Chương trình do Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO, Văn phòng Khoa học Công nghệ Việt Nam tại Pháp và Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp tổ chức nhằm tôn vinh các nhà khoa học nữ Việt Nam đang sống, học tập và làm việc tại Pháp luôn hướng về quê hương đất nước với nhiều dự án về khoa học, giáo dục, y tế...
Tham dự buổi tọa đàm có Đại sứ đặc mệnh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng; Đại sứ, Trưởng đại diện phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Thị Hồng Vân; ông Trần Mạnh Hùng-Trưởng Văn phòng Đại diện Khoa học công nghệ Việt Nam tại Pháp, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp Nguyễn Phan Bảo Thụy cùng các diễn giả đại diện cho các nhà khoa học nữ Việt Nam ở nhiều thế hệ...
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Đại sứ Đinh Toàn Thắng đã hoan nghênh sáng kiến tổ chức tọa đàm mang nhiều ý nghĩa với sự tham gia của các nhà khoa học nữ Việt Nam đáng sống và làm việc tại Pháp đúng vào dịp kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8-3. Đại sứ cho biết: “Có thể nói cộng đồng lưu học sinh, sinh viên Việt Nam đang sống và học tập tại Pháp rất đông đảo và được cộng đồng và các bạn Pháp đánh giá rất cao về những thành tích học tập, nghiên cứu, lao động. Tôi hy vọng buổi trao đổi của các nhà khoa học nữ về những câu chuyện bổ ích, những kinh nghiệm quý có thể truyền cảm hứng cho phong trào học tập của các bạn sinh viên, nghiên cứu sinh của chúng ta đang theo học rất nhiều ngành nghề tại Pháp”.
Tại buổi tọa đàm, nhiều tham luận của các nhà khoa học nữ được quan tâm trong đó có các tham luận của TS Lê Toàn Thủy, Trưởng nhóm nghiên cứu sinh khối tại Trung tâm Nghiên cứu Sinh quyển từ Không gian CESBIO. Điều hành dự án Asia-RiCE, dự án về phát triển Dự đoán và Giám sát Cây lúa Châu Á (Asia-RiCE) cho sáng kiến Giám sát Nông nghiệp Toàn cầu; Tham luận của Giáo sư khoa Kinh tế tại Đại học Paris Nanterre Phạm Thị Kim Cương, Thành viên của chương trình Labex IDGM (Sáng kiến phát triển và quản trị toàn cầu) do FERDI (Quỹ nghiên cứu về Phát triển Toàn cầu) phối hợp với CERDI (Trung tâm nghiên cứu về Phát triển Quốc tế). GS Phạm Thị Kim Cương đã triển khai một số dự án tại Việt Nam, trong đó có dự án “Động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở nông thôn” do INRAE và VNUA đồng tài trợ; Tham luận của Phó Giáo sư Nguyễn Thị Vân Oanh, chuyên ngành hoá - lý lý thuyết tại Đại học Paris-Saclay. Đại diện phụ trách địa bàn Việt Nam tại Ban Hợp tác Quốc tế Đại học Paris Saclay- nơi dành nhiều học bổng cho sinh viên, nghiên cứu sinh đến từ Việt Nam và các tham luận của các nhà khoa học nữ khác...
Ông Trần Mạnh Hùng, Trưởng Văn phòng Đại diện Khoa học công nghệ Việt Nam tại Pháp bày tỏ tự hào và ngưỡng mộ trước những đam mê và dấn thân của các nhà khoa học nữ Việt Nam tại Pháp, đóng góp vào những thành công trong quan hệ giữa hai nước trong gần 50 năm qua.
Ban tổ chức cho biết, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay dựa trên nền tảng là các thành tựu khoa học kỹ thuật, số lượng phụ nữ tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ ngày một tăng. Nhiều nghiên cứu của họ đã mang lại các giá trị tốt đẹp và đóng góp rất lớn làm thay đổi thế giới và cuộc sống chúng ta, qua đó vai trò của phụ nữ ngày càng được xã hội tôn vinh và ghi nhận. Đại hội đồng Liên hợp quốc họp ngày 22/12/2015 đã quyết định chọn 11/2 hàng năm trở thành Ngày Quốc tế Phụ nữ và Trẻ em gái trong Khoa học, nhằm công nhận vai trò quan trọng của nữ giới trong khoa học và công nghệ./.