Phát huy hiệu quả Phòng thí nghiệm trọng điểm về môi trường không khí

Nguyễn Thị Vân Nga, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Chia sẻ
(VOV5) - Câu chuyện về việc xây dựng thành công Phòng Thí nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017 và trở thành Phòng Thí nghiệm đủ điều kiện tổ chức hoạt động quan trắc môi trường không khí.
Phát huy hiệu quả Phòng thí nghiệm trọng điểm về môi trường không khí - ảnh 1
Phát huy hiệu quả Phòng thí nghiệm trọng điểm về môi trường không khí - ảnh 2

Sinh viên thực tập tại Phòng Thí nghiệm

Với các thiết bị hiện đại được trang bị, Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã xây dựng thành công Phòng Thí nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017 và trở thành Phòng Thí nghiệm đủ điều kiện tổ chức hoạt động quan trắc môi trường không khí.

Thành công từ đầu tư cho nghiên cứu khoa học

Dự án “Đầu tư phòng thí nghiệm trọng điểm nghiên cứu về môi trường không khí” do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phê duyệt theo Quyết định số 705/QĐ-VHL ngày 11/5/2017 với mục tiêu xây dựng Phòng Thí nghiệm với hệ thống thiết bị hiện đại nghiên cứu về môi trường không khí sánh ngang tầm quốc tế với độ chính xác cao đáp ứng chiến lược phát triển nghiên cứu khoa học công nghệ của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Dự án cũng đã đưa ra một số mục tiêu cụ thể sẽ được triển khai sau khi đưa vào hoạt động. Thứ nhất là, xây dựng Phòng thí nghiệm về môi trường không khí đạt chuẩn quốc gia và quốc tế. Thứ hai là, các định hướng nghiên cứu tập trung vào: phát triển phương pháp lấy và phân tích mẫu không khí nhằm tăng độ nhạy, độ chọn lọc, độ chính xác của phương pháp và giảm chi phí, độ phức tạp; đánh giá mức độ ô nhiễm không khí, khả năng phát tán, lan truyền các chất độc trong không khí.

Trong dự án đầu tư, nhiều trang thiết bị hiện đại đã được lắp đặt như: thiết bị ghép nối GC-IC-ICP-MS/MS (phân tích các dạng kim loại trong không khí); thiết bị GC/MS/MS (phân tích thuốc trừ sâu, hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, hợp chất PAHs, aldehyde trong không khí)...

Phòng Thí nghiệm trọng điểm nghiên cứu về môi trường không khí trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, được thành lập theo Quyết định số 68/QĐ-CGCN. Đây là Phòng Thí nghiệm đầu tiên tại Việt Nam hoạt động nghiên cứu với chuyên môn sâu trong lĩnh vực môi trường không khí, được thành lập gắn liền với dự án trên.

Kể từ khi Phòng Thí nghiệm được trang bị các thiết bị, từ năm 2018 đến nay, Phòng Thí nghiệm đã triển khai nghiên cứu và xây dựng thành công nhiều phương pháp phân tích các chất độc trong môi trường không khí, giám sát chất lượng không khí. Mặt khác cũng đã thực hiện nhiều nhiệm vụ nghiên cứu để thúc đẩy các công trình công bố trên các tạp chí uy tín, chất lượng trong nước và quốc tế. Các kết quả nghiên cứu đóng góp vào số lượng các công trình công bố tăng lên hàng năm khoảng 40% so với năm trước, giúp Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ đứng thứ 4 của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam về tỷ lệ bài báo quốc tế/cán bộ biên chế.

Phát huy hiệu quả Phòng thí nghiệm trọng điểm về môi trường không khí - ảnh 3
Phát huy hiệu quả Phòng thí nghiệm trọng điểm về môi trường không khí - ảnh 4

Phòng Thí nghiệm được trang bị các thiết bị hiện đại

Trong số các nghiên cứu phải kể đến nhiệm vụ “Hỗ trợ khoa học trong quản lý ô nhiễm khu vực Hà Nội” thuộc chương trình Hợp tác nghiên cứu với Viện Nghiên cứu Quốc tế về ứng dụng phân tích (IIASA), Áo. Hai Bên đã cùng hợp tác để chuyển giao mô hình GAINS cho Việt Nam về dự báo xu hướng ô nhiễm môi trường không khí. Đây là một trong những sản phẩm nghiên cứu của các nhà khoa học IIASA và Việt Nam đã được ứng dụng cho nhiều quốc gia phát triển trên thế giới.

Nhiều kết quả đạt được trong đề tài sử dụng trên các thiết bị được trang bị cho Phòng Thí nghiệm để hiệu chuẩn mô hình GAINS cho phù hợp với các điều kiện và thông số ô nhiễm quan trắc được tại Việt Nam, trong đó tập trung chủ yếu vào các thông số của khí nhà kính như CH4, CO2, SO2, NOx và hàm lượng bụi PM 2.5. Báo cáo kết quả được công bố trên website của IIASA và các trang tin tức Việt Nam cho thấy hàm lượng bụi PM 2.5 tại Hà Nội cao có thể bắt nguồn từ các hoạt động sản xuất, giao thông vận tải và xây dựng. Các kết quả báo cáo cũng đã giúp cho các nhà quản lý của Việt Nam xây dựng các định hướng về chính sách giúp phát triển bền vững kinh tế đất nước gắn với bảo vệ môi trường.

Ngoài những nghiên cứu được thực hiện thường xuyên về phát triển các phương pháp phân tích chất độc trong môi trường không khí như Dioxin/Furans; PCBs, PAHs…, năm 2019, Phòng Thí nghiệm đã tham gia mạng lưới quan trắc môi trường không khí khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Theo đó, Phòng Thí nghiệm được hỗ trợ về năng lực nghiên cứu và phân tích không khí. Mặt khác, các kết quả nghiên cứu về môi trường nền sẽ được các bên cùng công nhận.

Cùng với đó, trong năm 2019, Phòng Thí nghiệm đã thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường sau vụ cháy của Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông”. Trong đó, Phòng Thí nghiệm đã thực hiện quan trắc, thu thập mẫu, phân tích nhằm đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường khu vực kho nguyên liệu và sản phẩm của công ty. Các kết quả nghiên cứu đã được gửi cho Thành phố Hà Nội nhằm cảnh báo mức độ ô nhiễm tới người dân xung quanh khu vực.  

Các nghiên cứu đối chứng cũng quan trọng để khẳng định tính tin cậy của Phòng Thí nghiệm. Theo đó, vào cuối năm 2019, hàm lượng bụi PM 2.5 tăng lên rất cao, nên Phòng Thí nghiệm cũng tiến hành nghiên cứu về hàm lượng bụi PM 2.5 trong môi trường không khí tại Hà Nội. Các kết quả được so sánh tương đương với kết quả của trạm quan trắc môi trường không khí tự động liên tục của Đại sứ quán Mỹ.

Ô nhiễm các thông số hữu cơ trong không khí Hà Nội cũng được công bố trong một số nghiên cứu của phòng thí nghiệm. Các kết quả nghiên cứu đã đánh giá được mức độ ô nhiễm chất hữu cơ chủ yếu do khí thải giao thông đô thị.

Với các thiết bị hiện đại được trang bị, Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ đã từng bước nâng cao chất lượng theo các tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế. Trong đó phải kể đến việc xây dựng thành công Phòng Thí nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017, với mã số Vilas 809, và trở thành Phòng Thí nghiệm đủ điều kiện tổ chức hoạt động quan trắc môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường, với mã số VIMCERT 229, được công nhận với 18 thông số về quan trắc không khí và 15 chỉ tiêu phân tích môi trường không khí.

Các chỉ tiêu tập trung vào các thông số ô nhiễm không khí gồm: Dioxin/furan; tổng bụi lơ lửng, NO2, NH3, CO, SO2, kim loại nặng... Sau khi có được các chứng chỉ Phòng Thí nghiệm đạt chuẩn, Phòng Thí nghiệm đã đón tiếp rất nhiều khách hàng đến làm việc và ký hợp đồng quan trắc và phân tích mẫu môi trường không khí. Tổng số hợp đồng tăng lên hàng tháng với trung bình đạt khoảng 80 đến hơn 100 hợp đồng các loại/năm, với trung bình hơn 5000 mẫu thử/năm.

Phát huy hiệu quả Phòng thí nghiệm trọng điểm về môi trường không khí - ảnh 5

Chứng nhận Vimcert 229

Từ khi xây dựng Phòng Thí nghiệm về môi trường không khí, nhiều tổ chức quốc tế đã đến làm việc và mong muốn có những hợp tác chung, trong đó cũng phải kể đến hợp tác với IIASA, Áo; trường Đại học Osaka, Nhật Bản… Các trang thiết bị của Phòng Thí nghiệm cũng được khai thác hiệu quả trong khuôn khổ hợp tác với trường Đại học Osaka, Nhật Bản về chế tạo, hiệu chuẩn thiết bị đo PM 2.5 trong môi trường không khí, thiết bị hiện đang được sử dụng để quan trắc PM 2.5 môi trường không khí Hà Nội; hợp tác với Tập đoàn Hiyoshi, Nhật Bản về quan trắc Dioxin trong môi trường không khí xung quanh khu vực Hà Nội.

Hoạt động đào tạo cũng phát triển hơn nhiều so với trước, với nhiều nghiên cứu sinh, học viên cao học và cử nhân tham gia thực hiện các đề tài nghiên cứu tại Phòng Thí nghiệm. Mặt khác, với việc lắp đặt các thiết bị, hàng năm Phòng Thí nghiệm thu hút được hàng trăm sinh viên chuyên ngành môi trường, hóa học… đến thăm quan, thực hành nhằm nâng cao kiến thức thực tế trên những thiết bị hiện đại.

Với những kết quả nghiên cứu đạt được, hàng năm Phòng Thí nghiệm cũng tổ chức các hội thảo trong nước và quốc tế nhằm trao đổi, cập nhật các thông tin giữa các nhà khoa học và quảng bá hình ảnh Phòng Thí nghiệm. Các hội thảo được tổ chức thu hút được nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế đến tham dự, qua đó trao đổi được nhiều thông tin liên quan đến lĩnh vực môi trường không khí.

Feedback