Nghe âm thanh tản văn tại đây qua giọng đọc PTV Sơn Tùng:
Bãi giữa sông Hồng - Ảnh: Báo Hà nội mới |
Ai cũng có một cõi nhớ
Ai cũng có một quê nhà
Quê nhà là một khái niệm, không chỉ là dòng ghi trong lý lịch mỗi người.
Quê nhà là nơi tôi lớn lên, qua những chiều mưa, qua những trưa nắng, qua buổi trốn mẹ đi tắm suối, qua đêm rúc vào đống rơm chơi trốn tìm...
Quê nhà là nơi tôi lớn lên, một ngày thấy tim mình đập dồn khi gặp một ánh mắt tha thiết, là góc phố rúc rích bao câu chuyện không đầu không cuối bên hàng quà rong, là bạn bè lớn theo nhau qua từng lớp học, là vui - buồn - giận hờn - vất vả - khó nhọc...
Quê nhà là nơi khi đi xa, tôi nhớ về...
Quê nhà là nơi nỗi nhớ tăng lên tỷ lệ thuận với tuổi tác...
Người ta có nhiều cõi nhớ. Nhưng ai cũng chỉ có một quê nhà.
Ở thành phố này gần 20 năm, tôi vẫn thấy mình là người lạ. Chỉ một buổi sớm thu của một năm xa xôi, tôi bồi hồi thấy mình thuộc về thành phố. Rồi tan. Cảm giác ấy chưa bao giờ trở lại.
Chỉ có một nơi là quê nhà. Phải thế không? Mà bố xa quê gần 70 năm, vẫn mơ về tiếng sóng Cửa Việt dội qua mười mấy cây số vọng tới làng, về con đường xa xôi lên quê ngoại trong mắt đứa trẻ mấy tuổi, về những người anh người chị người em đã nằm lại đồng làng... Mà trong hồi tưởng của mẹ, bãi giữa sông Hồng luôn đầy quả lạc tiên ngọt ngào, những mũ trứng chim tròn trặn, con cóc béo múp ngày nước lên, rã rượi lội sông, vại dưa muối nén chặt chờ Tết...
Quê nhà là nơi lưu giữ tuổi thơ tôi. Là Trong trẻo. Là Hồn nhiên. Là Dại khờ. Là Ngày xưa không bao giờ gặp lại.
Nỗi nhớ lọc qua thời gian, ngày càng trong, ngày càng tươi. Nên càng già, người ta càng nhớ quê. Nếu chẳng may quê nhà của hiện thực không còn như trong ký ức, thì người ta không cần nhớ cái vùng đất mới ấy. Nếu chẳng may quê nhà của hiện thực đã tha hoá, thì người ta càng có cớ để tiếc thương quê nhà trong cõi nhớ của mình.
Bởi ai cũng chỉ có một quê nhà, nên khi chạm ngưỡng tuổi già, người ta bươn bả đến thế để tìm về. Người ta đau đáu đến thế khi nói về. Người ta nhớ thương đến thế khi chạm vào vùng ký ức.
Quê nhà của cháu gái - thành phố này, sẽ đọng lại điều gì thành cõi nhớ của cháu mai sau? Chắc không phải là cảnh người lớn tranh đua, văng tục vào mặt nhau; chắc không phải là khói bụi; chắc không phải là dòng sông Hồng ngập rác trước nhà...
Quê nhà của cháu gái, có phải là một sớm mù sương của mùa xuân, cháu ngỡ ngàng trước một bông cải cúc mọc lạc. Một nhành cỏ đẫm sương đơn côi trên bãi sông, cũng thành một hồi ức trong trẻo...
Quê nhà.
Từ bao giờ, với tôi, quê nhà là miền đất của ký ức…
Quê nhà của tôi…
Cõi nhớ của tôi…