Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Ngay từ đầu tiên, cái tên “Bác Hồ, người có nhiều duyên nợ với báo chí” đã là một cái tên ấn tượng và đặc biệt chính xác khắc hoạ được chân dung của chủ tịch Hồ Chí Minh, người có công khai sáng nền báo chí Cách mạng Việt Nam.
Ông Trần Đức Nuôi - nguyên Trưởng ban Thư ký biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng: “Chữ “Duyên” Nợ phải là một con người trải nghiệm, từng được đi theo Bác Hồ, từng được viết những bài về Bác Hồ mới tìm được hai chữ duyên nợ ấy. Bác Hồ là một nhà báo lớn, một nhà cách mạng. Và Bác có suy nghĩ thế này, muốn làm Cách mạng phải nói tiếng nói của Cách mạng, muốn nói tiếng nói Cách mạng phải có báo chí.
Nhà báo lão thành Cách mạng Phan Quang bắt được nhịp “duyên nợ”. Phan Quang đã biết điều đó, và thay mặt cho giới báo chí chúng tôi nói về cái duyên nợ giữa báo chí với người lãnh tụ dân tộc, người sáng lập ra nền báo chí Cách mạng Việt Nam”.
Cuốn sách "Bác Hồ người có nhiều duyên nợ với báo chí" của tác giả Phan Quang. - Nguồn: VOV |
Còn nhà báo lão thành Hà Đăng, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng biên tập báo Nhân dân và là người bạn thân thiết của nhà báo Phan Quang chia sẻ hai chữ “duyên” và ‘nợ” ấy nên được hiểu một cách bình dị, không khoa trương. Qua những chặng đường hoạt động cách mạng và do yêu cầu của cách mạng, Bác Hồ đã “kết duyên” với báo chí và sử dụng báo chí như một công cụ đắc lực để phục vụ cách mạng.
“Bác Hồ có duyên nợ với báo chí, nhưng gắn bó hơn nữa, Bác Hồ có một thứ duyên nợ còn rộng, cao xa hơn báo chí, mà Phan Quang tìm ra được, đó là duyên nợ với đất nước, dân tộc, từ buổi đầu tiên người ra đi tìm đường cứu nước. Rồi đến khi Người bắt đầu tình yêu nước của mình bằng sự nghiệp báo chí và đặt viên gạch đầu tiên cho nền báo chí Cách mạng Việt Nam”.
Buổi lễ Gặp mặt kỷ niệm 129 năm sinh chủ tịch Hồ Chí Minh |
Trong dịp kỷ niệm 129 năm ngày sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đài tiếng nói Việt Nam, tác giả cucả cuốn sách, nhà báo Phan Quang, nguyên Tổng giám đốc của Đài Tiếng nói Việt Nam đã xúc động bày tỏ: “Cuốn sách “Bác Hồ người có nhiều duyên và nợ với báo chí chỉ là tập hợp hơn 30 bài báo nói lên lòng kính nhớ của chúng tôi với vị lãnh tụ vĩ đại, dù vậy tôi coi đây là một cuốn sách xuyên suốt cuộc đời mình, bởi vì từ bài báo đầu tiên đến bài báo gần đây nhất là 65 năm.
Hơn nữa, biểu trưng lòng biết ơn đối với Bác Hồ là một chút tâm tình của người làm báo về cuối đời muốn sẻ chia với các đồng nghiệp của mình, và mong rằng nó được phổ biến, phát hành ngày càng rộng rãi hơn”.
Nhà báo Phan Quang, nguyên Tổng giám đốc của Đài Tiếng nói Việt Nam. - Nguồn: VOV |
Cuốn sách này là sự sắp xếp hợp lý và đan xen giữa chính luận và bút ký, kết hợp nghiên cứu, thu thập tài liệu với sáng tác văn học. Điểm sáng của cuốn sách chính là việc kết hợp nguồn tư liệu vô cùng phong phú để tạo nên sức nặng lớn.
Nhà báo Phan Quang đã không chỉ sử dụng những sáng tác của mình viết về Bác Hồ mà còn khai thác ở mức cần thiết những bài viết của các tác giả nước ngoài do chính nhà báo lược dịch hoặc trích dẫn. Qua đó, hình tượng của chủ tịch Hồ Chí Minh càng trở nên chân thực và sáng rõ về phẩm chất của người làm báo.
Ông Nguyễn Thế Kỷ, Tổng giám đốc Đài Tiếng Nói Việt Nam cho rằng: “Nhà báo Phan Quang vào những năm đầu kháng chiến chống Pháp có may mắn được gặp Bác Hồ, được Bác khuyên bảo bước vào nghề báo và nghề văn như thế nào.
Trong quãng đời hoạt động Cách mạng và hoạt động báo chí ở nhiều cương vĩ khác nhau, nhà báo Phan Quang nhiều lần đã được gặp Bác. Ông vừa là nhà báo nhưng cũng là một nhà văn, ông có kĩ năng thu thập tài liệu. Những điều Bác dạy người làm báo cho đến ngày hôm nay vẫn rất quý báu và mang tính thời sự đối với chúng ta”.
Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ. - Nguồn: VOV |
Sức lôi cuốn của cuốn sách nằm chính ở tính chân thực của những câu chuyện trong đó. Ông Trần Đức Nuôi - nguyên Trưởng ban Thư ký biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam nhấn mạnh: “Đọc một cuốn sách viết về lãnh tụ với báo chí nhưng mình đọc như đọc một trang bút ký, tiểu thuyết hay vì độ hấp dẫn của cuốn sách là tính chân thật đến từng chi tiết, thật trong từng câu nói của Bác Hồ, thật trong sự cảm nhận của Phan Quang đối với Bác Hồ.
Nhìn vào trong đó mình thấy một phần cảm nhận của mình. Tôi nghĩ cuốn sách này rất quý. Vì tác phẩm này không chỉ là của một nhà báo, nhà văn mà là một nhà văn hoá”
Trong lời mở đầu tập sách nhà báo Phan Quang đã viết rằng “Hồ Chí Minh là cánh rừng bạt ngàn trên đỉnh Hoàng Liên Sơn, tôi đứng ở chân núi chỉ có thể nhìn thấy mấy cây trước mặt”. Với sự khiêm tốn, giản dị vốn có, ông lo lắng cuốn sách này có thể sẽ còn nhiều thiếu sót.
Nhưng trên thực tế, cuốn sách “bác Hồ người có nhiều duyên nợ với báo chí quả thực là một tài liệu quý báu không chỉ cho những người làm báo mà còn cả thế hệ mai sau về chân dung một nhà báo cách mạng vĩ đại thế kỷ XX.