Việt Nam là một nước có lợi thế về nông nghiệp với 70% dân số lao động trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam chưa có lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Một trong những lý do quan trọng là chưa áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất và bảo quản. Trong bối cảnh đó, việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là chủ trương mang tính đột phá, góp phần xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam phát triển toàn diện theo hướng hiện đại.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, để nâng cao giá trị nông sản Việt Nam trước sự cạnh tranh từ nước ngoài thì việc phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được chính phủ Việt Nam xác định là hướng đi tất yếu. Từ năm 2010, Chính phủ đã có Quyết định về phát triển nông nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2020.
Cùng với đó đã ban hành nhiều chính sách mang tính chất đột phá nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ nông dân trong lĩnh vực nông nghiệp đầu tư cho ứng dụng công nghệ cao, hình thành các Hợp tác xã kiểu mới, phát triển các chuỗi liên kết, tạo ra nông sản hàng hóa đạt chất lượng, năng suất, giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia, cải thiện an sinh xã hội.
Ứng dụng công nghệ trong sản xuất Nông nghiệp.- Ảnh minh họa |
Ông Lê Văn Nghĩa chuyên gia kinh tế nông nghiệp cho biết: Với mô hình Hợp tác xã kiều mới, người ta có thể thuê một ông chủ nhiệm Hợp tác xã, thuê ông giám đốc như các nước đã từng làm. Hợp tác xã thành lập một ban để bàn thảo việc xây dựng quỹ đất, sự tham gia của các hộ trong tổ chức sản xuất, giá trị gia tăng, quyền lợi của các hộ, hộ nào đất nhiều thì được hưởng nhiều… như vậy họ sẽ tìm được đầu ra, tìm được cơ hội ứng dụng công nghệ cao như: hệ thống tưới tiết kiệm nước, hệ thống cơ giới hóa, hệ thống công nghệ khác…
Sau gần 10 năm triển khai phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao, đến nay ở Việt Nam đã có 29 khu nông nghiệp và hơn 20 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang hoạt động. Tiêu biểu là các mô hình sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ, trồng hoa, cây cảnh trong hệ thống nhà màng, nhà kính tại Bắc Ninh, Lâm Ðồng, TP Hồ Chí Minh; trang trại sản xuất nấm quy mô lớn tại Vĩnh Phúc; vùng trồng chè ứng dụng công nghệ nước ngoài ở Thái Nguyên; vùng sản xuất lúa giống và gạo thương phẩm chất lượng cao ở đồng bằng sông Cửu Long,....
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình các tình phía Nam nhờ áp dựng nông nghiệp công nghê cao, cập nhật quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế đã đạt thành quả chỉ trong thời gian ngắn. Chẳng những như công ty cổ phần Chuối Việt thành phố Hồ Chí Minh, mới bắt đầu hoạt động từ năm 2015, nhưng tới nay đã có sản phẩm xuất khẩu đi Nhật và các nước châu Âu là những thị trường khó tính luôn yêu cầu chất lượng sản phẩm cao.
Ông Lê Xuân Phương, Giám đốc công ty cổ phần Chuối Việt tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Hiện nay công ty đang sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều lấy sản phẩm từ châu Âu. Với những thuốc bảo vệ thực vật không gây độc hại cho con người tạo ra những sản phẩn an toàn . Công ty đang làm các sản phẩm đầu ra đúng là sản phẩm sinh học
Theo đồ án phát triển nông nghiệp đô thị thành phố Hồ Chí Minh, giá trị sản xuất nông nghiệp đến năm 2020 phải đạt 300 triệu đồng/ha/năm và năm 2025 đạt 500 triệu đồng/ha/năm. Nhưng ở thời điểm hiện tại đã có các doanh nghiệp đạt từ 200-400 triệu đồng/ha/năm và có những doanh nghiệp đã đạt giá trị trên 500 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm. Rõ ràng đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chỉ những doanh nghiệp lớn đầu tư bài bản có nhiều cơ hội để phát triển, còn những doanh nghiệp vừa và nhỏ việc áp dụng công nghệ cao còn gặp nhiều khó khăn, nhất là vốn đầu tư lớn về nhà lưới, hệ thống tưới tiêu, nhà kính....
Để từng bước giải quyết khó khăn đó, từ tháng 3-2017 Thủ tướng ra chỉ đạo về xây dựng gói tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng cho vay ứng dụng công nghệ cao. Đến nay nguồn vốn tín dụng này đã nhanh chóng tăng lên, đạt xấp xỉ 32 nghìn tỷ đồng, góp phần giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong giai đoạn khởi nghiệp.
Để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó khẳng định: phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là chủ trương mang tính đột phá, góp phần xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam phát triển toàn diện theo hướng hiện đại.