Trong các ngày 28 - 30/10/2024, tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc), đại diện từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có mặt tham dự Diễn đàn. Các đại biểu cùng chia sẻ cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), NDC trong lĩnh vực AFOLU và một số dự án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của Việt Nam.
Diễn đàn do Ủy hội Kinh tế Xã hội châu Á - Thái Bình Dương Liên Hợp Quốc (ESCAP) phối hợp với Bộ Môi trường Hàn Quốc tổ chức với chủ đề “NDC 3.0: Nỗ lực quốc gia và Hợp tác toàn khu vực về Hành động Khí hậu tại châu Á – Thái Bình Dương”.
Mục tiêu của Diễn đàn là cơ hội thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong chuẩn bị, triển khai và cập nhật NDC, các vấn đề liên quan đến sự phối hợp giữa giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng biến đổi khí hậu, việc áp dụng các giải pháp dựa vào tự nhiên; tăng cường hợp tác quốc tế song phương và đa phương hướng tới trung hòa carbon giữa các quốc gia thành viên trong khu vực châu Á và Thái Bình Dương.
|
Ông Young Seok Lee, Thứ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc, phát biểu khai mạc. |
Phát biểu tại phiên khai mạc, ông Young Seok Lee, Thứ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc, cho biết: Hội thảo được tổ chức rất đúng thời điểm khi còn 2 tuần nữa thế giới sẽ bắt đầu Hội thảo COP29 tại Baku, Azerbaijan.
Tại Hội nghị COP28 vào cuối năm 2023, một trong những thành quả các quốc gia đã đạt được là thiết lập Quỹ Tổn thất thiệt hại. Cho tới nay, Quỹ huy động gần 700 triệu USD, trong đó Hàn Quốc đóng góp cho Quỹ 7 triệu USD.
Ông Young Seok Lee nhấn mạnh, để đạt được phát thải ròng bằng 0, cần có sự tham gia, hợp tác của tất cả các bên chính phủ, các đối tác phát triển, khu vực tư nhân… Ông kêu gọi các bên tham gia hội thảo chia sẻ thông tin, tăng cường hợp tác quốc gia trong khu vực để xây dựng NDC.
Tại Hội nghị, ông Byung Ok Ahn, Cơ quan Hợp tác Môi trường Hàn Quốc, chia sẻ: Diễn đàn là cơ hội để các bên chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về các giải pháp hướng tới phát triển bền vững và tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu.
Hợp tác khu vực châu Á – Thái Bình Dương để đạt được mục tiêu NDC rất quan trọng, nhằm đảm bảo việc áp dụng các công nghệ, chia sẻ kiến thức để tăng cường năng lực ứng phó với BĐKH giữa các quốc gia trong khu vực. Bên cạnh đó, việc chia sẻ công nghệ và chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tài chính cũng góp phần đáng kể tăng cường hiệu quả ứng phó BĐKH, thực hiện các chiến lược ứng phó với BĐKH.
Tại Hội nghị COP28, các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu đã thông qua Quyết định về kết quả Đánh giá nỗ lực toàn cầu (lần thứ nhất). Quyết định khẳng định, mặc dù đã có tiến bộ, song những nỗ lực toàn cầu hiện nay là chưa đủ để đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris và kêu gọi các quốc gia xây dựng, hoàn thành NDC 3.0 cho với mục tiêu giảm phát thải mạnh mẽ hơn.
Năm 2015, các quốc gia tham gia UNFCCC được yêu cầu xây dựng Dự kiến Đóng góp do quốc gia tự quyết định (INDC) trình Liên hợp quốc thể hiện cam kết (dự kiến) trong nỗ lực toàn cầu ứng phó với BĐKH. Đến tháng 12/2015, trên 180 quốc gia đã đệ trình INDC làm cơ sở để xây dựng và thông qua Thỏa thuận Paris tại Hội nghị COP21 năm 2015.
Sau khi Thỏa thuận Paris có hiệu lực tháng 11/2016, INDC trở thành NDC. Các quốc gia thống nhất cập nhật NDC trước khi triển khai thực hiện từ năm 2021 trở đi cho giai đoạn 2021-2030.
Theo Báo cáo Thiếu hụt nỗ lực giảm phát thải năm 2024 của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, nếu chỉ thực hiện các NDC hiện nay mà không có các hành động mạnh mẽ hơn thì nhiệt độ toàn cầu có thể tăng 2.6 độ C.