Sông vốn được coi là “mạch sống” của Trái Đất, là nguồn quan trọng cung cấp thức ăn, nước ngọt, phù sa, năng lượng.... Các dòng sông cũng tạo sinh kế cho hàng chục triệu người, song dưới tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng ô nhiễm và hoạt động khai thác quá mức, các dòng sông đang dần cạn kiệt với dòng chảy thu hẹp, chất lượng nước suy giảm mạnh. Nhiều con sông đang biến thành “sông chết”.
Với chủ đề “Nước cho tất cả”, Ngày quốc tế hành động vì các dòng sông (14/3) năm nay muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc duy trì tiếp cận nguồn nước trong mọi mặt đời sống thông qua việc giải quyết các quyền lợi về nước, đảm bảo tiếp cận nước sạch, khôi phục lại các dòng sông và lưu lượng cá. Đây cũng là thông điệp nhằm kêu gọi thế giới khẩn trương hành động để bảo vệ mạch nguồn sống của Trái Đất.
Cùng với các quốc gia trên thế giới đang nỗ lực hành động nhằm bảo vệ và khôi phục các dòng sông, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều quyết sách quan trọng về quy hoạch khai thác, bảo vệ nguồn nước, tăng cường quản lý nguồn nước theo lưu vực sông; tăng cường kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm nguồn nước, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác và sử dụng nước bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và bền vững... để nỗ lực bảo vệ và hồi sinh các dòng sông, vì tương lai xanh của đất nước.
Năm 2023, Việt Nam đã thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), xác định ưu tiên phục hồi “các dòng sông chết” nhằm khôi phục nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, tạo dòng chảy, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái, kèm theo những chương trình, đề án, dự án “làm sống lại các dòng sông”. (Nhà thầu đang thi công lắp đặt hệ thống đường ống thu gom nước thải sinh hoạt hai bên bờ sông Tô Lịch (Hà Nội). Ảnh: VOV) |
Công trình Thủy điện Sơn La được khánh thành năm 2012. Ảnh: VOV |
Khi công trình Nhà máy thủy điện Sơn La hoàn thành, đã tạo ra vùng lòng hồ rộng lớn với hơn 25.000 ha. Khai thác lợi thế này, người dân tại huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La đã phát triển chăn nuôi các loại cá lồng thương phẩm. Ảnh: VOV |
Ngày 11/9/2023, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam và UBND TP. Đà Nẵng tiến hành thực hiện ký kết Thỏa thuận tăng cường phối hợp giữa hai địa phương về quản lý tổng hợp tài nguyên nước, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam-Đà Nẵng trong thời gian tới. Ảnh: VOV |
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 21/QĐ-TTg ngày 8/1/2024 phê duyệt Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch). Mục tiêu của Quy hoạch là bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước và tác hại do nước gây ra gắn với phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, di sản, di tích lịch sử văn hóa. Ảnh: VOV |
Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè dài hơn 8km chảy qua các quận Tân Bình, quận 3, Phú Nhuận, Bình Thạnh đổ ra sông Sài Gòn. Mấy chục năm trước, con kênh ô nhiễm nặng, bên bờ nhà cửa lụp xụp, cỏ rác um tùm. Từ năm 2002, các kỹ sư đã phải xây hệ thống cống ngầm thu gom nước thải phía dưới kênh dài 8 km, cống có đường kính 3m nhằm tăng khả năng thoát nước. Đồng thời, gia cố bờ kênh và lắp đặt 60 km cống thu nước thải để cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. (Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sau khi hoàn thành cải tạo. Ảnh: Phương Ngân/laodong.vn) |
TP. Hồ Chí Minh xây dựng đề án phát triển kè bờ sông Sài Sòn và kinh tế dịch vụ ven sông giai đoạn 2020-2045, cùng kế hoạch triển khai giai đoạn 2020-2025, nhằm khai thác hiệu quả giá trị hệ sinh thái sông nước tự nhiên, tạo hành lang cảnh quan đô thị dọc bờ sông gắn với một hạ tầng xanh đa chức năng phát huy các loại hình kinh tế dịch vụ, bền vững sinh thái và mang đậm nét đặc trưng đô thị. Ảnh: cafebiz.vn |
Tháng 3/1997, các đại diện từ 20 quốc gia tham gia Hội nghị quốc tế đầu tiên về con người bị ảnh hưởng bởi các con đập, tổ chức tại Brazil đã quyết định lấy ngày 14/3 là Ngày Quốc tế hành động vì các dòng sông. Đây là dịp các quốc gia cùng chung tiếng nói bảo vệ các dòng sông – mạch sống của các hệ sinh thái; đề ra những chính sách quản lý công bằng, phát triển bền vững.