết cũng rất kỳ công, cuốn nào cũng dày trên 500 trang cả. Tuy nhiên, phần kết bao giờ cũng tròn, bao giờ cũng đẹp, nhưng lịch sử không phải bao giờ cũng thế, nó phải có thực tiễn và gửi lại bài học cho chúng ta ngày hôm nay…"
Dẫu sao, nói như PGS-TS Văn Giá, mỗi nhà văn có cách viết riêng, ông tôn trọng cách lựa chọn của nhà văn họ Phùng. Và, trong buổi lễ ra mắt sách, nhà văn Phùng Văn Khai cũng đã chia sẻ: “Là người cầm bút, tôi nghĩ rằng mình cần có một trách nhiệm nào đấy đối với lịch sử dân tộc theo cách riêng. Tôi cho rằng, chúng ta còn phải làm rất nhiều việc về văn học cho lịch sử”. Tinh thần lao động văn chương ấy đã được tác giả theo đuổi đề tài lịch sử thể hiện ở 4 cuốn tiểu thuyết trong vòng hơn chục năm qua, và hiện còn 2 bản thảo đang dang dở.
Nam Đế Vạn Xuân & Triệu Vương Phục Quốc xoay quanh công cuộc đấu tranh giữ nước khởi nghĩa của Triệu Quang Phục và thành lập nên nhà nước Vạn Xuân của Lý Bí… từ đó vẽ lên bức tranh lịch sử của cả một giai đoạn kéo dài gần 60 năm trong thời kỳ Bắc thuộc và quá trình đấu tranh giữ nước của dân tộc ta. Với tư liệu từ chính sử và dã sử, kết hợp với tư duy tiểu thuyết, cả hai cuốn sách được nhà văn Phùng Văn Khai phục dựng một giai đoạn lịch sử với những nhân vật, sự kiện đầy sinh động, hấp dẫn và gợi nên những vấn đề thời đại.