Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Căn nhà nhỏ của nhà giáo, nghệ sĩ Ngô Văn Thành trên đường Thụy Khuê, trông ra Hồ Tây luôn có tiếng vĩ cầm du dương. Về hưu được mấy năm nay nhưng dường như ông vẫn “kín lịch” hướng dẫn học viên và tham gia biểu diễn âm nhạc.
GD NSND Ngô Văn Thành |
Hơn 1 năm qua, dịch bệnh Covid đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống, thói quen sinh hoạt của mỗi người. Âm nhạc là sợi dây gắn kết tuyệt vời nhất để tái tạo sức sống mới.
Giáo sư Ngô Văn Thành tâm niệm: người nghệ sĩ khi chơi một bản nhạc phải chuyên nghiệp, đúng các yêu cầu kĩ thuật. Bên cạnh đó cá tính, phong cách của người nghệ sĩ phải tạo ra sự lôi cuốn, ấy chính là cảm xúc của tiếng đàn violon đến với công chúng: "Người ta hay gọi violon du dương, réo rắt, khích động đến trái tim mỗi một người nghe. Làm thế nào để thúc đẩy âm thanh đó vào trái tim người nghe? Rất nhiều người bảo rất xúc động, nhưng đó mới chỉ là xúc động cho mình. Còn làm như thế nào công chúng xúc động- nghệ thuật làm công chúng xúc động. Mình cảm thấy mình đánh hay chưa đủ mà phải để cho người khác cảm nhận được. Khi đó người ta sẽ thấy rằng tiếng đàn đó là tinh hoa của trời đất ban cho, qua lao động hoặc bẩm sinh, chứ không phải bỗng dưng ai cũng giống ai cả."
Hơn 50 năm làm bạn với cây vĩ cầm, nhà giáo, Nghệ sĩ Nhân dân Ngô Văn Thành tâm niệm dạy đàn cũng là dạy người. Ông bảo “Không trò đố thầy làm nên”. Hạnh phúc của người thầy là gặp được những học sinh có năng khiếu, nhanh nhẹn. Ông đánh giá cao những học sinh giỏi toán, yếu tố tại nên sự logic trong phát triển nghề nghiệp sau này.
Bên cạnh đó là xúc cảm với âm nhạc và người thầy phải biết khai thác thế mạnh của mỗi học trò: "Tôi yêu quý học sinh không phải vì mình nghĩ rằng em đó trong tương lai sẽ thành tài hay em đó là niềm hi vọng của gia đình. Tôi luôn luôn đặt ra: thế mạnh của em ấy lúc học là cái gì. Sự tiếp thu của em ấy có những điểm không bao giờ mình lộ ra được rằng đấy là những tài năng. Bởi vì còn quá nhiều việc mình phải làm để mình biết được cái mạnh và cái chưa mạnh. Sự bù đắp của người thầy cũng giống như cha mẹ nuôi con, nếu thấy phần nào đấy của con chưa phát triển thì mình sẽ tập trung vào."
Hơn 50 năm làm bạn với cây vĩ cầm, nhà giáo, Nghệ sĩ Nhân dân Ngô Văn Thành tâm niệm dạy đàn cũng là dạy người. |
Thuộc thế hệ những học sinh violon đầu tiên của Thủ đô sau ngày giải phóng, được nuôi dưỡng và trưởng thành trong cái nôi âm nhạc, nhà giáo, Nghệ sĩ Nhân dân Ngô Văn Thành luôn mong muốn dành những điều tâm huyết cho thế hệ sau. Ông luôn tin tưởng rằng, con người Việt Nam dù trải qua bao bom đạn, chiến tranh bảo vệ đất nước thì trong sâu thẳm tâm hồn vẫn là những người tha thiết với cuộc sống. Cảm xúc âm nhạc và sự linh động, sáng tạo như là một nét riêng hiếm có của người Việt Nam.
Tuy vậy, ông vẫn băn khoăn, đã hơn 40 năm trôi qua, vẫn chưa có một tài năng nào vượt qua Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Thái Sơn- Nghệ sĩ châu Á đầu tiên giành giải Nhất Cuộc thi piano quốc tế Frédéric Chopin. Ông cho rằng: thiếu tính kỉ luật, sự chuyên cần và bản lĩnh là những lực cản sự hội nhập của chúng ta trong âm nhạc: "Bản lĩnh của một người, một đất nước, một nghệ sĩ là phải chuẩn bị tâm thế để thi đấu ở nước ngoài. Ví dụ như chương trình đào tạo tài năng trẻ đặc biệt trong âm nhạc. Mình phải hướng tới hội nhập và đứng được trong hàng ngũ đất nước sản sinh ra những tài năng. Chúng ta còn thua kém cả những nước xung quanh về âm nhạc cổ điển. Chúng ta quên mất rằng muốn trở thành một nước phát triển, cần một nền âm nhạc phát triển. Nền âm nhạc phát triển tức là cần đến những nghệ sĩ biểu diễn tương đương với các nghệ sĩ trên thế giới, có những nhạc sĩ sáng tác những bài thế giới có thể chơi."
Là một trong những học trò ưu tú của NSND Ngô Văn Thành, nghệ sĩ violon Phạm Trường Sơn là người được ông chọn giữ lại giảng dạy tại khoa Dây, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Trong hai năm học cao học, anh đã được học tập trực tiếp với thầy Ngô Văn Thành. Anh coi đó là hai năm bản lề trong sự nghiệp với cây đàn violon: "Thầy không chỉ dạy chúng tôi biết chơi đàn. Thầy nhìn con người bằng chính bản chất của người ta. Từ đó thầy có phương pháp giảng dạy phù hợp, khi bắt đầu vun vén cho học sinh phát triển tối đa khả năng của mình, khích lệ có chiến lược, tâm huyết không quản ngại thời gian, tâm sức để làm sao học sinh có kết quả tốt nhất."
Một bác sĩ giỏi, luôn đau đáu về bệnh nhân cũng giống như một người thầy giỏi, “dạy một ngày được một ngày, một nốt được một nốt để học sinh không lãng phí tuổi thanh xuân”.
Điều giản dị ấy đã làm nên con người một nghệ sĩ, một nhà giáo Ngô Văn Thành mà khi nhắc đến tên ông, các thế hệ luôn dành tình yêu và lòng ngưỡng mộ.
23 tuổi đoạt Bằng khen vòng II Cuộc thi âm nhạc Quốc tế mang tên Tchaikovsky tại Liên Xô về biểu diễn đàn violon. 45 tuổi được phong hàm Phó giáo sư. 52 tuổi được phong hàm Giáo sư và khi 61 tuổi được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Là nghệ sĩ độc tấu violin và hòa tấu thính phòng, từ năm 2000, ông đã dàn dựng và chỉ huy dàn nhạc Dây - Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam. Cùng với các thế hệ giảng viên của Học Viện, nhà giáo, NSND Ngô Văn Thành đã góp phần truyền dạy, mong muốn đưa âm nhạc cổ điển tới gần gũi công chúng.