Quảng Ninh dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

Quang Dũng
Chia sẻ
(VOV5) - Tính 10 tháng năm nay, Quảng Ninh đã thu hút trên 3 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trở thành tỉnh dẫn đầu cả nước về nguồn vốn này.

Đây là thành quả của nỗ lực cải cách quyết liệt môi trường đầu tư mà tỉnh đã tiến hành trong nhiều năm qua.

Nghe âm thanh bài tại đây:
Theo số liệu do Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, trong tháng 10 vừa qua có 2 dự án đầu tư mới được tỉnh Quảng Ninh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đó là Dự án Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện của công ty Jinko Solar Hải Hà Việt Nam với tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD và Dự án Nhà máy Lite-on Quảng Ninh với tổng vốn đầu tư 690 triệu USD. Ông Trần Kinh Vĩ, Tổng Giám đốc vận hành toàn cầu Tập đoàn Jinko Solar, cho biết: “Quảng Ninh đã trở thành địa phương đóng vai trò rất quan trọng trong chuỗi dây chuyền sản xuất của chúng tôi trên phạm vi toàn cầu. Các nhà máy tại Quảng Ninh hiện chiếm 50% tổng sản phẩm sản xuất của chúng tôi tại nước ngoài. Chúng tôi rất cảm ơn sự hỗ trợ hiệu quả, thực chất của tỉnh đối với tập đoàn trong thời gian qua. Đây cũng là một trong các yếu tố quyết định để tập đoàn tiếp tục lựa chọn Quảng Ninh là địa điểm đầu tư các dự án trong thời gian tới”.
Quảng Ninh dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - ảnh 1Lãnh đạo Ban Quản lý KKT tỉnh Quảng Ninh trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà Việt Nam có tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD. Ảnh: VOV

Tính chung 10 tháng năm nay, đã có hơn 3 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thu hút vào địa bàn tỉnh Quảng Ninh, tăng 41,3% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt khoảng 256% kế hoạch năm nay. Nhờ đó, Quảng Ninh đã tạm vượt qua các địa phương “đầu tàu”, như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng để trở thành tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút FDI.

Theo ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh, đây là thành quả của việc tỉnh đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo dựng niềm tin đối với các nhà đầu tư. Ngoài ra, công tác xúc tiến đầu tư cũng được tỉnh đổi mới cả về nội dung và phương thức, thu về nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã tiếp và làm việc với hơn 110 lượt nhà đầu tư, trong đó có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn, như: BP (Anh), JTA (Quatar), Jinko Solar, TCL (Hồng Kông), Mitsubishi, Yaskawa Electric, Tamagawa Seiki, Sojitz (Nhật Bản), Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương, Công ty TNHH Kỹ thuật Đường cao tốc số 1 (CFHEC), Black Peony (Trung Quốc). Ông Đặng Minh Đức, Phó Tổng Giám đốc Deep C Việt Nam, công ty đang quản lý nhiều KCN lớn ở miền Bắc, đánh giá trong vài năm qua môi trường đầu tư của tỉnh Quảng Ninh liên tục được cải thiện, nhờ đó công ty đã thuyết phục được nhiều nhà đầu tư nước ngoài:“Với sự hỗ trợ lớn từ tỉnh và Ban Quản lý khu kinh tế, chúng tôi thu hút được khá nhiều nhà đầu tư thứ cấp. Năm nay là một điểm sáng khi chúng tôi dự kiến thu hút được khoảng 14 nhà đầu tư thứ cấp, với tổng vốn đầu tư trên 2 tỷ USD.”

Quảng Ninh dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - ảnh 2Khu kinh tế ven biển Quảng Yên đang là trọng điểm thu hút đầu tư FDI của Quảng Ninh với loạt KCN Đông Mai, Bắc Tiền Phong, Nam Tiền Phong, Sông Khoai. Ảnh: VOV

Ông Nguyễn Văn Nhân – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đô thị Amata Hạ Long, một công ty hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp, cho rằng  những năm qua tỉnh Quảng Ninh đã số hóa mạnh mẽ hoạt động xúc tiến đầu tư, cải tiến bộ tài liệu, dữ liệu xúc tiến đầu tư của tỉnh để quảng bá tới các nhà đầu tư một cách nhanh nhất, chính xác nhất về tiềm năng, thế mạnh và định hướng phát triển của tỉnh. Do đó, ông Nhân đánh giá xu hướng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục gia tăng: “Riêng trong năm nay, chúng tôi đã thu hút được 536 triệu USD và dựa trên danh sách các nhà đầu tư thứ cấp đang trình hồ sơ xin đầu tư thì từ giờ đến cuối năm nay, chúng tôi dự kiến thu hút được hơn 600 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư vào KCN lên xấp xỉ 2,3 tỷ USD”

Đạt kết quả bứt phá trong thu hút FDI 10 tháng năm nay nhưng lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh vẫn rất thận trọng. Trong cuộc họp tháng trước bàn về thu hút FDI vào tỉnh, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đánh giá hiện nay công tác quản lý nhà nước về Khu công nghiệp (KCN), Khu kinh tế (KKT) của tỉnh vẫn còn bất cập, các KCN, KKT chưa hiện thực hóa hết tiềm năng để trở thành động lực phát triển mới của tỉnh, thể hiện ở việc tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp chưa cao, chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn.

Do đó, tỉnh Quảng Ninh cam kết tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng, quyết liệt trong cải cách thực chất các thủ tục hành chính tại lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, thuế, hải quan; kịp thời đề xuất sửa đổi, hủy bỏ những quy định của pháp luật, thủ tục pháp lý còn bất cập để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Nhân – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đô thị Amata Hạ Long, cho rằng nếu tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp trên, tỉnh Quảng Ninh sẽ giữ vững vị trí trong tốp đầu về thu hút FDI của cả nước trong nhiều năm tới:“Qua kinh nghiệm cũng như quá trình thu hút đầu tư, chúng tôi nhận thấy luồng đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài về tỉnh Quảng Ninh còn rất lớn, rất dồi dào. Vì thế, bên cạnh việc các nhà đầu tư hạ tầng công nghiệp như công ty Amata chúng tôi cam kết đầu tư thì cũng mong chính quyền tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ, đồng hành cùng chúng tôi, đặc biệt là hỗ trợ các quỹ đất sạch để sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư”.

Theo các chuyên gia kinh tế, tiềm năng thu hút FDI của Quảng Ninh còn rất lớn. Quảng Ninh là địa phương được quy hoạch nhiều KCN, KKT nhất miền Bắc. Ngoài ra, Quảng Ninh cũng còn dư địa lớn về nguồn đất, điển hình là Khu kinh tế ven biển Quảng Yên, một điểm sáng thu hút đầu tư của tỉnh, hiện vẫn còn trên 9700 ha quỹ đất sạch. Do đó, trong thời gian tới Quảng Ninh được đánh giá sẽ tiếp tục là tỉnh dẫn đầu về thu hút FDI của cả nước, có tiềm năng trở thành một “thủ phủ” mới của dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Feedback