Thu Hà Nội “bâng khuâng một cõi mơ về”

Nhà văn Hoài Hương
Chia sẻ
(VOV5) -Nhà thơ và nhạc sĩ như có mối giao cảm đồng điệu, khi ngôn từ thơ giàu nhạc điệu, nhạc sĩ phả thêm vào đó cảm xúc tạo thành những dòng giai điệu đẹp...

  “Bâng khuâng một cõi mơ về”, câu hát kết thúc ca khúc “Thu Hà Nội”, nhạc sĩ Bùi Tố phổ thơ của Nguyễn Thế Kỷ do NSND Thái Bảo trình bày, trong một giai điệu da diết hình như còn luyến tiếc, còn mơ màng vấn vương thu Hà Nội, cho người nghe cũng xao xuyến cả mùa thu Việt Nam…  

“Hà Nội chiều mưa bay

Hồng Hà ráng đỏ sóng hao gầy”…

(Thu Hà Nội- Nguyễn Thế Kỷ).

Một giai điệu êm mượt có chút man mác nhẹ nhàng như đang rót từng giọt mật để trái tim người nghe muốn tan chảy trong tình yêu Hà Nội. Nhà thơ và nhạc sĩ như có mối giao cảm đồng điệu, khi ngôn từ thơ giàu nhạc điệu, nhạc sĩ phả thêm vào đó cảm xúc tạo thành những dòng giai điệu đẹp, để người nghe như cuốn vào từng cung bậc thanh âm, thấm vào hồn không chỉ là Hà Nội mà còn bao uy danh lịch sử, bao danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp của đất nước. 

 Thu Hà Nội “bâng khuâng một cõi mơ về” - ảnh 1 "Hà nội đôi khi chỉ là chút rét"... Ảnh: Mỹ Trà 

 Ca khúc về mùa thu Hà Nội tính cho đến hôm nay đã có bao nhiêu bài trở thành những biểu tượng thu Hà Nội, “ăn sâu” vào tâm hồn những người Hà Nội và yêu Hà Nội. Những tưởng sẽ rất khó có ca khúc mới nào về mùa thu Hà Nội gây thương, gây nhớ, gây tương tư…, như các ca khúc trước đã từng làm lỗi nhịp tim bao người.

Vậy mà “Thu Hà Nội” phổ từ thơ Nguyễn Thế Kỷ hình như đã chạm vào một góc cảm xúc trái tim, quyến luyến người nghe, để khi giai điệu rơi những nốt cuối cùng, vẫn như còn lắng đọng từng ca từ, muốn được nghe thêm chút nữa, cho rưng rưng, thấm sâu hơn cái chất xưa thanh lịch ngàn năm Thăng Long- Hà Nội…

 Thu Hà Nội “bâng khuâng một cõi mơ về” - ảnh 2Nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ và nhà văn Hoài Hương bên tập thơ Về lại triền sông. 
 Thu Hà Nội “bâng khuâng một cõi mơ về” - ảnh 3 Bài thơ Thu Hà Nội, tác giả sáng tác tháng 1/1997, được in trong tập thơ Về lại triền sông. 

 Điều đặc biệt và thể hiện sự tinh tế của ca khúc phổ từ bài thơ “Thu Hà Nội”, không chỉ nói về mùa thu Hà Nội, mà Hà Nội là đại diện, là tâm điểm tụ hội linh khí dân tộc, là hồn thiêng sông núi từ thuở Thăng Long ngàn năm dựng nước giữ nước: “Âu Cơ tiếng mẹ bên nôi Gióng/ Tản Viên vó ngựa rẽ đường mây…./ Thuở Thăng Long đã có đền Trấn Quốc/ Bút Thanh Thiên soi bóng Hồ Gươm…”

Cho dù không một câu một chữ nào nói về sự kiện mùa thu tháng Tám, nhưng phảng phất trong cả bài không khí của mùa thu giành chính quyền từ tay thực dân Pháp, mùa thu khai sinh ra nuóc Việt Nam độc lập tự do, Nam Bắc một nhà, là ba miền Nam- Trung- Bắc giao hòa trong tình yêu ruột thịt:  “Như Sài Gòn, Phố Hội, Tây Đô/ Cốm Làng Vòng thơ về Đồng Tháp/ Thiên Mụ lung linh bên Phủ Tây Hồ…”

Phải chăng vì ca khúc phổ từ bài thơ “Thu Hà Nội”, mà mỗi câu thơ được thổi hồn vào từng câu chữ đậm chất lãng mạn trữ tình, tinh tế, để rồi nét nhạc như khúc ballade nhẹ nhàng, sâu lắng mà lịch lãm nâng cho ngôn từ càng thêm ý nghĩa. Cả ca khúc giống như một bức tranh thu nhỏ của Hà Nội với cuộc sống thanh bình êm ả.

Từ ngôn ngữ thơ, âm nhạc hóa thật nồng nàn tha thiết, giai điệu như vẽ nên một câu chuyện đời thường mà quá đỗi thân thương, giống như câu chuyện của bao người Hà Nội, nhẹ nhàng mà đầy hoài niệm, ấm áp từng hơi thở giống như nhịp sống vốn thanh lịch của Thủ đô.

Trong âm hưởng da diết của âm nhạc, ca từ, người nghe gặp lại một Hà Nội bình yên lãng đãng với những con phố, hàng cây, dịu dàng đến nao lòng những gánh hàng rong len lỏi phố và như vọng về cả những âm thanh của ký ức hoài niệm đẹp: … “Hàng Nón, Hàng Gà, Hàng Rươi, Hàng Lược/ Hàng Cót, Hàng tre.. thân thuộc những ngôi làng…/ Tiếng rao hàng ướt đẫm sương khuya/ Chút dịu dàng của ai giọng nói…”

 Thu Hà Nội “bâng khuâng một cõi mơ về” - ảnh 4

Hà Nội - chút dịu dàng của giọng ai nói... Ảnh: Mỹ Trà

Có mấy ai đã từng ở Hà Nội mà không khỏi xao xuyến với những hình ảnh đầy trữ tình: "Hà Nội đôi khi chỉ là chút rét…/ Hà Nội đôi khi chỉ là chút gió/ Mắt lá răm vành nón chấp chao/ Lá sấu rơi chạm mùi hoa sữa…”,  những dư vị rất riêng của Hà Nội, để tưởng tượng Hồ Gươm lung linh mỗi buổi chiều tà, phố tấp nập nam thanh nữ tú, dòng người tất tả vội vã trên những con đường khi bình mình thức giấc, hay hương hoa sữa thơm nồng nàn ướp cả đêm mùa thu..

Bất kỳ ai nghe ca khúc phổ thơ “Thu Hà Nội” chắc sẽ mang cảm giác như chính giai điệu là một dòng chảy âm thanh chuyên chở những ca từ - ngôn thư thơ, đưa người nghe xuyên không, ngược chiều dài lịch sử đất nước, để tự hào với truyền thống cha ông xưa, để trân trọng những di sản tổ tiên lưu giữ…

“Thu Hà Nội”, lời thơ “ý tại ngôn ngoại” giàu nhạc điệu, nhưng chân phương bình dị, gần gũi, được âm nhạc phả hồn vào từng câu chữ như tạo nên sự lan tỏa cảm xúc từ bài thơ đến ca khúc. Và giọng hát của NSND Thái Bảo, với chất giọng trầm ấm ngọt ngào, mang đến người nghe một cảm giác bồng bềnh lãng đãng sương khói, “bâng khuâng một cõi mơ về”, tương tư trong mộng Hà Nội- Thăng Long ngàn năm.

 Thu Hà Nội “bâng khuâng một cõi mơ về” - ảnh 5Hà Nội - bâng khuâng một cõi mơ về. Ảnh: Mỹ Trà 

 Một bài thơ không nhiều ngôn từ, nhưng mỗi từ mỗi câu như gói cả lịch sử - đất nước - con người Việt Nam với nhiều ngầm ý tư hào, một ca khúc không có những cấu trúc phức tạp giai điệu, mà như dòng chảy âm thanh dịu êm thiết tha, nhà thơ và nhạc sĩ đã cùng hòa giọng làm nên một ca khúc “Thu Hà Nội” thật đẹp.

Và ca khúc cho dù còn rất mới, nhưng chắc chắn đã góp vào gia tài âm nhạc mùa thu Hà Nội thêm giai điệu sâu lắng, da diết, để rồi trái tim những người yêu Hà Nội thêm một lần thổn thức mỗi khi nghe:

“Hà Nội chiều mưa bay

Hồng Hà ráng đỏ sóng hao gầy

Âu Cơ tiếng mẹ bên nôi Gióng

Tản Viên vó ngựa rẽ đường mây…”.

Feedback