Xây dựng gói hỗ trợ quy mô đủ lớn, nếu được thông qua sẽ triển khai ngay từ đầu năm 2022

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Bộ đang xây dựng, trình Chính phủ xem xét Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới.

Chiều 11/11, sau khi kết thúc phần chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng về giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh tình hình mới; việc phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Bộ đang xây dựng, trình Chính phủ xem xét Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới. Đây là vấn đề phức tạp, nhiều nội dung quan trọng. Theo Bộ trưởng, thế giới đã có quyết sách rất nhanh ứng phó với một đại dịch chưa có tiền lệ, đó là đưa ra gói chính sách quy mô lớn, chấp thuận việc tăng trần nợ công, triển khai ngay các gói hỗ trợ. Nhờ đó cùng với độ bao phủ vaccine, kinh tế các nước đã phục hồi rất nhanh.

Xây dựng gói hỗ trợ quy mô đủ lớn, nếu được thông qua sẽ triển khai ngay từ đầu năm 2022 - ảnh 1Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời nhóm vấn đề lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. Ảnh: Doãn Tấn/ TTXVN

Về gói hỗ trợ của Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: "Khi nghiên cứu tình hình trong và ngoài nước, bộ nhận định cần có gói hỗ trợ lớn, thời gian phù hợp, đảm bảo cân đối vĩ mô, có hỗ trợ cả phía cung và cầu, gắn chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, phù hợp với kế hoạch tài chính công, tái cơ cấu nền kinh tế, tính cả dài hạn như xuất khẩu, tiêu dùng nội địa, đảm bảo khả thi, hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm…Theo đó, chính sách hỗ trợ sẽ tập trung cho các đối tượng là người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, ngành lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch, những ngành có tiềm năng phục hồi nhanh, đóng góp lớn cho nền kinh tế. Dự tính thời gian thực hiện hỗ trợ trong 2 năm 2022 - 2023 và nếu thông qua ngay vào kỳ họp cuối năm sẽ thực hiện ngay vào đầu năm 2022."

Một trong những vấn đề quan trọng để gói hỗ trợ kinh tế mới có hiệu quả là khả năng hấp thụ của nền kinh tế, trong đó phải đẩy nhanh tốc độ giải ngân các dự án đầu tư công. Người đứng đầu ngành Kế hoạch và đầu tư cho biết để khắc phục tình trạng này thì tổ chức thực hiện vẫn là khâu chính, bởi hiện nay Bộ đã phân cấp phần lớn quyền quyết định về lựa chọn dự án giải ngân, tỷ lệ giải ngân, thẩm định nguồn vốn, khả năng cân đối vốn… về các bộ, ngành và địa phương.

Nhìn nhận từ thực tiễn số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể tăng, Bộ trưởng nhắc đến 2 giai đoạn giúp doanh nghiệp: năm 2021 duy trì sản xuất bằng cách giữ chân lao động, hỗ trợ doanh nghiệp cầm cự. Sang năm 2022, cố gắng mở cửa nhanh nền kinh tế kết hợp với phòng chống dịch tốt và có Chương trình phục hồi sắp tới. Bộ trưởng cũng thông tin sau khi có Nghị quyết 128 thích ứng kinh hoạt, kịp thời thì hiện nay hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp có nơi lên tới 80-90%. Dự kiến đến cuối năm nay sẽ phục hồi 100% ở một số địa phương.

Năm 2008, 2009, Việt Nam cũng đã tung ra gói kích cầu trị giá 6,9 tỷ USD, giúp đất nước vượt qua khủng hoảng tài chính thế giới, đưa Việt Nam trở thành 1 trong số ít nước tăng trưởng dương. Từ kinh nghiệm đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong gói hỗ trợ sắp tới, Việt Nam sẽ phải thực hiện đồng bộ, tập trung; đặc biệt có kiểm soát rủi ro. Nếu triển khai tốt gói hỗ trợ, kiểm soát dịch hiệu quả, dự tính  nền kinh tế Việt Nam sẽ bắt đầu phục hồi từ cuối năm 2022; đến cuối 2023 sẽ trở lại trạng thái bình thường như mong muốn.

Feedback