Sáng nay (28/2) tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Diễn đàn trực tuyến “Thúc đẩy số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm”.
Tại diễn đàn, các đại biểu chia sẻ về cơ chế, chính sách hỗ trợ mới nhất của Chính phủ về quy định truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, mã số đóng gói trong sản xuất và chế biến nông sản. Các ý kiến khẳng định: Truy xuất nguồn gốc góp phần định danh và khẳng định chất lượng nông sản Việt, đem lại lợi ích kinh tế trong chuỗi giá trị nông sản, thực phẩm.
Diễn đàn “Thúc đẩy số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản. Ảnh: nongnghiep.vn |
Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, cho biết nông sản Việt Nam đã có mặt ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, ngày càng khẳng định uy tín và vị thế trên thị trường nông sản quốc tế. Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và minh bạch nguồn gốc xuất xứ không chỉ phục vụ xuất khẩu mà chính là bảo vệ sức khỏe của 100 triệu người dân Việt Nam: "Truy xuất nguồn gốc thực phẩm là theo dõi nhận diện một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, kinh doanh. Truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm đã được quy định rõ tại các điều luật tại Việt Nam. Với lĩnh vực nông nghiệp đã có Thông tư về truy xuất nguồn gốc thu hồi và xử lý thực phẩm nông sản không đảm bảo an toàn. Việc đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng là việc của cả cộng đồng cùng chung tay để nhằm thay đổi tư duy sản xuất, trong đó việc số hóa khoa học công nghệ đóng vai trò quan trọng."
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng thúc đẩy số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm không chỉ bảo vệ lợi ích của nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp mà còn góp phần xây dựng thương hiệu các ngành hàng. Qua đó, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp minh bạch, tích hợp đa giá trị.