Việt Nam nổi lên như một trung tâm sản xuất mới của khu vực và thế giới

Bá Thi
Chia sẻ
(VOV5) - Nhiều doanh nghiệp công nghệ cao đang chuyển hướng đầu tư và đào tạo sang Việt Nam như một chiến lược tái cân bằng hoạt động.

Nhờ lợi thế về nhân khẩu học, sự ổn định chính trị, chính sách quản lý kinh tế nhất quán cùng môi trường đầu tư thuận lợi, Việt Nam đang ngày càng thuyết phục và thu hút các nhà đầu tư quốc tế tới làm ăn, kinh doanh. Nhiều chuyên gia và tổ chức uy tín quốc tế tin rằng Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất mới của khu vực và thế giới.

Trang Vietnam-Briefing mới đây cho biết, thời gian qua, nhiều tập đoàn đa quốc gia, trong đó có Intel (Mỹ) và Samsung (Hàn Quốc) đã có kế hoạch mở rộng đầu tư nghiên cứu, sản xuất chip cũng như chất bán dẫn tại Việt Nam. Điều này cho thấy tiềm năng của Việt Nam như một trung tâm sản xuất mới nổi của khu vực và thế giới. Cùng lúc, nhiều trang tin quốc tế cũng đưa tin về việc Tập đoàn chip khổng lồ Synopsys của Mỹ sẽ đào tạo kỹ sư thiết kế vi mạch và hỗ trợ thành lập trung tâm thiết kế chip bán dẫn tại Việt Nam.

Các nguồn tin có chung nhận định rằng, trong bối cảnh chạy đua công nghệ giữa các cường quốc, nhất là giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp diễn, nhiều doanh nghiệp công nghệ cao đang chuyển hướng đầu tư và đào tạo sang Việt Nam như một chiến lược tái cân bằng hoạt động. Sự ổn định chính trị, môi trường đầu tư thuận lợi và sự nhất quán trong chính sách đã giúp Việt Nam ngày càng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có lợi thế lớn về cơ cấu nhân khẩu học. Ông Fillippo Botorletti, Giám đốc Văn phòng Dezan Shira Việt Nam, đánh giá “Lợi thế chính của Việt Nam là cơ cấu nhân khẩu học thuận lợi, với chi phí lao động tương đối thấp. Việt Nam cũng tự hào có một chính phủ rất cởi mở và tạo điều kiện cho thương mại và đầu tư nước ngoài, một hệ sinh thái kinh doanh ngày càng phát triển, sẵn sàng học hỏi và cải thiện. Mạng lưới Hiệp định thương mại tự do rộng khắp cũng giúp các nhà đầu tư dễ dàng hơn trong tiếp cận thị trường các nước khác". 

Đầu tháng 9 này, tờ The Times cũng có bài nhận định Việt Nam trên đường trở thành công xưởng mới của thế giới. Theo đó, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đang bùng nổ, ngày càng thu hút các doanh nghiệp lớn trên thế giới đầu tư, giúp đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế. Ngành công nghiệp sản xuất khổng lồ của Việt Nam đã tạo ra hàng trăm tỉ USD quần áo, đồ điện tử, đồ nội thất và các hàng hóa khác cho thế giới. Năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam đạt 336 tỉ USD, tăng 19% so với năm 2020 bất chấp đại dịch Covid-19. Sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài chiếm ưu thế, với 73% kim ngạch xuất khẩu của năm ngoái là do các công ty quốc tế tạo ra. Hãng công nghệ khổng lồ Apple sắp tăng cường những con số đó hơn nữa, khi nhà cung cấp Foxconn công bố kế hoạch chi 300 triệu USD để xây dựng một nhà máy mới ở Bắc Giang.

Ông Philipp Rosler, nguyên Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới, bình luận "Việc Việt Nam xuất hiện trong các phương án cân nhắc của các tập đoàn công nghệ lớn là một điều tuyệt vời. Nhờ đó, xuất khẩu từ khối FDI sẽ được đẩy cao hơn nữa, không chỉ dừng lại ở con số ấn tượng hiện tại"./

Feedback