Kiều bào đóng góp kỷ lục bất chấp tác động của dịch COVID-19

quehuongonline
Chia sẻ
(VOV5) - Kiều hối tăng mạnh trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động toàn cầu, càng cho thấy sự đóng góp tích cực của cộng đồng người Việt ở nước ngoài đối với quê hương.

Con số kỷ lục

6,1 tỷ USD kiều hối trong “năm COVID-19” là con số kỷ lục, vượt xa mọi dự báo trước đó của các tổ chức tài chính, chuyên gia tài chính. Tôi xin dẫn một con số tham chiếu, cả năm 2020, TP. Hồ Chí Minh – địa phương dẫn đầu cả nước – cũng chỉ thu hút được 4,4 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Hàng trăm dự án có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có quy mô trung bình chỉ nửa triệu USD. Trong khi đó, kiều hối chuyển về TP. Hồ Chí Minh không những không giảm mà lại gia tăng mạnh mẽ, tăng tốc kỷ lục vào những ngày cận tết 2021.

Kiều bào đóng góp kỷ lục bất chấp tác động của dịch COVID-19 - ảnh 1Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về NVNONN Đặng Minh Khôi đã thay mặt cộng đồng NVNONN trao tiền quyên góp cho Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 thông qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngày 19/5/2020

Kỷ lục về kiều hối là một con số rất ý nghĩa trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và cả nước đang gặp khó khăn vì dịch COVID-19. Và kiều hối là kỷ lục rất ấn tượng, hòa nhịp với nhiều kỳ tích mà TP. Hồ Chí Minh và cả nước đã đạt được trong năm. Giữa lúc dịch COVID-19 hoành hành toàn cầu, hình ảnh những chuyến bay đặc biệt của Việt Nam đến các quốc gia đón gần 90.000 con em, người lao động, bà con về nước đã làm rung động trái tim nhiều bà con người Việt trên khắp thế giới. Điều đó khiến bà con người Việt trên khắp thế giới càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ khi năm qua, nhiều quốc gia trên thế giới suy giảm kinh tế, tăng trưởng âm, nhưng Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng đã vượt lên, đạt mức tăng trưởng dương, thực hiện thành công “mục tiêu kép” và chăm lo cho đời sống người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Kết quả phát triển kinh tế - xã hội và kết quả phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao và được cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng như người dân trong nước hết sức tin tưởng. Trong niềm tin tưởng ấy và với trái tim hướng về quê nhà, dù dịch bệnh tác động không thể về quê ăn tết, bà con ta ở nước ngoài đã hết lòng, chắt chiu, gửi nguồn vốn quý về cho người thân, tiếp tục đầu tư vào các dự án trong nước, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước trong năm 2022.

Kiều bào không chỉ có kiều hối

Sự hướng về và đồng hành đóng góp của bà con ta ở nước ngoài với quê hương đất nước không chỉ có kiều hối. Giữa lúc COVID-19 tác động và bão lũ dồn dập ập vào các tỉnh miền Trung, cộng đồng người Việt Nam ở ngước ngoài đã nhanh chóng hướng đến đồng bào ở quê nhà. Bà con đã gởi tặng gần 80 tỷ đồng cùng nhiều hiện vật thiết thực cho công tác phòng chống dịch, khắc phục hậu quả bão lũ, góp phần cùng người dân cả nước phòng chống dịch và giúp đồng bào miền Trung ổn định cuộc sống.

Trong phát triển kinh tế - xã hội, bà con người Việt ở nước ngoài có đóng góp quan trọng về đầu tư, thương mại, chuyển giao tri thức, khoa học – công nghệ… Trong hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, những người có trình độ cao, là chuyên gia, trí thức, doanh nhân chiếm tỷ lệ rất cao, lên tới nửa triệu người. Với nền tảng được đào tạo bài bản, mối quan hệ rộng, kinh nghiệm sinh sống và làm việc ở nhiều quốc gia trên thế giới, thì tiềm năng đóng góp của họ về tri thức, kinh nghiệm cho đất nước là rất lớn. Theo tôi, đây mới là “mỏ vàng” của bà con ta ở nước ngoài.

Cùng với kiều hối, trong thời điểm hiện nay, “mỏ vàng” về tri thức, kinh nghiệm của bà con người Việt ở nước ngoài theo tôi rất cần được trân trọng, phát huy hiệu quả hơn cho sự phát triển tăng tốc của Việt Nam cũng như của TP. Hồ Chí Minh. Đơn cử là việc góp ý, hiến kế của kiều bào cho sự phát triển của đất nước. Như tại TP. Hồ Chí Minh, hàng năm Thành  phố thường tổ chức các buổi lắng nghe kiều bào góp ý cho sự phát triển. Quy mô nhất, Thành phố "bội thu" 47 ý tưởng, đề án, kiến nghị, hiến kế của chuyên gia, trí thức kiều bào sau Hội nghị “Kiều bào chung sức xây dựng TP. Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế” vào tháng 11/2016. Ngay sau Hội nghị này, “Ngân hàng ý tưởng kiều bào” được hình thành gồm nhiều sáng kiến, đóng góp tâm huyết ở các lĩnh vực với mục đích cùng chung tay giải quyết đột phá các vấn đề “nóng” của TP. Hồ Chí Minh. Gần 5 năm đã trôi qua, và hàng năm, TP. Hồ Chí Minh đều thu nhận những hiến kế, đóng góp mới. Vậy những hiến kế tâm huyết của kiều bào đã được Thành phố triển khai, hiện thực hóa đến đâu? Cái nào đã thực hiện, cái nào đang thực hiện, cái nào chưa thực hiện, cái nào không thực hiện được? Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh đang cần nhiều nguồn lực về tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng, xây dựng đô thị sáng tạo, xây dựng đô thị thông minh, chuyển đổi số… Vậy TP. Hồ Chí Minh với lợi thế 6,1 tỷ USD kiều hối trong năm 2020, sẽ định hướng sử dụng dòng tiền này thế nào? Thành phố đang có mong muốn thu hút chuyên gia, trí thức, nhà khoa học cho phát triển các lĩnh vực trọng điểm nào? Những điều này cần được thông tin rộng rãi trên báo chí và phản hồi tới bà con ta ở nước ngoài để tạo thêm sự tin tưởng, gắn kết, thu hút đóng góp tích cực hơn nữa của cộng đồng nguời Việt Nam ở nước ngoài với Thành phố.

Với trách nhiệm của mình, năm 2021, dù dịch COVID-19 còn phức tạp, Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV) cùng 38 chi hội thành viên ở các nước vẫn tiếp tục tham gia giới thiệu sản phẩm và phát triển kênh phân phối, đưa hàng Việt Nam ra nước ngoài. Đây là nỗ lực của BAOOV trong thực hiện Đề án của Chính phủ về “Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2020-2024”. BAOOV tiếp tục gắn kết thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tiếp cận, mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh ra nước ngoài, góp phần đưa hàng hóa, sản phẩm Việt Nam ngày càng có chỗ đứng trên thị trường quốc tế. 
Peter Hồng
Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài

Feedback