Qua hơn 3 năm thực hiện, tái cơ cấu nền kinh tế nói chung đã mang lại sự ổn định cho nền kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiềm chế, tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Trong bức tranh chung đó, tái cơ cấu đầu tư công đã huy động khá mạnh vốn từ khu vực ngoài Nhà nước đầu tư vào các dự án công, điển hình là các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Nguồn vốn ngân sách Nhà nước được phân bổ tập trung hơn, vốn trái phiếu Chính phủ bố trí hằng năm theo hướng ưu tiên cho các dự án quan trọng, cấp bách và kiên quyết cắt giảm tình trạng dự án lan tràn, thiếu hiệu quả. Cụ thể, năm 2012 cắt giảm 1.288 dự án, năm 2013 cắt giảm 220 dự án, năm 2014 cắt giảm 42 dự án.
Về thể chế, 3 năm qua, hệ thống chính sách pháp luật quản lý đầu tư công từng bước được ban hành. Bắt đầu từ Nghị quyết số 11 của Chính phủ đầu năm 2011, tiếp theo là Chỉ thị 1792 của Thủ tướng Chính phủ góp phần quản lý và nâng cao hiệu quả đầu tư. Đặc biệt, gần đây Quốc hội thông qua Luật đầu tư công, là cơ sở pháp lý cao nhất của hoạt động đầu tư công. Ông Hoàng Đăng Quang, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, nhận xét: "Giai đoạn 2011 - 2013, chúng ta có thay đổi về cách tiếp cận trong quản lý đầu tư công nhằm khắc phục tư duy nóng vội, những yếu kém của thời kỳ trước. Trong quá trình thực hiện đã từng bước hạn chế được tình trạng bố trí vốn phân tán, dàn trải, thất thoát, lãng phí. Vốn bố trí từ ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ được lập theo kế hoạch đầu tư 5 năm và phân kỳ theo từng năm. Số dự án khởi công mới giảm mạnh, nợ xây dựng cơ bản được kiểm soát. Có thể nói đó là những cố gắng rất lớn trong công tác quản lý, điều hành của Chính phủ".
Tuy nhiên, việc tái cơ cấu đầu tư công cũng tồn tại nhiều vấn đề, không đơn giản chỉ dừng ở việc chấn chỉnh lại việc thực hiện chính sách mà cần xuất phát từ mục tiêu định hướng đối với hoạt động đầu tư công. Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định: "Những kết quả đó là thành công ở giai đoạn bước đầu. Chúng ta không bằng lòng. Thực tiễn đang đòi hỏi chúng ta cần phải làm nhanh hơn, tốt hơn nữa, tại sao? Đi sâu vào bản chất của vấn đề chúng ta thấy một điều là chất lượng nền kinh tế của chúng ta đang có vấn đề và động lực để tăng trưởng cao hơn nữa như chúng ta mong muốn cũng có vấn đề. Đã đến lúc chúng ta phải đổi mới mô hình tăng trưởng, chúng ta phải thay đổi thể chế".
Hệ thống chính sách pháp luật quản lý đầu tư công tuy từng bước được ban hành nhưng vẫn chưa rõ ràng, đồng bộ và cần phải tiếp tục bổ sung trong thời gian tới. Ông Nguyễn Trọng Trường, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, cho rằng: "Chính phủ cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Luật đầu tư công, đồng thời để đảm bảo tính đồng bộ cần sớm xây dựng Luật quy hoạch, Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi), Nghị định hướng dẫn về đầu tư trung hạn, quy định về hình thức đầu tư PPP, thay Quyết định số 71 ngày 9 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công tư".
Trong điều kiện một quốc gia đang phát triển với nguồn lực còn hạn chế như Việt Nam, cơ cấu đầu tư Nhà nước cần thể hiện rõ tính tập trung và ưu tiên vào các lĩnh vực mũi nhọn. Đầu tư nhà nước vào các ngành công nghiệp, nông nghiệp, công nghệ cao, các ngành có khả năng dẫn dắt chuyển đối cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa còn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Do đó tái cơ cấu đầu tư công cần phải tính đến yếu tố vùng, miền và các ngành, lĩnh vực quan trọng nói cách khác là phải điều chỉnh ưu tiên của đầu tư công. Ông Hoàng Đăng Quang, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, đề nghị: "Tăng tỷ lệ đầu tư cho các tỉnh, vùng, miền có nhiều khó khăn, thường xuyên bị tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, các địa phương nghèo ít có điều kiện để huy động các nguồn vốn tư nhân để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội. Tiếp đó là ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, trong đó, tập trung cho công trình, dự án thực hiện tái cơ cấu của ngành nông nghiệp. Tôi cũng đề nghị ưu tiên tăng đầu tư công cho giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực bởi lẽ đó là xu thế có tính tất yếu để đất nước phát triển".
Một điểm quan trọng để tái cơ cấu đầu tư công hiệu quả là cần cần nghiên cứu cơ chế mở rộng các hình thức đầu tư để huy động các nguồn vốn từ khu vực tư nhân, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển các ngành lĩnh vực có lợi thế. Ông Bùi Việt Phương, đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình, cho rằng: "Trong bối cảnh kinh tế đang khó khăn, thu ngân sách khó, khả năng đầu tư từ Ngân sách cho đầu tư công sẽ không nhiều. Vì vậy, cần phải thúc đẩy mạnh đầu tư của các thành phần kinh tế khác, kể cả đầu tư ở nước ngoài. Những dự án như cầu, đường mà có thể tư nhân, các doanh nghiệp đầu tư, sau đó người ta thu hồi vốn thì Nhà nước không cần thiết phải đầu tư mà chỉ cần tập trung nguồn đầu tư của Nhà nước vào những lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không đầu tư. Tôi thấy cần phải đa dạng hóa các hình thức đầu tư này để thu hút mọi thành phần tham gia vào quá trình đầu tư, nếu không đầu tư thì kinh tế không tăng trưởng được".
Tái cơ cấu đầu tư công là trục cơ bản của tái cơ cấu kinh tế vì nó chứa đựng yếu tố thể chế cốt lõi của nền kinh tế chuyển đổi. Do đó, thực hiện tốt tái cơ cấu đầu tư công sẽ góp phần quan trọng để nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế, đem lại hiệu quả tốt hơn cho quá trình phát triển./.