Hồ Xuân Hương - Hoài niệm phồn thực

Võ Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Có một nữ sĩ từ cách đây hơn 200 năm đã sáng tác thơ ca với khẩu khí vừa ngang tàng vừa tài hoa như vậy, kể cũng đáng tán tụng.

Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Hải Yến:

Trong cuốn “Hồ Xuân Hương - Hoài niệm phồn thực” xuất bản cách đây hơn 20 năm, nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy bình về bài “Đánh đu”: “Thiên tài Hồ Xuân Hương là miêu tả cảnh đánh đu rất đẹp, đầy hình ảnh, màu sắc, động tác gợi được không khí xuân. Vẻ đẹp của thân thể con người cũng được miêu tả gợi cảm. Đồng thời, bằng tài nghệ của mình, nhà thơ đã dựng lên nghĩa lấp lửng, phục nguyên được ý nghĩa phồn thực của trò chơi đánh đu”.

Nhiều năm sau, nhà phê bình có xu hướng tiếp cận văn học từ hệ thống văn hóa vẫn nhất quán với quan điểm thơ Hồ Xuân Hương dày đặc các biểu tượng phồn thực, vốn là một giá trị văn hóa. Nhưng nếu tín ngưỡng phồn thực được tôn vinh trong các lễ hội thì thơ Hồ Xuân Hương lại bị coi như vi phạm cấm kỵ.

Qua những phân tích về việc có hay không chữ dâm tục trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương, nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy đã đưa ra một câu trả lời xác đáng rằng cái dâm, cái tục trong thơ Hồ Xuân Hương vừa là có vừa là không. Và ông chứng minh điều đó với một lối tư duy nhất nguyên, khoa học và thuyết phục.

Hồ Xuân Hương - Hoài niệm phồn thực - ảnh 1Minh hoạ thơ Hồ Xuân Hương của danh họa Bùi Xuân Phái - Ảnh: Báo Tiền phong

Thơ Hồ Xuân Hương cùng với thơ tiền bối Ức Trai - Nguyễn Trãi hay cùng thời với bà là Đại thi hào Nguyễn Du với tác phẩm “Truyện Kiều” khi vượt biên giới đến tay độc giả thế giới đều được mến chuộng. Riêng với thơ Nôm Hồ Xuân Hương, bên cạnh sự yêu thích, còn là một ngạc nhiên lớn. Có lẽ vì trong con mắt của thế giới, đất nước ta hiện ra với hình ảnh chế độ phong kiến, khoa cử kéo dài và liên miên những cuộc trường kỳ kháng chiến; Truyền thống văn chương thì đã đành, nhưng lại có một nữ sĩ từ cách đây hơn 200 năm đã sáng tác thơ ca với khẩu khí vừa ngang tàng vừa tài hoa như vậy, kể cũng đáng tán tụng.

Tiến sĩ Trần Trọng Dương tóm lược về tư chất thơ ca Hồ Xuân Hương qua cái nhìn đối chiếu từ hiện tượng tới thời cuộc. Theo ông, Hồ Xuân Hương là một trường hợp đặc biệt của thi ca Việt Nam. Từ trước đến giờ chưa có một tác giả nữ nào có một giọng thơ đặc biệt như bà. Có người gọi bà là nhà thơ phồn thực tức là tất cả những gì bị giấu kín, ém nhẹm, bưng bít về đời sống tính dục đều được Hồ Xuân Hương “tung hê” trong thơ Nôm của mình. Thơ Hồ Xuân Hương từng được Giáo sư John Balaban, người Mỹ, dịch sang tiếng Anh dưới nhan đề “Spring Essence: The Poetry of Hồ Xuân Hương”, do Copper Canyon Press xuất bản, với 48 bài thơ được chọn lọc, in bằng cả ba thứ tiếng: tiếng Nôm, tiếng quốc ngữ (Việt) và tiếng Anh. “Spring Essence: The Poetry of Hồ Xuân Hương” đã trở thành một cuốn sách best seller của giai đoạn đó khi bán được hơn 20.000 bản ở Mỹ. Từ cái bánh trôi nước, cái giếng, cái quạt, cái khung cửi qua thơ Hồ Xuân Hương đều lấp lánh những câu chuyện dí dỏm, khúc khích mà ở đời thường không ai dám nói.

Ngay từ thuở ban sơ, đề vịnh đã là một cảm hứng thường trực của thơ chữ Nôm. Trước tiên, tiêu biểu cho dòng thơ Nôm vịnh cảnh, vịnh vật phải kể đến vua Lê Thánh Tông -  Từ vịnh cảnh bốn mùa, vịnh người như người chăn trâu, người đánh cá, người ăn mày, người hái củi đến vịnh trăng, vịnh nắng, vịnh cây – Bài nào cũng mang khẩu khí của một bậc đế vương. Đến thời Hồ Xuân Hương, có thể nói, mỗi bài thơ vịnh cảnh của “Bà Chúa thơ Nôm” y như một bức phù điêu dân gian sinh động và cũng đầy tinh nghịch.

Hồ Xuân Hương - Hoài niệm phồn thực - ảnh 2Một số tác phẩm của Hồ Xuân Hương - Ảnh: Báo Tiền phong

Thơ vịnh cảnh họa được những chạm khắc độc đáo riêng có của thiên nhiên, cảnh vật đã đành, còn gửi được cả các sắc thái biểu cảm, tâm sự, nỗi lòng và cả cách nhìn đời, nhìn người như Hồ Xuân Hương, kể cũng cao tay.

Nhà thơ Nguyễn Thế Kiên bày tỏ sự nể phục trước bút pháp họa thơ có một không hai của “Bà Chúa thơ Nôm”. Trải suốt hơn hai trăm năm vẫn đầy giá trị, thơ Hồ Xuân Hương vừa hiện sinh, vừa đặc biệt khác lạ - Những trang thơ để đời mà không chỉ hôm nay mà mai sau còn nhắc nhớ, trân trọng.

Thơ đề vịnh mười bài sẽ như một nếu chỉ tả cảnh thuần túy. Tác giả “Lưu Hương ký” có lẽ không muốn lạc trôi vào số đông. Bà khiến độc giả không thể nào quên được khung cảnh ấy bằng những ẩn dụ, phiếm chỉ đầy sáng tạo. Nhà Phê bình văn học Đỗ Ngọc Yên đã có cái nhìn xâu chuỗi vào nghệ thuật vịnh cảnh tài tình của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Ẩn đằng sau đó là khát vọng đòi được người làm người phụ nữ đúng nghĩa của một người có con đường tình duyên trắc trở. Thay vì an phận, bà đã dùng thơ đòi lại sự công bằng. Nhờ đó, giá trị nhân bản của tác phẩm “Bà Chúa thơ Nôm” cao vượt lên.

Với những cảm xúc phong phú mang lại, thơ Nôm Hồ Xuân Hương từng được soi chiếu dưới nhiều lý thuyết như văn chương bác học, văn hóa dân gian, chủ nghĩa nhân văn thời Phục Hưng, góc nhìn phân tâm học hay phê bình nữ quyền. Âm vang hay còn gọi là tiếng vọng của thơ ca là điểm kết nối giữa quá khứ, thời điểm sáng tác và những chuyển động của hôm nay. PGS – TS Đoàn Lê Giang có cách ví von rất hình ảnh: “Đọc thơ Hồ Xuân Hương, người ta nghe âm vang của những lễ hội carnaval rộn ràng ngày xưa, hay pop, rock, thậm chí cả hiphop tưng bừng thời nay” – Từ đó, ông khẳng định: “Có thể nói thơ Hồ Xuân Hương rất gần với tính chất Hậu hiện đại”

Năm 1964, Giáo sư Trần Thanh Mại đã phát hiện và công bố tập “Lưu hương ký” gồm 24 bài thơ chữ Hán và 28 bài thơ chữ Nôm của nữ sĩ Hồ Xuân Hương do bạn thơ Tốn Phong thị viết tựa. Đáng nói là ngôn từ, tâm sự các bài thơ Nôm trong tập thơ này đậm chất trữ tình, khác với hình dung về một tài nữ đáo để, sắc sảo trong hầu hết thơ Nôm truyền tụng. Nói như vậy không có nghĩa là mảng thơ Nôm Hồ Xuân Hương truyền khẩu trong dân gian hoàn toàn là tinh nghịch, giễu nhại.

Chính vì có giọng điệu thơ cá biệt trong bối cảnh thi đàn thời bấy giờ, trường hợp phong cách tác giả Hồ Xuân Hương được đặc biệt chú ý và khai thác về sau này. Giọng điệu giễu nhại trội lên đã phần nào làm mờ đi chất trữ tình, cũng là một trong những yếu tố xuất hiện một cách khá đều đặn trong thơ Nôm của người chốn Cổ Nguyệt đường.

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương có tài dùng chữ, điều khiển các tính từ đặc tả một cách đắc địa. Về chất trữ tình, một cảm hứng góc khuất trong cảm hứng thơ của tác giả “Lưu Hương ký”, Nhà Phê bình Đỗ Ngọc Yên có những phát hiện đi đến kết luận về sự hài hòa trong nhiều giọng điệu thơ. Theo ông, công chúng phát hiện thêm một mảng chân dung khác của Hồ Xuân Hương trong mảng thơ trữ tình với ngôn ngữ trau chuốt, hình ảnh chọn lọc, kỹ càng. Tuy vậy, điều đó không hề đối lập với chất thơ tinh nghịch, hóm hỉnh gắn với “Bà Chúa thơ Nôm” vì một tác giả vẫn có nhiều mảng thơ, phong cách thơ khác nhau. 

Tập “Lưu Hương ký” lẫn thơ Nôm truyền tụng đều thể hiện nữ sĩ Hồ Xuân Hương có mối giao tình với nhiều văn nhân tài tử. Bên cạnh Nguyễn Hầu (Tức Nguyễn Du), Trần Hầu, Tốn Phong thị, Mai Sơn Phủ, Thạch Đình, Cự Đình, Thanh Liên, Chí Hiên thì Chiêu Hổ là người có nhiều thơ xướng họa với Hồ Xuân Hương. Các cuộc “đấu thơ” cũng cho thấy tài năng “một chín một mười” với “Bà Chúa thơ Nôm” của danh tính một nhân vật vẫn còn là một ẩn số với độc giả hôm nay

Feedback