Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Sơn Tùng:
Đạo diễn, NSND Bùi Đình Hạc là một tài năng hiếm có của nền điện ảnh nước nhà. Ông thành công ở hai lĩnh vực phim tài liệu và phim truyền hình. Nhắc đến ông là nhắc đến những kiệt tác tài liệu như: Nước về Bắc Hưng Hải, Nguyễn Ái Quốc đến với Lê Nin, Đường về Tổ Quốc, Hồ Chí Minh- chân dung một con người…
Những bộ phim này đều được trao tặng giải Bông sen vàng tại nhiều kỳ Liên hoan phim quốc gia, ghi nhận công lao của đạo diễn Bùi Đình Hạc và nhóm làm việc trong lĩnh vực phim tài liệu về Bác Hồ. Với những đóng góp cho nền nghệ thuật nước nhà, đặc biệt trong lĩnh vực phim tài liệu, năm 2007, ông đã nhận giải thưởng Hồ Chí Minh.
Cảnh trong phim tài liệu Nước về Bắc Hưng Hải của đạo diễn Bùi Đình Hạc. Ảnh: daotaotruyenhinh.vn |
Trong suốt thời gian gắn bó với NSND Bùi Đình Hạc, nhà quay phim Đỗ Duy Hùng tâm đắc nhất là bộ phim “Hồ Chí Minh, chân dung một con người”. Ông cũng cảm thấy rất vinh dự khi được là quay phim cho bộ phim đặc biệt này. Khi làm bộ phim tài liệu “Hồ Chí Minh, chân dung một con người”, hầu hết những tư liệu có thể sử dụng để làm phim về Bác đã được dùng cho những bộ phim tài liệu trước đó. Thế là, những thước phim mà từ trước chưa một ai được phép sử dụng đã được đạo diễn Bùi Đình Hạc “khai quật”, biên tập lại. Đó là cảnh Bác Hồ cởi trần, vừa đi vừa vác một chiếc sào tre, có treo áo ướt; là cảnh Bác ăn cơm, đánh bóng cùng mọi người…
Theo NSUT Đỗ Duy Hùng, dường như qua bàn tay của đạo diễn Bùi Đình Hạc, những tư liệu ấy lại mang một sức sống mới, biểu hiện mới: "Ghép, nối như thế nào để làm nổi bật lên hình tượng của Bác thì phải nói đó là phim “Hồ Chí Minh, chân dung một con người”. Nhiều ảnh, chẳng hạn như Bác Hồ về thăm quê hương cũng chỉ là thước phim Bác về thăm quê, gặp người A, người B nhưng giỏi nhất là đạo diễn, khi Bác quay lại thì dừng hình, nhìn lại cảnh xưa, người cũ, cho thấy con người vẫn nhớ về quê hương, nhớ tất cả."
Vốn là một nhà quay phim, sau đó mới trở thành đạo diễn nên Bùi Đình Hạc có con mắt rất tinh anh, nhạy bén. NSUT Đỗ Duy Hùng vẫn còn nhớ như in những ngày mới về nước, sau một thời gian tu nghiệp ở Nga, trở về đã được NSND Bùi Đình Hạc mời tham gia đoàn làm phim tài liệu “Nguyễn Ái Quốc đến với Lê Nin”.
Đoàn làm phim đã sang Matxcova 6 tháng, vào các thư viện, bảo tàng, viện lưu trữ để xem hàng vạn thước phim tài liệu, chắt lọc từng giây, từng giây hình ảnh hiếm hoi, độc nhất về chủ tịch Hồ Chí Minh như: tấm hộ chiếu mang tên Chen Vang (Trần Vương) in bằng ba thứ tiếng: Nga, Pháp, Đức mà Nguyễn Ái Quốc dùng để đến Liên bang Xô-viết, những bức ảnh quý về con tàu Các-líp-nếch đã đưa Người tới Pê-trô-grát, cùng nhiều thước phim, bài báo, ảnh chụp tư liệu về các hoạt động của Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V...
Đạo diễn Bùi Đình Hạc trong một lần làm phim - Ảnh: daotaotruyenhinh.vn |
Nhưng không dừng lại ở đó, chính đạo diễn Bùi Đình Hạc đã “theo dấu chân Người”, trở lại các địa danh nơi Nguyễn Ái Quốc từng đặt chân đến để quay rất nhiều cảnh quay trên đất bạn. Đó là ngôi nhà lịch sử số 1 phố Ma-khô-vai-a (Mát-xcơ-va), Trụ sở Bộ phương Đông trực thuộc Quốc tế cộng sản - nơi đồng chí Nguyễn Ái Quốc từng làm việc đến bến cảng Pê-trô-grát… khiến cho bộ phim chân thực, sống động hơn.
Nhà quay phim Đỗ Duy Hùng kể lại: "Làm phim tài liệu, quan trọng nhất là dựng phim sau này. Anh quay phim rồi sẽ có hình ảnh bao nhiêu tiếng đồng hồ, nhưng quan trọng là cấu trúc bộ phim, ý tứ văn học. Đầu tiên phải là văn học, phải có kịch bản, ý tức văn học, dựng ra sao… Tôi học từ những thước phim ấy. Mình dựng những thước phim như thế nào… rất may cho tôi đi theo đạo diễn Bùi Đình Hạc, từ những bộ phim lớn từ “Nguyễn Ái Quốc, đường về Tổ Quốc” cho đến “Hồ Chí Minh, chân dung một con người”. Chính vì thế tôi biết ơn đạo diễn Bùi Đình Hạc."
NSND Bùi Đình Hạc kể lại những ngày làm phim về chủ đề Bộ đội Cụ Hồ năm xưa. - Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân |
Năm nay, đạo diễn Bùi Đình Hạc đã ở tuổi xưa nay hiếm, không còn độ minh mẫn như xưa. Theo lời kể của đạo diễn Bùi Trung Hải, con trai của NSND Bùi Đình Hạc, những tác phẩm của ông luôn có sự mới mẻ trong cách kể, luôn đề cao tính sáng tạo. Sự thành công ấy không chỉ bởi ông đã sống trong những năm tháng gian khó của đất nước, bởi sự ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh và lý tưởng “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Người mà còn bởi tư duy làm phim riêng có của ông. Ít ai biết rằng, sau bộ phim “Nước về Bắc Hưng Hải”, Bùi Đình Hạc mới được cử sang Liên Xô học đạo diễn, chuyên ngành phim truyện.
Đạo diễn Bùi Trung Hải cho biết: Về sau, NSND Bùi Đình Hạc làm song song điện ảnh tài liệu và điện ảnh truyện nên trong con người ông có sự giao thoa của hai thể loại này: "Trong sự nghiệp sáng tác của đạo diễn Bùi Đình Hạc có một điểm chung là ngôn ngữ điện ảnh là dựng phim. Phần dựng phim là nét cơ bản, điểm mạnh của đạo diễn Bùi Đình Hạc. Nếu các bạn xem sẽ thấy đạo diễn Bùi Đình Hạc thường dựng phim theo cảm xúc. Bằng cách dựng để đưa cảm xúc người xem đến cao trào, gây sự xúc động lớn, do đó có sức thuyết phục rất mạnh. Điều thứ hai là sự kết hợp giữa tính tài liệu và tính phim truyện trong sáng tác của đạo diễn Bùi Đình Hạc cũng khá rõ. Ví dụ như phim “Hồ Chí Minh, chân dung một con người”. Bình thường phim tài liệu thiên về nhiều sự kiện nhưng ở bộ phim đó đạo diễn Bùi Đình Hạc miêu tả được cả phần tâm lý của Bác nữa. Phần tâm lý chính ra là điểm mạnh của phim truyện."
Đạo diễn Bùi Đình Hạc là con người đam mê, kiên định với lý tưởng và nghệ thuật. Sự nghiệp điện ảnh của ông với 4 giải Nhất 1 giải Nhì tại các Liên hoan phim quốc tế lớn và 7 giải Bông sen Vàng tại các Liên hoan phim quốc gia cùng với nhiều giải thưởng khác ở trong và ngoài nước là minh chứng cho niềm đam mê sáng tạo không ngừng nghỉ trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của ông.