Đoàn Tuấn “Trong trái tim hôm nay tôi đang sống”*

Anh Thư
Chia sẻ
(VOV5) - Đoàn Tuấn viết rất nhiều về sự mất mát, hy sinh, về cái chết. Những trang viết kỹ càng, lối tường thuật trực diện, nhịp văn nhanh, dồn dập...Nhưng kỳ lạ, người đọc không cảm thấy sợ hãi.

Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Minh Nguyệt:

Không chỉ là một nhà giáo, nhà biên kịch, nhà báo với nhiều đóng góp cho điện ảnh nước nhà, Đoàn Tuấn còn là một nhà văn có vị trí riêng trên văn đàn. Khoảng thời gian ở chiến trường K (Campuchia) (1978 – 1983) đã cho ông bao trải nghiệm, vừa thiêng liêng vừa đau đớn, để từ đó những trang viết về đồng đội trào dâng, cuộn xoáy, như một dòng sông không bao giờ ngừng chảy…
Đoàn Tuấn “Trong trái tim hôm nay tôi đang sống”* - ảnh 1Nhà văn Đoàn Tuấn - Ảnh: Báo Sài Gòn giải phóng

Gần năm năm chiến đấu trên đất bạn, Đoàn Tuấn trải qua nhiều vị trí khác nhau, khi là lính thông tin, lúc ở ban tác chiến tiểu đoàn, khi lại được chuyển về làm công tác thương binh tử sỹ, tự tay viết điếu văn, tự tay chôn cất đồng đội, và cũng tự tay bốc hài cốt đồng đội đưa về nước. Địa bàn công tác di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều thành phần trong quân ngũ, sống với đồng đội trọn vẹn cả khi đang chiến đấu lẫn giây phút lâm chung, vì thế Đoàn Tuấn có nhiều ám ảnh, nhiều nghĩ suy và nhiều chất liệu.

“Tôi không thể sống thiếu người đã mất

Tôi sống bằng cái chết của bạn tôi”

Những câu thơ viết ở tuổi 20 luôn thầm thì trong tâm trí nhà văn Đoàn Tuấn, tiếp cho ông thêm niềm tin và sức mạnh để sống, làm việc, không chỉ cho riêng mình, mà thêm cả phần của đồng đội đã hy sinh - hy sinh cho mình được sống. Có lẽ vì thế nên những người quen thân Đoàn Tuấn luôn gặp ở ông một con người tràn đầy năng lượng. Việc công việc tư bận rộn, nhưng luôn trọn vẹn, đúng giờ, đúng hẹn. Làm nhanh, đi nhanh, nói cũng nhanh và rời đi cũng vội. Trong những cuộc gặp gỡ bạn bè, Đoàn Tuấn tranh luận cũng nhiều, cười cũng nhiều. Nhưng ngay cả khi vui nhất thì đôi mắt vẫn anh ánh buồn.

Nỗi buồn ấy, niềm khắc khoải ấy, Đoàn Tuấn gửi vào trang viết. Từ những bài thơ buổi đầu “Đất bên ngoài Tổ quốc” đến những truyện ký, tiểu thuyết sau này: “Những người không gặp nữa” (2006), “Mùa chinh chiến ấy” (2016), “Một trăm ngày trước tuổi 20” (2018), và cuốn sách gần đây nhất “Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt” (2022), ông đã thủy chung với một đề tài - viết về người lính trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, xác lập cho mình một vị trí riêng trong dòng văn học chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.  

Hành trình sống và viết đồng thời mở ra không gian và thời gian nghệ thuật trong sáng tác của ông, đi từ những xúc cảm riêng tư để rồi chạm vào từng số phận, viết về mình và đồng đội, viết về cuộc chiến từ cái nhìn bên trong của người từng tham gia chiến đấu, đã có đủ độ lùi thời gian để chiêm nghiệm và tham chiếu từ nhiều điểm nhìn khác nhau. Đó là cái nhìn thấu hiểu, xa xót, bao dung, mang thông điệp của hòa giải, tha thứ. Tha thứ, nhưng không được phép quên lãng. Tha thứ để can đảm đi đến tận cùng nỗi đau cả thể xác và tâm hồn, đối diện với nó, thấu hiểu nó. Để những người đang sống tự chữa lành vết thương vẫn còn rỉ máu. Và cả những người đã khuất, họ được thanh thản ở thế giới bên kia.    

Thế nên, Đoàn Tuấn không ngừng những chuyến đi. Đi tìm hài cốt đồng đội. Trở lại chiến trường K. Tìm về các gia đình liệt sỹ. Dò hỏi từng manh mối địa chỉ. Và thu xếp những cuộc gặp mặt. Gặp để hiểu đồng đội đang phải vật lộn với đời thường ra sao, khi trong mình còn găm nhiều mảnh đạn nhiều ký ức đớn đau, mà gánh nặng áo cơm quá đỗi nhọc nhằn. Gặp những người mẹ người vợ người con của liệt sỹ để trao một kỷ vật, để nói một lời canh cánh bao nhiêu năm, hoặc đôi khi chẳng thế nói điều gì.

Chiến tranh đi qua. Những hố bom được lấp đầy. Những công trình xây dựng mới được mọc lên. Chúng ta có thể hân hoan về các chỉ số tăng trưởng. Nhiều miền quê thay da đổi thịt. Thế hệ sau không phải lo thiếu trước hụt sau. Song dư âm hậu chiến đâu thể biến mất một cách dễ dàng.

“Tôi có thể khẳng định với bạn, dù bạn biết nhiều danh lam thắng cảnh, dù bạn thưởng thức nhiều món ăn hảo hạng, nhưng không có gì thú vị bằng việc được khám phá những điều kỳ lạ về cuộc đời và số phận của con người, nhất là những người từ chiến trận trở về” (**).  Đoàn Tuấn đã luôn trung thành với điều tâm niệm ấy. Ông đồng hành cùng thế hệ người lính thứ ba này, một thế hệ trẻ trung yêu đời, mang dáng vẻ bình thường nhưng tiểm ẩn những phẩm chất, những năng lực phi thường. Họ phải sống và chiến đấu xa Tổ quốc, với một kẻ thủ giấu mặt, vô cùng phức tạp và tàn ác, có ngã xuống cũng không được ngã trên đất mẹ, không có vòng tay che chở của quê hương.

Có thể nói, Đoàn Tuấn viết rất nhiều về sự mất mát, hy sinh, về cái chết. Những trang viết kỹ càng, lối tường thuật trực diện, nhịp văn nhanh, dồn dập. Nỗi đau có thể sờ được, chạm được. Nỗi đau buốt vào tận xương, tận da thịt tâm can. Nhưng kỳ lạ, người đọc không cảm thấy sợ hãi, không cần phải tránh né. Đó thực sự là những vẻ đẹp được kết tinh từ máu và nước mắt.

Ở cuốn sách phát hành gần đây nhất, “Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt”, Đoàn Tuấn đã đẩy những suy tưởng của mình lên một tầng bậc mới. Thông qua hành trình của người đồng đội tên Ánh - nay là nhà sư Phteah Saniphap - trở lại chiến trường K để cầu siêu cho những linh hồn đồng đội đã hy sinh, cầu siêu cho linh hồn những thường dân Việt Nam và Campuchia bị chết oan dưới bàn tay Khmer Đỏ, cầu siêu cho cả những linh hồn lính Pol Pot, Đoàn Tuấn nhìn cuộc chiến bằng góc nhìn của người lính tình nguyện Việt Nam thấu hiểu hy sinh mất mát mà dân tộc Campuchia phải chịu đựng. Một đất nước tươi đẹp, nồng hậu, với những công trình văn hóa nổi tiếng, những điệu múa những loài hoa thơm ngát. Trong thế kỷ 20, đất nước ấy phải trải qua thử thách khắc nghiệt. Những vấn đề hậu chiến của họ cũng dai dẳng, khốc liệt. Campuchia đang hồi sinh. Song cũng giống như Việt Nam, biết bao gia đình còn chưa nguôi nỗi đau có người thân bị làm nhục, bị sát hại bởi Angkar. Ngay cả những người lính Khmer Đỏ, họ cũng là nạn nhân của chế độ Pol Pot, bị ép buộc hoặc bị làm cho lầm đường lạc lối, cầm súng bắn vào đồng bào mình, bắn vào chính nghĩa. Ký ức về nạn diệt chủng thật kinh hoàng, không chỉ với nhân dân Campuchia mà với cả nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới.

Lịch sử đã chứng minh rằng một chế độ chính trị ổn định, lấy lợi ích của dân tộc lợi ích của nhân dân làm kim chỉ nam thì chế độ ấy sẽ đưa dân tộc đưa đất nước phát triển. Ngược lại, một chế độ do những kẻ độc tài hoang tưởng cầm đầu thì chế độ ấy chỉ gây ra những thảm họa. Nhân dân chính là nạn nhân của thảm họa đó. Vì thế, cuộc sống này, thế giới này cần phải được vận hành được xây đắp bằng tình yêu thương, hòa bình và hữu nghị.

“Sống sao cho xứng đáng với phẩm giá người đã khuất”. Đoàn Tuấn sẽ còn viết tiếp về thực tế chiến trường khắc nghiệt, nóng bỏng, những tình  huống bất ngờ, những số phận bi tráng, những cái chết đã hóa tượng đài bất tử. Và nữa, những người lính tỏa sáng giữa đời thường bởi phẩm chất bình dị cao quý, những bà mẹ, những người vợ, những người con mang nỗi đau để nâng đỡ cuộc đời. Tiếp nối mạch truyện ký là tiểu thuyết, là phim tài liệu, là kịch bản điện ảnh. Có thể lắm chứ. Bởi Đoàn Tuấn còn rất nhiều tư liệu, còn rất nhiều điều muốn chia sẻ, muốn tỏ bày. Nỗi đau trong ông đã đủ thời gian, vừa độ tỏa hương. Nỗi đau ấy là một vẻ đẹp có khả năng chữa lành, ngân lên giữa nhân gian bộn bề. Nó sẽ không bao giờ cô đơn.

(*) Câu thơ trong bài “Đất bên ngoài Tổ quốc” của Đoàn Tuấn

(**) Trích “Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt”

Feedback