Tọa lạc tại thành phố Chittagong (Bangladesh), trường Đại học Phụ nữ Châu Á là ngôi nhà chung của 605 nữ sinh viên đến từ 16 quốc gia Châu Á, trong đó có 27 nữ sinh Việt Nam.
Mục tiêu của trường là đào tạo và trang bị những kiến thức và kỹ năng trong nhiều lĩnh vực chuyên ngành giúp các nữ sinh viên phát huy năng lực của bản thân để trở thành những nhà lãnh đạo của doanh nghiệp và cộng đồng.
Đại sứ Việt Nam tại Bangladesh trao quà tặng Ban Giám hiệu trường Đại học phụ nữ châu Á. |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Trường Đại học phụ nữ Châu Á là trường Đại học quốc tế tư nhân đầu tiên trên thế giới dành cho phụ nữ, được thành lập năm 2006, dưới sự bảo trợ của nhiều nhà lãnh đạo, chính khách của Bangladesh và thế giới. Từ khi thành lập đến nay, trường đã cấp hàng trăm học bổng cho các nữ sinh của nhiều nước Châu Á, trong đó đặc biệt chú trọng tới các nữ sinh đang sống tại những vùng xa xôi, hẻo lánh, khó khăn, những vùng chịu ảnh hưởng bởi chiến tranh.
Hiện nay, nhà trường đang đào tạo 27 sinh viên Việt Nam trong các chuyên ngành như kinh tế, chính trị, khoa học sinh học, khoa học môi trường, y tế… Các em đến từ nhiều vùng, miền khác nhau của đất nước như Tiền Giang, Đồng Nai, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Yên, Đà Nẵng… Trong đợt tuyển sinh năm 2017, đã có thêm 4 sinh viên Việt Nam được cấp học bổng học tập tại trường. Từ năm 2009 đến nay có trên 20 sinh viên Việt Nam tốt nghiệp. Sau khi ra trường, một số sinh viên nhận được học bổng thạc sỹ tại các trường đại học ở Mỹ, Austraylia…; một số khác được chọn là gương mặt nữ sinh viên tiêu biểu tham dự và có bài thuyết trình tại các hội nghị quốc tế. Có những bạn trẻ đầu quân làm việc tại các công ty, tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam và ở nước ngoài. Trong quá trình học tập tại trường, một số sinh viên Việt Nam xuất sắc cũng đã nhận được học bổng đi thực tập ngắn hạn tại Nhật Bản và nhiều nước khác.
|
Sinh viên Trần Thị Thanh Trúc cho biết thời kỳ mới vào trường khá nhút nhát và thiếu tự tin khi giao tiếp. Nhưng đến nay, Thanh Trúc đã trở nên tự tin khi phát biểu, thuyết trình bằng tiếng Anh trước đám đông.
Các sinh viên học trong trường được trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích và có cơ hội phát huy tối đa khả năng sáng tạo và tư duy phản biện, giúp các bạn hình thành và phát triển những kỹ năng của một người lãnh đạo bản lĩnh và tự tin.
Ngoài việc học tập, các sinh viên Việt Nam cũng tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, qua đó có cơ hội giao lưu với các sinh viên từ nhiều nước Châu Á và hiểu thêm những nét đặc sắc trong văn hóa, phong tục, tập quán của các nước. Về dự định sau khi tốt nghiệp, một số sinh viên bày tỏ sẽ tiếp tục tìm kiếm những học bổng thạc sỹ ở nước ngoài; một số em sẽ quay trở về quê hương, tìm kiếm cơ hội việc làm nhằm đem những kiến thức và kỹ năng đã học đóng góp cho sự phát triển của quê hương. Trần Thị Thanh Trúc chia sẻ: “Sau khi tốt nghiệp, em muốn tiếp tục sự nghiệp học tập của mình. Em muốn làm thạc sỹ kinh tế. Sau khi học xong, em muốn trở về thành phố của mình, thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang. Em muốn thay đổi cách nhìn về giáo dục cho học sinh ở Việt Nam. Học ở đây, em thấy không chỉ phát triển về kiến thức sách vở mà còn phát triển cả những kỹ năng trong cuộc sống”.
Thăm và làm việc với Ban Giám hiệu và các sinh viên Việt Nam đang học tập tại ngôi trường này vào đầu tháng 7 năm nay, Đại sứ Việt Nam tại Bangladesh Trần Văn Khoa cho biết ông đánh giá cao sự quan tâm, giúp đỡ của Ban giám hiệu Trường Đại học Phụ nữ Châu Á dành cho các nữ sinh Việt Nam: “Tôi thấy rất ấn tượng và tự hào khi thấy các nữ sinh Việt Nam đều có kiến thức tốt, tự tin, trao đổi tiếng Anh một cách thành thạo trôi chảy. Đây thực sự không chỉ là một ngôi trường, mà còn là ngôi nhà chung đã trang bị những kiến thức bổ ích cho các em để biến ước mơ của các em thành hiện thực. Tôi mong rằng các nữ sinh Việt Nam luôn đoàn kết, nỗ lực học tập và đặc biệt là hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống và trong học tập vượt qua những khó khăn, thử thách của cuộc sống xa nhà. Qua đó, các em nữ sinh không ngừng trau dồi, tiếp thu những kiến thức để không những các em đóng góp công sức của mình cho sự phát triển của địa phương, của đất nước mà các em còn khẳng định được vị trí và vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội hiện nay”.
Bà Rosie Bateson, Trưởng Khoa các vấn đề học thuật của trường, đánh giá sinh viên Việt Nam khá chăm chỉ, năng động, sáng tạo. Bà mong muốn Chính phủ Việt Nam tăng cường hợp tác với trường trong việc giới thiệu, tuyển chọn các sinh viên, đặc biệt là ở phía Bắc nhằm mở rộng cơ hội cho nhiều sinh viên Việt Nam ở những khu vực khó khăn được nhận học bổng học tập tại trường. Ban Giám hiệu trường vẫn quan tâm và dành những sự hỗ trợ nhất định cho các sinh viên Việt Nam.
Đại sứ Trần Văn Khoa đề nghị nhà trường tiếp tục cấp học bổng cho các nữ sinh Việt Nam, đặc biệt tại khu vực nông thôn, vùng núi hay những địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Đại sứ động viên các sinh viên tiếp tục nỗ lực học tập, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua những khó khăn của cuộc sống xa nhà, đồng thời mong muốn các sinh viên sau khi ra trường sẽ phát huy những kiến thức và kỹ năng đã học đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cũng như góp phần thay đổi nhận thức của xã hội về vai trò của người phụ nữ.