Quang cảnh diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2019 |
Cùng với xu thế phát triển của kinh tế thế giới, Việt Nam đã mau chóng thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng đổi mới sáng tạo; đón bắt, tiếp thu và ứng dụng những thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước. Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm đổi mới, nhất là hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung, ban hành nhiều cơ chế, chính sách xây dựng và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, chuyển đổi số... và đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2019, ngày 19/09: "Thế giới mà chúng ta đang sống đang thay đổi rất mau lẹ với nhiều diễn biến phức tạp, mức độ cạnh tranh kinh tế, thương mại toàn cầu ngày càng cao. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự xuất hiện của nhiều công nghệ chưa từng có đang làm thay đổi mạnh cách thức kinh doanh, vận hành nền kinh tế và doanh nghiệp. Các hình thái kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn ngày càng phổ biến. Bối cảnh này mang lại cơ hội và cả thách thức cho những nước đang phát triển như Việt Nam, đòi hỏi các nước phải rất nhanh nhạy trong nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức, nếu không sẽ không bắt kịp xu thế phát triển của thời đại. Trong bối cảnh đó, chưa nói đến việc hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, chỉ riêng việc vượt qua “bẫy thu nhập trung bình” đã là thách thức không nhỏ đối với nhiều nền kinh tế đang phát triển trong đó có Việt Nam. Sẽ không thể thành công nếu không liên tục tìm tòi, sáng tạo, đổi mới tư duy, chủ động xây dựng cách thức phát triển nền kinh tế, đổi mới thể chế, cơ chế, chính sách".
Tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam, các đại biểu trong nước và quốc tế cho rằng để hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, Việt Nam cần giải quyết những vấn đề lớn như: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại của Việt Nam với trọng tâm là Nhà nước pháp quyền XHCN, tự do hóa thị trường nhân tố sản xuất, hoàn thiện bộ máy nhà nước, đổi mới sáng tạo, nâng cao giá trị gia tăng nội địa của các mặt hàng chế biến, chế tạo xuất khẩu để tiến lên trong chuỗi giá trị toàn cầu…
Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới, Giáo sư Pinelopi Koujianou Goldberg nhấn mạnh Việt Nam cần đẩy mạnh tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó, cần nâng cao giá trị con người, lực lượng lao động có kỹ năng, đổi mới sáng tạo, đồng thời nền kinh tế phải tiếp tục có độ mở, hội nhập và hợp tác quốc tế. "Thách thức đặt ra là giá trị được tạo ra của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Các giá trị nội địa của hàng hóa Việt Nam hiện vẫn khá thấp, theo các số liệu là 18%, thấp hơn ngưỡng mà các quốc gia đều phải đạt được nếu muốn bước vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Một trong những nguyên nhân là do chất lượng lực lượng lao động. Và như chúng tôi đã nói, muốn đưa Việt Nam lên một mức độ phát triển mới, cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực. Điều này đòi hỏi phải đầu tư nhiều hơn cho giáo dục".
Đồng tình và đánh giá cao khuyến nghị của bà Pinelopi Koujianou Goldberg, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ rõ không có cách nào khác là Việt Nam phải hành động vươn lên, phát huy nguồn nhân lực năng động, sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ mới nhằm nâng cao trình độ để ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới, mạnh mẽ tiến lên những “nấc thang” có giá trị gia tăng cao hơn, thu được nhiều hơn khi tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu.