Hà Nội trong mắt thơ

Anh Thư
Chia sẻ
(VOV5) -  Ở vị thế thủ đô, nhìn về thơ Hà Nội cũng thấy được phần nhiều đường nét gương mặt thơ cả nước.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Thăng Long Hà Nội – mảnh đất nghìn năm văn hiến, đã trải qua bao bão giông lịch sử, bao đổi thay thời đại, vẫn vẹn nguyên một vẻ đẹp sâu đằm, kín đáo, lãng mạn và bao dung. Đây vừa là không gian có tính vật chất, vừa là không gian tinh thần của bao thế hệ văn nghệ sỹ trí thức.

Nếu hiểu thơ Hà Nội là thơ của những người sống và viết ở Hà Nội và lấy thời điểm thống nhất đất nước năm 1975 là một dấu mốc thời gian thì từ đây có thể nhận ra từng bước đi của thơ ca, gắn với sự phát triển về đội ngũ sáng tác, tinh thần đổi mới, sự nhập thế của người viết đối với các vấn đề đương đại. Và tất nhiên, ở vị thế thủ đô, nhìn về thơ Hà Nội cũng thấy được phần nhiều đường nét gương mặt thơ cả nước.

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua. Cùng với những đóng góp có tính nền tảng, bền vững của thế hệ nhà thơ chống Pháp, chống Mỹ, thì sự xuất hiện của những nhà thơ sau 1975 tạo nên tiếng nói khác, góp phần quan trọng vào bầu không khí đổi mới của thơ nói riêng, văn học nói chung.

Hà Nội trong mắt thơ - ảnh 1 Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến - Ảnh: Minh Chánh/Vietnamnet

Theo nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, có thể tạm phân định các nhà thơ này theo 2 nhóm: Nhóm thứ nhất: các nhà thơ thuộc thế hệ hậu chiến (xuất hiện từ 1975 đến 1990) - đây là những gương mặt thơ tiêu biểu làm nên diện mạo chính của thời kỳ đổi mới trong thơ Việt Nam đương đại. Nhóm thứ hai: các nhà thơ trẻ xuất hiện trong giai đoạn 1990-2015 với những tìm tòi, phát hiện bước đầu được ghi nhận. Sáng tác của họ đem đến những màu sắc phong phú, truyền cảm hứng cho thơ đương đại, như nhận xét của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến: "Một loạt các nhà thơ đã xuất hiện và đã đánh dấu sự chuyển động mới của thơ ca Việt Nam với những tên tuổi như Dương Kiều Minh, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Việt Chiến, Đỗ Minh Tuấn, Nguyễn Linh Khiếu và nhiều nhà thơ khác thuộc thế hệ sau 1975. Thơ của họ từng giành được nhiều giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam cũng như Hội Nhà văn Hà Nội. Và trong đời sống văn học hôm nay thì  hành trình  cách tân thơ ca là một mảng rất được các nhà thơ chú ý, làm cho đòi sống thơ những tháng năm này phong phú hơn và làm cho diện mạo của thơ  đương đại càng ngày càng được mở ra.”

Ở góc độ đề tài và không gian, thì Hà Nội là môt miền quyến rũ. Thơ ca không khẳng định rằng người ở gần, ở trong sẽ viết hay hơn người ở ngoài, người một thoáng đi qua Hà Nội. Song nói riêng về đội ngũ người viết đang trong lòng Hà Nội, thì niềm xao xuyến lay động nhất khi hình dung về không gian này, ấy là những vẻ đẹp của truyền thống, của tài hoa, của tinh tế ngàn đời. Những vẻ đẹp ấy đang bị thử thách, bị xâm lấn, và người viết không thể đứng ngoài.

Hà Nội trong mắt thơ - ảnh 2 Nhà thơ Hoàng Việt Hằng - Ảnh: Báo Dân sinh.

Nhà thơ Hoàng Việt Hằng bày tỏ: “Đối với thế hệ chúng tôi thì Hà Nội bao giờ cũng đẹp và có những ẩn khuất. Viết lại những ẩn ức, những số phận người Hà Nội cũ, những món ngon của đất kinh kỳ, những ngõ ngách, những rêu phong, những gì mà người ta đi lướt qua, những gì mà thế hệ trẻ hôm nay không biết tới và không nghĩ tới thì đấy là trách nhiệm của người cầm bút. Chúng tôi cũng có những day dứt của một thời cuộc sau chiến tranh. Bây giờ Hà Nội là Hà Nội xây dựng, Hà Nội đổi mới, Hà Nội tốc độ. Nhưng tôi vẫn mong là có một thế hệ viết được Hà Nội cũ xưa mang những số phận,  nhà văn trở thành người thư ký, người chép sử mang lại một vẻ đẹp của Hà Nội trong văn chương.”

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, đã viết 4 trường ca về Hà Nội, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến có lý do để tự hào mình là một nhà thơ Hà Nội: “Những trăn trở khi viết về Hà Nội của tôi nằm của tôi nằm trong trường ca. “Phố”, dựa trên các thi liệu đầu tiên tức là những bức tranh phố cổ Hà Nội, qua góc nhìn của Bùi Xuân Phái, rồi với cái nhìn của một con người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, đã trải qua những năm chiến tranh rồi đến những năm hòa bình. Và tôi có thể nói rằng những bài thơ đầu tiên của tôi là những bài thơ viết Hà Nội. Chùm thơ tôi viết Hà Nội đã được giải thưởng cuộc thi thơ năm 1989 - 1990 của báo Văn nghệ. Thơ Hà Nội đã gắn bó với tôi rất mật thiết và đời sống tinh thần của tôi chính là một phần đời sống gắn liền với Hà Nội.

Nhắc đến Hà Nội trong thơ, ta thường hình dung về những ảnh hình lãng mạn, làm xao xuyến hồn người, như “những phố dài xao xác hơi may” trong thơ Nguyễn Đình Thi, “tiếng dương cầm trong ngôi nhà đổ” trong thơ Phan Vũ, hay hình ảnh ba mươi sáu phố phường, sông Hồng, hồ Tây chiều lộng gió… Bước vào thời đổi mới, đặc biệt qua hai mươi năm đầu thế kỷ 20, Hà Nội đã đổi thay quá nhiều, mở rộng về không gian địa lý, rạn vỡ về quy hoạch kiến trúc quy hoạch dân cư. Đã quen với Hà Nội của xưa cũ bình yên, nhà thơ Bùi Kim Anh không ít lần tự hỏi “Bỏ phố mình biết đi đâu?”

Hà Nội trong mắt thơ - ảnh 3 Nhà thơ Bùi Kim Anh

“Bỏ phố mình biết đi đâu/ Bước chân ra ngõ đụng đầu vào xe/ Lang thang phố chói nắng hè/ Tìm đâu cuối hạ tiếng ve bây giờ/ Tìm phố giữa những câu thơ/ Tìm ta ở những giấc mơ xa vời/ Hà Nội xưa là của tôi/ Lối nào cũng chật bước người yêu thương/ Ai hay xa lạ phố phường/ Đi như lạc vía lạc phương lạc người “.. .Tôi đã sinh ra đã lớn lên từ những bước chập chững của mình ở những con phố nhỏ bé thôi của Hà Nội. Hà Nội xưa khác bây giờ lắm bởi vì nó thật yên tĩnh.Như con phố tôi ở, tôi có thể đứng từ nhà mình mà nhìn suốt được lên đến tận đầu phố. Hà Nội bây giờ thì đã khác nhiều rồi. Và chính vì vậy có một Hà Nội rất xưa, một Hà Nội gắn với tuổi thơ của tôi cứ trở về trong những câu thơ, trong những trang viết của tôi.” - Nhà thơ Bùi Kim Anh tâm sự.  

Tâm trạng của nhà thơ Bùi Kim Anh cũng là tâm trạng của nhiều người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, cảm thấy buồn nhiều hơn vui khi đi giữa những tòa nhà cao tầng, những phố phường đầy âm thanh, xe cộ, người và người, trong cái nắng hè xoáy vào bê tông cốt thép. Ở một góc nhìn mở của người ngụ cư, nhà thơ Hoàng Xuân Tuyền cho rằng, cần đón nhận hiện tại và tương lai với tâm thế bình thản, tích cực hướng về phía trước.

Hà Nội trong mắt thơ - ảnh 4 Nhà thơ Hoàng Xuân Tuyền.

"Nói đến Việt Nam thì nói đến Hà Nội, mà nói chuyện Hà Nội có nghĩa là nói chuyện Việt Nam. Và tôi thì dù viết về cái gì cũng thế, bao giờ tôi cũng hướng đến tương lai, tìm cảm hứng trong tương lai. Cái gì đã là quá khứ thì mình giữ gìn nhưng mà mình phải vun đắp tương lai. Tương lai ấy là  tương lai Hà Nội, tương lai ấy là tương lai Việt Nam. Ta có thể làm được cái gì đó tốt cho con người Hà Nội cho mảnh đất Hà Nội này trong tương lai thì mình viết. Giọng có thể khác nhau, góc tiếp cận phản ánh có thể khác nhau, kiểu thơ có thể khác nhau, tự do hay lục bát  hay vân vân...  không quan trọng. Hãy tìm cảm hứng cho một tương lai Hà Nội đẹp, một tương lai Hà Nội mến yêu, một tương lai Hà Nội máu thịt và lúc ấy thì mình viết.” - Nhà thơ Hoàng Xuân Tuyền nói.

Hà Nội trong mắt thơ - ảnh 5Đường Phan Đình Phùng, Hà Nội - Ảnh: Xuân Chính/zingnews.vn

Hà Nội đang tiếp nhận những thử thách có tính thời đại. Qua ngổn ngang, bề bộn, những vẻ đẹp mới sẽ lại được phát lộ, được chắt chiu nuôi dưỡng qua từng trang thơ, để Hà Nội luôn là một miền thơ, một miền nhớ, miền hội tụ và tỏa sáng, trái tim yêu cả nước hướng về.                      

Feedback