Cơ hội và thách thức từ những Liên hoan sân khấu

Cao Ngọc
Chia sẻ
(VOV5) - Nghệ thuật sân khấu này đang dần có thêm sức hấp dẫn nhờ vào những cố gắng của các đơn vị nghệ huật.

Năm 2019, sân khấu có nhiều Liên hoan toàn quốc, quốc tế… đồng thời cũng là năm tổ chức Đại hội của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Với đông đảo khán giả, ngành nghệ thuật này cũng đang dần có thêm sức hấp dẫn nhờ vào những cố gắng của các đơn vị nghệ thuật.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Năm 2019 đánh dấu những cuộc Liên hoan sân khấu có tính chất toàn quốc và quốc tế theo đúng định kỳ như: Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc tháng 5 tại Thanh Hóa; Liên hoan sân khấu Chèo tháng 9 tại Bắc Giang, Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm tháng 10 tại Hà Nội, Liên hoan xiếc quốc tế tháng 10 tại Hà Nội... Với các cuộc thi Tuồng, Dân ca kịch và Chèo, đánh giá chung của các nhà chuyên môn là sự quyết tâm của các nghệ sĩ kịch hát dân tộc nhằm cố gắng bảo tồn nghệ thuật. Những kỳ cuộc này đã trở thành nguồn động viên tinh thần lớn đối với đội ngũ các nghệ sĩ hiện nay.

Cơ hội và thách thức từ những Liên hoan sân khấu - ảnh 1 Vở diễn “Vụ án Lệ Chi Viên” của Nhà hát Nghệ thuật hát Bội TP Hồ Chí Minh tại Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc. - Ảnh: Báo Thanh Hoá

PGS.TS. Trần Trí Trắc- người làm Chủ tịch của cả hai cuộc Liên hoan đánh giá: “Tuy chủ yếu là đề tài quá khứ và mỗi vở có chủ đề phong cách màu sắc khác nhau nhưng đều đề cập tới những nội dung có liên quan đến hiện thực, mang hơi thở của cuộc sống hôm nay với bao tình cảm vui buồn, nóng bỏng, nổi cộm bức xúc của nghệ sĩ chúng ta trước những hành xử của cơ chế thị trường. Với những lớp trò nối tiếp lớp trò, bằng phương pháp ước lệ cách điệu tượng trưng theo mô hình nhân vật, thiện ác phân minh nghĩa tình rành mạch tính cách đặc biệt. Vì vậy, chúng ta có thể khẳng định chắc chắn rằng đây là công trình mỹ học, đạo đức học và mang triết lý nhân sinh chân thực về cõi đời”.

Cơ hội và thách thức từ những Liên hoan sân khấu - ảnh 2 Vở múa rối Thân phận nàng Kiều đoạt HCV Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm 2019.

Điểm sáng của sân khấu năm qua cũng đã được bộc lộ với Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ IV. Người yêu sân khấu có thêm niềm tin khi đánh giá về lực lượng nghệ sĩ Việt có đủ tầm để tham gia những sự kiện sân khấu lớn của thế giới. Ở sân chơi này, với những hình thức sáng tạo độc đáo của Rối, Xiếc và một số vở kịch nói Việt vốn đã thuần thục trong việc áp dụng những thủ pháp ước lệ, tượng trưng của kịch hát dân tộc... chúng ta cũng đã có những thành công đáng kể. Sự tự tin, ý tưởng độc đáo, dám thử nghiệm hết mình... đã đem về những thành tích tự hào như vở Rối Thân phận nàng Kiều (Nhà hát múa Rối Việt Nam) đầy ấn tượng hay vở Sự sống (Nhà hát kịch VIệt Nam), Cậu Vanya (Nhà hát Tuổi trẻ)...

Sân chơi này đã thực sự được các nghệ sĩ quan tâm, như ý kiến của NSƯT đạo diễn Bùi Như Lai: “Trên thực tế có rất nhiều luồng ý kiến khác nhau, nhưng tôi luôn có một suy nghĩ rất là tích cực. Bởi vì kể cả là 3 vở diễn hay 5 vở diễn hay là 20 vở diễn trong một liên hoan, chúng ta luôn luôn có những thu hoạch. Thu hoạch gần đây chúng ta có thể nhìn thấy quan điểm dàn dựng. Trong liên hoan này nó rất hay một cái là chúng ta có cả những đoàn quốc tế nữa. Dựa trên việc là chúng ta xem đoàn quốc tế, chúng ta sẽ có những so sánh ngược lại. Chúng ta biết được sân khấu của chúng ta đang phát triển tới đâu, họ đã có những thay đổi gì trong nhiều kỳ liên hoan đã từng diễn.

Cơ hội và thách thức từ những Liên hoan sân khấu - ảnh 3 Một cảnh trong vở "Cậu Vanya" của Nhà hát Tuổi trẻ

Việc so sánh này không phải là để xem là các bạn hơn là mình hơn, mà để xem vị trí của chúng ta đang đứng ở đâu trên bản đồ sân khấu thế giới. Tôi cho rằng là một việc rất nên làm và đồng thời cũng đặt ra thách thức cho những người làm sân khấu trẻ hiện nay. Các bạn sẽ phải thay đổi như thế nào, để tiếp cận được với tinh thần cũng như cách xử lý sân khấu và cái cách dàn dựng, cách kể một câu chuyện một tác phẩm biểu diễn trên sân khấu như thế nào để cho phù hợp hơn với nền kiến thức của khán giả hiện nay”.

Ngoài ra, năm nay cũng có những vấn đề đáng chú ý trong đời sống sân khấu. Đó là sự ra đời của những vở diễn ngày càng đi theo xu hướng đời thường, đời thường hơn nữa. Thành công của seri truyền hình Về nhà đi con cũng đã ảnh hưởng không nhỏ tới sáng tạo theo xu hướng này ở sân khấu kịch. Ngoài những vở có hơi hướng hài hước thì những vở diễn chính kịch như Ngược chiều gió, Diều ơi ... cũng đã cố gắng để bám sát ngôn ngữ đời sống hàng ngày, đến gần hơn với giới trẻ. Có những đơn vị đã nắm bắt tốt khuynh hướng của khán giả trẻ để tìm cách tiếp cận tốt hơn như sân khấu Lucteam vẫn có được lượng khán giả riêng, cách tuyên truyền riêng; Hay Nhà hát Tuổi trẻ cũng đã tìm được hình thức bán vé online để các bạn trẻ tự hào đưa điện thoại ra check in khi vào rạp...

Cơ hội và thách thức từ những Liên hoan sân khấu - ảnh 4 Hình ảnh tại vở diễn "Ngược chiều gió" 

Tuy nhiên, do tính chất định kỳ nên việc nhận định những thay đổi sau 2 năm cho mỗi loại hình sân khấu dường như chưa nhiều lắm. có một sự thật là các diễn viên trẻ không thể có được bầu không khí nghệ thuật đúng như nó cần có. Hai năm một lần liên hoan, là quá ngắn để có được các tác phẩm thực sự ghi được dấu ấn tốt về mọi  mặt của hình thức sân khấu cần nhiều loại hình nghệ thuật kết hợp. Các kịch bản không có nhiều mới mẻ, cốt truyện kịch phần lớn đã quá quen thuộc với những xung đột chưa bắt kịp hơi thở thời đại. Vì khâu kịch bản chưa tốt, chưa thể tạo được bề dày, đất diễn tốt cho diễn viên. Việc thiếu chặt chẽ, chưa có logic... của kịch bản cộng thêm sự nghiệp dư ở các khâu sáng tạo đã làm mất đi cảm xúc của người xem. Người làm nghề không khỏi thở dài tiếc nuối khi các hình thức nghệ thuật truyền thống đang ngày một thiếu vắng những nghệ sĩ tài năng.

Ông Vũ Đình Quân, nguyên Giám đốc Nhà hát Chèo VN nhận xét: “Làng chèo Bây giờ và ngày xưa cũng có những cái giống nhau có cái khác nhau. Không khí ngày xưa làm chèo rất rầm rộ, mỗi một lần mà đi hội diễn này là anh em vui sướng lắm, chuẩn bị các tiết mục rất cẩn thận. Lúc bấy giờ, đội ngũ còn đủ cả, từ tác giả,  đạo diễn âm nhạc đến các dàn diễn viên lúc bấy giờ cũng hơn bây giờ. Phải nói vậy vì các cây đa cây đề lúc bấy giờ, còn bây giờ họ đã không còn nữa.

Nhưng tôi rất mừng là vì sau thời kỳ khủng hoảng về cán bộ nghệ thuật, thí dụ như thiếu đạo diễn, tác giả. Bây giờ Nhà nước cũng tăng cường đào tạo. Tôi nghĩ rằng đội ngũ đạo diễn bây giờ là có thể gần bắt kịp được không khí ngày xưa, riêng chỉ có cái tác giả còn yếu chưa đào tạo kịp được. Cho nên các tác phẩm những thời kỳ này là rất hiếm. Thực ra là không có những tác phẩm đỉnh cao. Còn không khí chèo vẫn rất hay chỗ là trước đây. Bây giờ đã tổ chức hội diễn là có không khí nhân dân vẫn ưa thích”.

Có thể nói, những Liên hoan sân khấu luôn là cơ hội cho những người làm nghề có dịp được học hỏi, thể hiện bản thân. Nhưng đây cũng chính là những thách thức cho các nghệ sĩ luôn phải nỗ lực, đào sâu tìm tòi những mới mẻ cho nghệ thuật sân khấu.

Feedback