Thị trường châu Âu mở cửa trở lại cho mỳ ăn liền Việt Nam

Vĩnh Phong (Tổng hợp)
Chia sẻ
(VOV5) - Từ ngày 2/7 tới, các mặt hàng mỳ, bún, miến phở dạng khô (mỳ ăn liền) xuất khẩu từ Việt Nam sẽ hoàn toàn được gỡ bỏ khỏi diện kiểm soát tại cửa khẩu châu Âu.

Mỳ ăn liền của Việt Nam đã được gỡ khỏi danh sách bị kiểm tra tại biên giới của Liên minh Châu Âu (EU). Việc này giúp các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu và tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí.

Thị trường châu Âu mở cửa trở lại cho mỳ ăn liền Việt Nam - ảnh 1Ảnh minh họa - Nguồn: baochinhphu.vn

Từ ngày 2/7 tới, các mặt hàng mỳ, bún, miến phở dạng khô (mỳ ăn liền) xuất khẩu từ Việt Nam sẽ hoàn toàn được gỡ bỏ khỏi diện kiểm soát tại cửa khẩu châu Âu, sau hơn 2 năm sản phẩm này bị Ủy ban châu Âu (EC) yêu cầu kiểm tra gắt gao và phải có chứng thư đảm bảo an toàn thực phẩm từ cơ quan có thẩm quyền. Đây là ghi nhận của phía châu Âu đối với khả năng và nỗ lực kiểm soát vệ sinh an toàn trong ngành công nghiệp thực phẩm của Việt Nam và là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu tiến tới chinh phục thị trường tiềm năng với hơn 450 triệu dân số này.

Việc Ủy ban châu Âu đã quyết định gỡ bỏ mỳ ăn liền Việt Nam ra khỏi danh sách phải kiểm soát an toàn thực phẩm tại cửa khẩu, giúp các doanh nghiệp sản xuất tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí. Bà Trịnh Ngọc Phương, Giám đốc kinh doanh công ty Cổ phần VIFON, chia sẻ: "Chúng tôi sẽ không phải tốn chi phí để phân tích mẫu bán thành phẩm để gửi lên Bộ Công thương. Các doanh nghiệp khác cũng không phải tốn kém chi phí phân tích chỉ tiêu ethylene oxide để gửi kết quả cho cơ quan chức năng trước khi xuất hàng, cũng không phải tốn chi phí để xin giấy chứng nhận sức khỏe về thành phần sản phẩm theo yêu cầu của đối tác châu Âu".

Theo khuyến nghị của Bộ Công thương, các doanh nghiệp cần tiếp tục nghiêm túc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm của châu Âu. Ông Nguyễn Việt Tấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương, nhấn mạnh: Các doanh nghiệp cố gắng tiếp tục đảm bảo thực hiện đúng các quy định về an toàn thực phẩm. Nếu không thực hiện đúng, EU rất có thể sẽ đưa trở lại phụ lục 2 và thậm chí tần suất kiểm tra tại cửa khẩu có thể lên tới 50%.

Ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU, cho biết: "Hiện tại dư lượng ethylene oxide của liên minh châu Âu được quy định ở ngưỡng 0,01%. Chúng tôi khuyến nghị doanh nghiệp vẫn kiểm tra sản phẩm tại các phòng lab có tiêu chuẩn".

Mỗi tháng Việt Nam xuất khẩu khoảng 30.000 tấn mỳ ăn liền ra nước ngoài. Việc EC gỡ mỳ ăn liền Việt Nam khỏi danh sách bị kiểm tra gắt gao sẽ là bước đầu tiên để có thêm nhiều loại nông sản Việt thâm nhập thị trường EU.

Feedback