Độc đáo tuổi thơ Hà Nội ngày xưa

Phùng Hà/CTV
Chia sẻ

(VOV5)- Di cảo, hồi ức của nhà văn Lê Bầu về tuổi thơ và cuộc sống của cư dân dưới bãi sông Hồng những năm 1930.

(VOV5)- Di cảo, hồi ức của nhà văn Lê Bầu về tuổi thơ và cuộc sống của cư dân dưới bãi sông Hồng những năm 1930.
Độc đáo tuổi thơ Hà Nội ngày xưa - ảnh 1

Kỉ niệm 60 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2014), Nhà xuất bản Kim Đồng vừa cho ra mắt cuốn sách “Tuổi thơ Hà Nội ngày xưa” - tập di cảo, hồi ức của nhà văn Lê Bầu về tuổi thơ của ông - của những đứa trẻ dưới bãi sông Hồng những năm 30 của thế kỉ trước.

Lê Bầu là nhà văn, nhà báo, dịch giả có uy tín với nhiều tác phẩm được độc giả yêu mến như Thông reo, Đi thực tập, Dòng sữa trắng, Hoàng hậu Vàng Anh, Đèn kéo quân, Sáu mươi ngày đêm giữ chợ Đồng Xuân, Ngã ba cô đơn, Độc hành… và nhiều dịch phẩm như: Tể tướng Lưu Gù, Quê cũ, Thành phố hoa, Hoài niệm sói, Quỷ thành, Trở về

Bạn bè yêu quý Lê Bầu bởi sự ngay thẳng, lòng yêu nghề và sống hết mình vì bạn bè của ông.

Bạn bè thân thiết của ông không ít, nhưng tuổi thơ của ông là một khoảng bí mật vời vợi chỉ trong kí ức của riêng ông, chẳng giãi bày cùng ai. Ngay cả nhà văn Bùi Ngọc Tấn - người được coi là tri âm tri kỷ của ông cũng không hề biết về tuổi thơ của ông.

Trong lời nói đầu cuốn sách “Tuổi thơ Hà Nội ngày xưa”, nhà văn Bùi Ngọc Tấn chia sẻ, ông đã nhiều lần nói với nhà văn Lê Bầu là “viết hồi kí đi, bởi cuộc đời dài ngắn chẳng ai biết ra sao”, nhưng vì mải việc nên cuốn hồi kí ấy chưa được công bố thì Lê Bầu đã ra đi, mang theo lời hứa về tập hồi kí chẳng bao giờ được viết ra của ông.

Nhưng rồi, nhà văn Bùi Ngọc Tấn nhận được tập di cảo của nhà văn Lê Bầu từ một người bạn, mà theo ông tâm sự là “chẳng dính dáng gì đến văn chương”.

Tập di cảo ấy được viết ra một cách vội vàng, để chờ bổ sung, hoàn thiện. Là người đọc và nhuận sắc tập di cảo này, nhà văn Bùi Ngọc Tấn đã phải bỏ ra nhiều công sức. Ông chia sẻ: “Rõ ràng anh mới nháp lần đầu. Khi hết một ý, anh đánh dấu phẩy, chờ những ý rồi sẽ đến. Những dấu phẩy cứ thế kéo theo nhau, có khi đến cả trang. Và khi hết “dấu phẩy”, trước khi xuống dòng, anh đánh dấu chấu chấm lửng (…) nghĩa là rồi sẽ được bổ sung thêm. Tôi dọn dẹp những chỗ đó, sao cho vẫn giữ nguyên giọng văn của Lê Bầu.”

Tập sách ra đời, những người bạn của nhà văn Lê Bầu mới có dịp hiểu về tuổi thơ của ông, một tuổi thơ nhiều gian khó ở bãi bồi sông Hồng, với những cộng đồng dân dưới bãi như tay lơ xe “anh chị”, những kẻ nghiện ngập, móc túi… Nhưng giống như đóa sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, cậu bé Lê Bầu hồn nhiên sống, hồn nhiên chơi đùa, trong sáng lớn lên cùng những lời dạy nghiêm khắc của người cha ít học nhưng tính tình khẳng khái. Và có lẽ, chính vì vậy mà sau này, khi lớn lên, chịu nhiều dâu bể, Lê Bầu vẫn như cây thông giữa đời, được tất cả bạn bè kính quý.

Đọc “Tuổi thơ Hà Nội ngày xưa”, độc giả sẽ được đắm mình trong không gian, cuộc sống của Hà Nội dân dưới bãi với những địa danh Phúc Xá, Nghĩa Dũng, An Dương, Tứ Tổng… những năm ba mươi của thế kỉ trước. Nơi ấy, tập trung đủ mọi hạng người: những kẻ lưu manh, lừa lọc như chị em Bính Lớn, Bính Con, vợ chồng Cả Mốc, ông Mù… với đủ các chiêu trò; những kẻ nghiện ngập, những tay “anh chị” khét tiếng. Nhưng từ chính nơi ấy, tình người vẫn rạng ngời ấm áp: Một Tí Bủng - cầm đầu bọn đầu gấu bến ô tô, “dạy vợ” đang bầu bí bằng cách đào một cái hố bắt vợ nằm sấp bụng xuống rồi đánh mười roi; bà Cau bán nước hiền hậu, lo lắng dặn dò cậu bé Bầu tránh xa mấy đứa lưu manh; hay bác Cấn trong đội cu li – người hay quát mắng đe nẹt cậu bé Bầu nhất, sau một thời gian xa cách, tình cờ gặp cậu hôm đi thi thì dúi vào tay cậu mấy đồng hào bạc và nói bằng giọng rưng rưng: “Thất học khổ lắm con ạ!”…

Độc đáo tuổi thơ Hà Nội ngày xưa - ảnh 2

Theo nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, “Tuổi thơ Hà Nội ngày xưa” là một cuốn sách độc đáo bởi trong văn học Việt Nam, chưa có tác phẩm nào viết về tuổi thơ Hà Nội thị thành trước năm 1945, mà lại là viết về những đứa trẻ, những người ngụ cư dưới bãi sông Hồng thì càng hiếm có. Ngay cả những tác phẩm của nhà văn Tô Hoài, Lê Văn Chương, Nguyên Hồng hay thậm chí những tác phẩm của Tự Lực văn đoàn… những năm đầu thế kỉ cũng chỉ xoay quanh tuổi thơ Hà Nội ở nông thôn – ngoại thành, hoặc một vài nét chấm phá mờ nhạt về trẻ em thị thành.

Hãy cùng đắm mình và tưởng tượng về một góc Hà Nội xưa qua một đoạn hồi ức của nhà văn Lê Bầu: “Góc những ngã tư đường Mười khá “sầm uất”, (đường Hai Mươi rất vắng, vì chỉ có một dãy nhà trông ra sông, còn dãy phía bờ sông thường bỏ trống, không có người ở) tức là ban ngày, ban tối thường có thêm một gánh phở rong, cô quạt ngô nướng, bà bán quà vặt, xâu táo xâu khoai sọ, (khoai và táo được xâu thành từng xâu, quả lớn, củ lớn ở giữa rồi nhỏ dần về hai đầu, người mua chỉ được chọn từng xâu chứ không được chọn từng quả, từng củ) đặc biệt là có bà hàng nước hấp dẫn khách hàng bằng chiếc điếu cày, tối đến thỉnh thoảng thêm vợ chồng anh xẩm mù tới hát. Họ chỉ có một chiếc nhị hai dây cò cử làm nhạc đệm và một manh chiếu rách, trải ngồi, ngoài ra còn một chiếc chậu thau méo mó, to bằng cái mũ nồi, hoặc chiếc cơi đựng trầu để ngay trước mặt, nhận tiền “thưởng” của người nghe khi nghe đến đoạn hay, đoạn mình thích thú, hoặc của những người đã đứng ngồi nghe suốt từ đầu mà “không thưởng cũng không tiện”.”

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn chia sẻ: “Tôi nghĩ những người thích tập hồi kí mỏng này của Lê Bầu sẽ không chỉ là trẻ em, mà cả người lớn, những người thích tìm hiểu Hà Nội, kể cả những nhà Hà Nội học.”

Nhân dịp này, NXB Kim Đồng cũng cho ra mắt cuốn sách “Tháng ngày thương nhớ” - hồi ức của nhà văn Phạm Thắng - tác giả “Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt”… về tuổi thơ ở nội đô Hà Nội khoảng thời gian trước và sau Cách mạng Tháng Tám 1945. Như bao cậu học trò nhỏ khác, cậu bé Phạm Thắng cũng có những kỉ niệm  êm đềm đáng nhớ về tuổi học trò hồn nhiên, tinh nghịch của mình ở trường ở lớp. Nhưng những điều mắt thấy tai nghe về nạn đói, về sự dã man của thực dân Pháp, phát xít Nhật… đã hun đúc trong lòng cậu học trò nhỏ lòng yêu nước, để sau này, cậu bé ấy đã trở thành một thành viên của Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt, hoạt động trong lòng địch, cung cấp nhiều thông tin mật cho Sở chỉ huy Liên khu, góp phần Giải phóng Thủ đô. Cuốn sách vì thế, cũng là một tư liệu quý, sinh động về tuổi thơ Hà Nội trước Cách mạng.

Độc đáo tuổi thơ Hà Nội ngày xưa - ảnh 3

Ngoài ra, nhiều tựa sách về Hà Nội cũng được NXB Kim Đồng tái bản trong dịp này:  “Hà Nội rong ruổi quẩn quanh” của nhà văn Băng Sơn; “Thương nhớ mười hai”, “Miếng ngon Hà Nội” của nhà văn Vũ Bằng, “Sống mãi với thủ đô” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, “Chuyện cũ Hà Nội” của nhà văn Tô Hoài, bộ Kể chuyện Thăng Long - Hà Nội gồm 5 cuốn: Kinh đô muôn đời, Cảnh sắc Hà Nội, Kì tích chống giặc ngoại xâm, Kiến trúc ngàn năm, Danh nhân Hà Nội…/.

Thông tin về tác giả:

Nhà văn Lê Bầu (1930 – 2009). Sinh tại Khoái Châu - Hưng Yên.

Bút danh: Phan Hà, Thanh Lịch, Lê Bầu Bỉnh.

Tác phẩm chính: Thông reo, Đi thực tập, Dòng sữa trắng, Hoàng hậu Vàng Anh, Những năm tháng trôi qua, Sáu mươi ngày đêm giữ chợ Đồng Xuân…

Ngoài sáng tác, viết báo, Lê Bầu còn là một dịch giả tiếng Trung Quốc có uy tín, đặc biệt với các tác phẩm của Giả Bình Ao.

Feedback