Tiềm năng hợp tác đầu tư, thương mại Việt Nam – Nepal còn rất lớn

Chia sẻ
(VOV5) - Đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Nepal diễn ra ngày 10/05, tại Hà Nội.
Tiềm năng hợp tác đầu tư, thương mại Việt Nam – Nepal còn rất lớn - ảnh 1 Thủ tướng Nepal phát biểu tại Diễn đàn

Sự kiện do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Nepal Khadga Prasad Sharma Oli tới Việt Nam. Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng hợp tác kinh tế hai nước đã có bước tiến đáng kể, tuy nhiên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng 2 bên.

"Việt Nam rất coi trọng mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống nhiều mặt với Nepal. Dù kim ngạch thương mại 2 chiều còn hạn chế nhưng tiềm năng và đặc biệt là những cơ sở, tư tưởng triết lý kinh doanh hợp tác hai bên có nhiều điểm tương đồng. Đây là những giá trị chung mà hai nước có thể khai thác, phát huy, để tiếp tục đóng góp, tạo nền tảng vững chắc cho việc mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Nepal."

Đánh giá cao và bày tỏ sự lạc quan về mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam –Nepal, Thủ tướng Nepal Khadga Prasad Sharma Oli cho biết ông có ấn tượng mạnh trước sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam. Sự năng động của nền kinh tế Việt Nam đang là nguồn cảm hứng cho Nepal. 

Thủ tướng Khadga Prasad Sharma khẳng định: "Nepal đang thực hiện các chính sách đầu tư cởi mở; xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi, thân thiện dành cho các nhà đầu tư trên thế giới trong đó có các nhà đầu tư đến từ Việt Nam. Nepal hiện cũng đang tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống vận chuyển nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tận dụng cơ hội khai thác kinh doanh tại Nepal, là thị trường trung chuyển thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận thị trường Trung Quốc, Ấn Độ".

Tại diễn đàn, các doanh nghiệp Nepal có cơ hội tiếp xúc, gặp gỡ với lãnh đạo các Bộ, ngành và các doanh nghiệp Việt Nam, qua đó, giúp doanh nghiệp Nepal hiểu rõ hơn thị trường, cơ hội hợp tác kinh doanh tại Việt Nam và ngược lại.

Feedback