Tối 20/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ Trao giải thưởng Khoa học, Công nghệ toàn cầu VinFuture (VinFuture Prize) lần thứ nhất. Giải thưởng khoa học, công nghệ thường niên toàn cầu VinFuture là một trong những giải thưởng khoa học công nghệ thường niên có giá trị lớn trên thế giới, được trao bởi Quỹ VinFuture, ra mắt tháng 12/2020. Quỹ VinFuture do ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup và phu nhân sáng lập.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: TTXVN |
Ngay từ mùa giải đầu tiên, VinFuture đã thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của cộng đồng các nhà khoa học thế giới của 60 quốc gia. Giải thưởng đã tiếp nhận 599 dự án tranh giải, trong đó, có gần 100 dự án đến từ các nhà khoa học nằm trong top 2% các nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất thế giới. Các nhà khoa học nữ cũng có sự góp mặt ấn tượng với tỷ lệ 34,3% trong tổng số ứng viên. Nhiều người trong số họ đã từng nhận được các giải thưởng cao quý như Giải thưởng Nobel, Breakthrough, Tang Prize, Japan Prize...
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong lịch sử phát triển của loài người, phát minh của những nhà khoa học đã làm thay đổi thế giới. Giải thưởng VinFuture tôn vinh những giá trị khoa học đóng góp cho nhân loại, tôn vinh những nhà khoa học đã ngày đêm nghiên cứu bằng trí tuệ vượt trội, trái tim nhiệt huyết và khát vọng cống hiến cho loài người: “Tại Việt Nam, phát triển khoa học công nghệ được xác định là quốc sách hàng đầu, là một đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Nhà nước đang đẩy mạnh thiết kế cơ chế, chính sách đưa khoa học công nghệ thực sự trở thành mục tiêu, động lực quan trọng, góp phần phát triển đất nước hùng cường và thịnh vượng. Việc thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo còn là chủ trương lớn để thể hiện trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay”.
Tại buổi lễ, Ban Tổ chức đã công bố, vinh danh và trao giải thưởng dành cho “Nhà khoa học nữ” cho Giáo sư Zhenan Bao, người Mỹ gốc Trung Quốc với công trình nghiên cứu các vật liệu điện tử hữu cơ có đặc tính của da người. Giải thưởng cho các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển thuộc về hai vợ chồng người Nam Phi, Giáo sư Salim Abdool Karim (chồng) và vợ là Quarraisha Abdool Karim, với công trình nghiên cứu giúp ngăn nguy cơ lây nhiễm HIV và giảm gánh nặng bệnh AIDS. Giải thưởng cho các nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới được trao thuộc về Giáo sư Omar Yaghi, người Mỹ gốc Jordan, với công trình tiên phong khám phá ra vật liệu khung cơ-kim (MOFs).
Đặc biệt, thay mặt Ban Tổ chức, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trao Giải thưởng Chính (VinFuture Grand Prize) cho ba nhà khoa học Katalin Kariko, Drew Weissman (Mỹ) và Pieter Cullis (Canada) với công nghệ mRNA, mở đường tạo ra các loại vaccine ngăn ngừa COVID-19 hiệu quả.