Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng cả năm 2,6-2,8%

Chia sẻ
(VOV5) - Theo VEPR, đẩy nhanh đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia, trong các tháng còn lại của năm là việc nên làm để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. .

Với điều kiện dịch COVID-19 tiếp tục được khống chế ổn định ở trong nước và kinh tế thế giới bắt đầu khởi sắc do các biện pháp phong tỏa được dần gỡ bỏ, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng trong khoảng 2,6-2,8% trong cả năm 2020. Đây là nhận định được đưa ra trong Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III và 9 tháng năm 2020 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố vào sáng 21/10 tại Hà Nội.

Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng cả năm 2,6-2,8% - ảnh 1 Quang cảnh tọa đàm - Ảnh: thoibaonganhang.vn

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Giám đốc Viện đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), nêu những giải pháp để kinh tế Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng cao: “Thứ nhất phải tiếp tục thực hiện bằng được mục tiêu kép. Thứ 2 cần tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới để bù đắp cho những động lực đang dần cạn kiệt, ví dụ tập trung nhiều hơn thúc đẩy đầu tư; Tập trung nhiều hơn vào thị trường nội địa, kinh tế số, mô hình kinh doanh mới. Cuối cùng, cần hết sức quan tâm đến vấn đế năng suất, 1 trong những trụ cột quan trọng cho tăng trưởng kinh tế bền vững trong thời gian tới . Ngoài ra, hội nhập quốc tế, tập trung tốt hiệp định EVFTA cũng là yếu tố quan trọng, đồng thời phải hết sức quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh.”

Theo VEPR, đẩy nhanh đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia, trong các tháng còn lại của năm là việc nên làm để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, trong mọi tình huống, lạm phát, lãi suất và tỷ giá cần được duy trì ổn định để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau dịch. Đa dạng hóa thị trường xuất/nhập khẩu cũng cần được chú trọng hơn nữa nhằm tránh phụ thuộc nặng nề vào một số đối tác kinh tế lớn.

VEPR cũng chỉ ra rằng các các nỗ lực cải thiện thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh cần tiếp tục được duy trì; cùng với đó là việc từng bước xây dựng đệm tài khóa để phòng chống những cú sốc như COVID-19 hoặc những diễn biến bất ngờ của chính bệnh dịch này trong những năm tới.

Feedback