Ảnh minh họa
|
Sau khi dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam được kiểm soát và bước đầu cơ bản được đẩy lùi, các bộ, ngành, địa phương cả nước đang tích cực thực hiện nhiệm vụ “kép" vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế- xã hội.
Trong chương trình ký kết phối hợp hoạt động giữa Bộ Công Thương với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhằm tăng cường hiệu quả thực thi chính sách để thúc đẩy tái khởi động nền kinh tế sau dịch Covid-19, mới đây Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết hai bên khẩn trương xây dựng một Chương trình phối hợp công tác một cách toàn diện và bao trùm với 03 trụ cột hành động chính là: Hoạt động xây dựng, hoàn thiện, tuyên truyền, phổ biến thể chế, pháp luật, điều ước quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại; Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo:
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: "Tiếp tục tăng cường cơ chế hợp tác và giám sát giữa 2 bên để các hoạt động cải cách thực chất hơn và gắn với yếu tố quan trọng là đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân với sự cải cách và dịch vụ công của Bộ Công Thương. Hai là dịch Covid-19 đòi hỏi giải phóng mọi nguồn lực, tạo điều kiện cho các khoản đầu tư mới, khai thông thị trường, nên cần tiếp cận cộng đồng doanh nghiệp thiết thực hiệu quả hơn nữa".
Theo các chuyên gia kinh tế, hiện Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về tỷ lệ doanh nghiệp trên đầu người ,cũng là nơi các tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp lớn nhất cả nước lựa chọn. Vì vậy yêu cầu đặt ra là Thành phố cần phục vụ tốt nhất cho các doanh nghiệp đang ở “trong sân” và “ngoài ngõ “ nhà mình.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định: "Ngay trong bối cảnh từ những ngày đầu xảy ra đại dịch Covid-19, trực tiếp Bí thư Thành ủy chủ trì Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển. Hà Nội luôn kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, đồng hành cùng doanh nghiệp".
Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, tình hình sản xuất, kinh doanh của thành phố Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng khá nặng. Để giải quyết những khó khăn, thành phố đang triển khai nhiều giải pháp để đạt mục tiêu kép là vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh vừa tăng trưởng kinh tế. Thành phố ban hành chỉ số an toàn phòng chống dịch bệnh cho nhiều lĩnh vực, đẩy mạnh triển khai đề án khởi nghiệp sáng tạo và tập trung giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đến tháng 10 năm nay giải ngân đạt 80% kế hoạch năm.
Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng sau đại dịch thành phố sẽ có những cải cách thủ tục hành chính vượt trội nhằm tạo đà vực dậy cho doanh nghiệp phục hồi. Đồng thời mong muốn tiếng nói giữa doanh nghiệp với các cơ quan chức năng có điểm chung để phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội sau mùa dịch.