Giám tuyển nghệ thuật – anh là ai?

Anh Thư
Chia sẻ
(VOV5) - Nếu ở các nước, đây là một công việc chuyên nghiệp, thì ở Việt Nam từ lúc sơ khai cho đến nay như thế nào?

Nghe âm thanh bài tại đây qua giọng đọc PTV Hải Yến:

Curator hay giám tuyển nghệ thuật là một chức danh được nhắc đến nhiều trong những năm gần đây, gắn với các dự án, các triển lãm mỹ thuật ở khu vực tư nhân. Một vị trí này vai trò rất quan trọng quyết định thành bại của một dự án nghệ thuật, bên cạnh đó còn gắn với nhiều đầu việc mang tính bếp núc khác. 
Giám tuyển nghệ thuật – anh là ai? - ảnh 1Giám tuyển, họa sĩ Trần Lương - Ảnh: vtcnews.vn

Một trong số ít nghệ sỹ đầu tiên ở nước ta thành công với vai trò giám tuyển - đó là Trần Lương. Ông bắt đầu công việc này từ giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, xuất phát từ thực tế ban đầu cần phải có một vị trí “giám sát” và “tuyển chọn” tác phẩm cho các triển lãm tư nhân. Qua ba thập niên nỗ lực tự học và thực hành, kết nối với thế giới, tên tuổi Trần Lương gắn với nhiều dự án nghệ thuật đương đại, các dự án nghệ thuật cộng đồng, là “bà đỡ” cho nhiều nghệ sỹ trẻ. “Tự học” cũng là một đặc điểm của các giám tuyển thế hệ 6x, 7x.

Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn – giảng viên nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, anh gắn bó với vị trí này từ thực tế đòi hỏi của công việc: "Với thể thao có thể nhìn thấy trong bóng đá, vai trò của người huấn luyện viên quan trọng như thế nào, mang lại sự thay đổi toàn bộ. Nếu so sánh là khập khiễng, nhưng với mỗi một triển lãm, mỗi một cuộc trình diễn thì rõ ràng vai trò của người giám tuyển cũng giống tương tự như vậy. Nó dường như người nhạc trưởng là người kết nối, người dẫn dắt, đưa ra những chiến lược cho mỗi một lần xuất hiện."

Giám tuyển nghệ thuật – anh là ai? - ảnh 2Một góc triển lãm “Hà Nội- Một thành phố trong nhiếp ảnh” ( thuộc khuôn khổ Liên hoan nhiếp ảnh quốc tế 2023). Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn là giám tuyển của chương trình. - Ảnh: vnanet.vn

Theo giám tuyển Đỗ Tường Linh, thuật ngữ tiếng Anh “curator” hay cụm từ “giám tuyển nghệ thuật” trong tiếng Việt cũng không phản ánh được hết các công việc mà một người giám tuyển đang làm, thực hành giám tuyển ở nước ta hiện nay có nhiều điểm khác với khi được đào tạo ở nước ngoài: "Cho đến nay cũng không thể định danh được cụ thể, bởi vì đôi khi phải đóng nhiều vai, phải mang rất nhiều những việc khác. Có thểkhi bạn đi học một khóa ở nước ngoài, nhất là những  khóa học curator truyền thống, phần lớn người ta sẽ dạy về việc có thể liên quan đến hệ thống bảo tàng, những lý thuyết, hoặc là những ý niệm, hoặc là triết học, cách thực hiện của phương Tây, nhưng khi ở Việt Nam đôi khi tất cả những điều ấy có thể không áp dụng được. Vậy nên cách làm việc của các giám tuyển ở Việt Nam cũng rất khác."

Người giám sát, tuyển chọn, bà đỡ, ông bầu, người nội trợ, người dẫn dắt kết nối… vv… Rất nhiều vai trò, đầu việc, chức trách mà một giám tuyển nghệ thuật phải đảm đương. Theo họa sỹ Lê Đăng Ninh, khi nghệ sỹ có sự phối hợp của những giám tuyển giàu uy tín và kinh nghiệm thường sẽ đi được xa hơn trong hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo: “Nghệ sĩ ở trong xưởng làm việc mang tính cá nhân, và tính cá nhân đôi khi cứ đóng kín ở trong xưởng thì chưa chắc đã hay. Người giám tuyển sẽ nhìn ở một khía cạnh khác. Họ từ ngoài nhìn vào câu chuyện nà. Và họ biết cách tập hợp lại để thành một câu chuyện nghệ thuật hay là một dự án nào đó. Tôi nghĩ vậy.”

Hiện nay các lĩnh vực nghệ thuật, thiết kế sáng tạo có vai trò quan trọng trong sự phát triển công nghiệp văn hóa ở nước ta. Và tất nhiên, việc đào tạo đội ngũ nhân lực cần được đặt lên hàng đầu. Nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản sẽ góp phần tạo nên những thay đổi dài hạn, nâng tầm chất lượng nghệ thuật.

Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn cho rằng vị trí này cần được khẳng định trong xây dựng công nghiệp văn hóa: “Để phát triển nền nghệ thuật chuyên nghiệp hơn, hai là hướng tới một ngành công nghiệp văn hóa, tôi nghĩ vị trí, vai trò của người giám tuyển không phải chỉ trong lĩnh vực nghệ thuật thị giác mà nhiều lĩnh vực khác của nghệ thuật như âm thanh, điện ảnh, kịch, sân khấu múa, âm nhạc.. đều cần phải có những vị trí của người giám tuyển, vai trò của người giám tuyển trở nên rõ rệt hơn.”

Trong sự phát triển của đời sống nghệ thuật hướng ra thế giới, các giám tuyển trẻ thế hệ cuối 8x và 9x đã có nhiều cơ hội học tập ở nước ngoài, trở về nước và thực hành giám tuyển tại nhiều không gian nghệ thuật.

Song cũng theo giám tuyển Đỗ Tường Linh, từ công việc thực tế mà cô trải nghiệm nhiều năm nay, để làm tốt công việc của một giám tuyển không nhất thiết phải có bằng cấp đào tạo ở nước ngoài mà ở đây việc tự học và tự thích ứng với môi trường thực hành là rất quan trọng: “Những người giám tuyển đang rất tích cực, rất năng động và có những ý tưởng, dự án độc đáo thì cũng rất nhiều người chỉ học ở Việt Nam thôi, không phải học nước ngoài. Nhất là khi là nghề văn hóa nghệ thuật, còn liên quan đến chính những di sản văn hóa, những kiến thức, hiểu về nghệ thuật Việt Nam. Nhiều khi những bạn học ở nước ngoài mà không có những trải nghiệm đó thì cũng không thể nào tiếp cận được.”

Tính từ buổi đầu mở cửa, đến nay dù đã trải qua gần 40 năm nhưng chúng ta chưa có thị trường nghệ thuật đúng nghĩa. Tất cả đều manh mún, tự phát, chưa nói đến sự thiếu minh bạch, vàng thau lẫn lộn. Nhiều trào lưu nghệ thuật du nhập. Bản thân các nghệ sỹ cũng thực hành nghệ thuật theo nhiều hướng. Song công tác phê bình và thẩm định nghệ thuật gần như bỏ ngỏ. Những giám tuyển có tài năng, học vấn, kinh nghiệm và tầm nhìn sẽ đóng góp nhiều cho sự phát triển của nghệ thuật nói chung, thị trường nghệ thuật nói riêng.

Feedback