rong các lễ hội, ngày vui xuân đón Tết của người Thái Tây Bắc, bà con thường tổ chức các trò chơi dân gian như đẩy gậy, kéo co, ném còn, bắn nỏ, đánh tu lu, tó mák lẹk, và không thể thiếu sự góp mặt của trò chơi khí chọk chẹk ( chơi cà kheo).
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Ông Lò Văn Lả, ở phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La năm nay gần 80 tuổi, người chuyên nghiên cứu, sưu tầm văn hoá Thái cho biết: Trò chơi cà kheo của người Thái có từ xa xưa, từ lúc ông còn nhỏ đã thấy bà con đi cà kheo. Nhưng lúc đó chỉ là trò chơi vui của đám thanh niên trai tráng trong các bản của đồng bào Thái, vì trước đây đường đi lối lại trong các bản vùng cao thường là đường đất, mùa mưa thì lầy lội nên bà con mới nghĩ ra cách làm cà kheo để đi lại khỏi bẩn chân. Cà kheo không chỉ để chơi vui mà để thi đua nhau ai khéo làm đẹp, bền chắc hơn:
“Nếu dùng cây mạy sang làm thì phải lấy cây già, chắc, người ta làm không phải để đi chơi mà con để thi nhau, vừa để đi chơi vừa thi nhau, cùng nhau đi được vài bước thì nghỉ rồi múa...”Ông Lả nói,
Trò chơi đi cà kheo của người Thái ở Yên Bái |
Cà kheo được làm bằng cây tre to vừa tay cầm, nhưng phải chọn cây tre già đặc, gióng ngắn. Bà con thường chọn cây (mạy sang) - loại cây tre mọc trên rừng măng mọc đầu mùa mới ăn được. Tre lấy về tuỳ theo người cao thấp mà cắt cho vừa tay, chân, nhưng không cắt hết phần có chạc ở mắt gióng để làm giá đỡ chân và cả thân mình. Vì loại tre này dày thân và rất dẻo khi làm giá đỡ sẽ không bị gẫy gập hoặc nứt nẻ. Trước đây bà con thường làm cà kheo rất cao, cao bằng sàn nhà khoảng 2 mét vì thanh niên trai bản đi chọc sàn hoặc hò hẹn bạn gái thường đi bằng cà kheo. Chỗ để chân từ trụ cà kheo thẳng ra chỗ chạc tre bà con lấy một gióng tre to hơn một đầu gắn với cây trụ chính và một đầu có chạc tre đỡ, gắn chặt thành hình tam giác đỡ cho chân bám chắc và toàn thân giữ thăng bằng trên chiếc cà kheo.
Ông Lò Xương Hặc, ở bản Pu Viêng, xã Chiềng Đông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên cho biết thêm:“ Lúc sáng sớm, trước lúc đi chăn trâu thường rủ nhau đi chơi cà kheo, đi cà kheo còn thi nhau, 2 tay cầm cà kheo gõ vào nhau, bắt chéo chân, lấy cà kheo giả làm súng, thi nhảy đi 1 chân...”
Ngày nay, trong các lễ hội như xên bản, xên mường và các ngày lễ lớn của đất nước, các địa phương đều có sự góp mặt của trò chơi cà kheo. Ở các cuộc thi đi cà kheo thường có nhiều người đến cổ vũ động viên, reo hò làm cho không khí thêm vui tươi, nhộn nhịp.
Ông Lò Văn Lả cho biết thêm:“Bây giờ cà kheo trở thành trò chơi để chơi vui trong các cuộc vui cuả bản mường, thường chia thành 2 đội, đội nam nữ, có thể thi nhau đi cà kheo nhanh. Như ở Yên Châu bà con thi nhau đi cà kheo nhặt quả xoài, đội nào nhặt được nhiều quả xoài vào clếp mang về cho đội mình là thắng, có nơi thì thi đi cà kheo nhặt ngô về đội mình, lấy được nhiều ngô về mà không làm đổ cà kheo là đội thắng.
Trò chơi cà kheo hình thành từ cuộc sống sinh hoạt của bà con và đã được gìn giữ qua các lễ hội của bản mường. Từ đó, thế hệ trẻ người Thái mới càng thêm hiểu và trân quý nét đẹp của các trò chơi dân gian.