Ở môi trường giáo dục, việc giúp cho học sinh hiểu biết về truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, tôn trọng, giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống văn hóa của dân tộc mình là nhiệm vụ rất quan trọng. Những năm gần đây, nhiều trường học đã triển khai nội dung này bằng những cách làm sáng tạo, thiết thực, thu hút đông đảo học sinh tham gia và trải nghiệm.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Tại Trường Trung học Phổ thông (THPT) dân tộc nội trú tỉnh Lạng Sơn, tiếng cười nói rộn ràng cùng những câu hát then, tiếng đàn tính vang lên ngân nga trong mỗi tiết sinh hoạt. Đây là lúc những cô cậu học trò trong trang phục truyền thống Tày, Nùng nhiệt tình tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ do Câu lạc bộ (CLB) văn hóa các dân tộc của trường tổ chức. Bên này là lớp hát then, hát sli, tập đánh đàn tính, bên kia là hoạt động nhảy sạp, kéo co, xa hơn nữa là khu vực học nói, học viết chữ người Tày, là khu vực học làm những món ăn truyền thống…
Học sinh trường THPT dân tộc nội trú tỉnh Lạng Sơn tỉnh biểu diễn hát then – đàn tính trong lễ tổng kết của nhà trường. Ảnh: Báo Lạng Sơn |
Em Đàm Thị Hình, học sinh lớp 12A1 trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Lạng Sơn, chia sẻ: "Em tham gia vào CLB dân tộc Nùng của trường, chúng em hay sinh hoạt vào những dịp cuối tuần. Đó cũng là dịp chúng em có thể học hát then, hát sli, được biểu diễn những làn điệu của dân tộc mình, học làm những món ăn đặc sản hay chỉ đơn giản là trao đổi kinh nghiệm học tập trong tuần học đã qua. Chúng em vẫn nói chuyện với nhau bằng tiếng dân tộc, để từ đó trau dồi, học hỏi thêm nhiều hơn nữa về ngôn ngữ của dân tộc mình. CLB là nơi để chúng em giải tỏa căng thẳng sau những giờ học căng thẳng, cũng là nơi để trau dồi được nhiều kiến thức, kỹ năng “mềm” trong cuộc sống."
Khởi đầu với 20 thành viên nhưng chỉ sau hơn 1 năm, số thành viên tham gia vào CLB văn hóa các dân tộc tại trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Lạng Sơn giờ là hơn 400 em. Cứ mỗi tuần, các CLB sẽ tập hợp các thành viên để sinh hoạt và triển khai các hoạt động. Nội dung sinh hoạt của các CLB giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn các giá trị truyền thống của dân tộc mình.
Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Lạng Sơn có hơn 600 học sinh, trong đó 98% là người dân tộc thiểu số. Xa nhà, xa gia đình, CLB văn hóa dân tộc thực sự trở thành người bạn thân thiết. Các em thường xuyên làm những video clip bằng cả tiếng Tày và tiếng Việt để đăng tải lên các mạng xã hội, quảng bá sâu rộng hoạt động của nhà trường. Nhiều em học sinh cũng đã tự tin trình diễn những làn điệu then, hát sli, hát lượn… tại Phố đi bộ Kỳ Lừa thành phố Lạng Sơn, trước đông đảo người dân và du khách.
Cô giáo Dương Thị Nhuyên, Giáo viên trường THPT nội trú tỉnh, Chủ nhiệm CLB dân tộc Tày, cho biết: "Học sinh trường Nội trú dù thiệt thòi hơn so với các bạn cùng trang lứa, nhưng các bạn không chỉ chăm chỉ, tự giác trong học tập, mà đối với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể, thao, trong sinh hoạt các CLB các em đều rất tự giác, năng động, sáng tạo và đặc biệt có rất nhiều ý tưởng mới mẻ. Các bạn rất chịu khó tìm hiểu, mày mò về công nghệ thông tin để quảng bá, giới thiệu các hoạt động tới mọi người."
Mô hình CLB văn hóa các dân tộc được tổ chức trong các nhà trường là sân chơi bổ ích, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau tiến bộ trong học tập, hướng tới mục tiêu đào tạo thế hệ học sinh phát triển toàn diện về trí tuệ, phẩm chất, kĩ năng, năng lực tư duy và sáng tạo.
Cô giáo Vương Xuân Thuận, Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Lạng Sơn cho biết: Mỗi học sinh trong trường đều là đại diện văn hóa của một vùng quê, một dân tộc, vì vậy nhà trường luôn tạo điều kiện thuận lợi để các em được tham gia giao lưu, học hỏi, từ đó để dòng chảy văn hóa không ngừng được nuôi dưỡng và lớn mạnh: "Hoạt động của các CLB với mong muốn gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thông qua các hoạt động thường ngày của các em học sinh, cũng là giúp các em không tham gia quá sâu vào việc chơi điện tử hay lướt facebook, zalo… Qua một thời gian hoạt động, các em học sinh đều rất sáng tạo với nhiều tư duy mới mẻ, xây dựng những chương trình độc đáo. Không chỉ tập luyện thường xuyên, mà các em còn có kết nối với các bạn ở các trường khác trong tỉnh, hay kết nối với với các tỉnh bạn như Cao Bằng, Bắc Kạn… Qua sự kết nối như vậy, các em cũng nâng cao hiểu biết và có trao đổi về văn hóa giữa các dân tộc trên cả nước, góp phần bảo vệ, gìn giữ văn hóa dân tộc, để sau này về với địa phương, về với gia đình, các em sẽ là những “hạt nhân” để truyền bá sâu rộng hơn nữa những truyền thống văn hóa dân tộc."
Mô hình CLB văn hóa các dân tộc được tổ chức trong các nhà trường là sân chơi bổ ích, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau tiến bộ trong học tập, hướng tới mục tiêu đào tạo thế hệ học sinh phát triển toàn diện về trí tuệ, phẩm chất, kĩ năng, năng lực tư duy và sáng tạo.