Sáng 10/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Bộ Khoa hoc và Công nghệ ký kết hợp tác với Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đào tạo nguồn nhân lực. |
14 báo cáo nghiên cứu, tham luận quy mô của các bộ, ngành, chuyên gia trong nước và quốc tế cùng với phần trao đổi, thảo luận trực tiếp của 12 chuyên gia tại hội thảo đã khái quát thực trạng đào tạo và sự cần thiết phải thay đổi trong đào tạo, chuyển giao kết quả nghiên cứu từ các viện, trường ra thực tiễn.
Theo các chuyên gia, Việt Nam có chiến lược quốc gia cho công nghiệp nói chung và công nghiệp vật liệu nói riêng khá tốt nhưng thiếu đầu tư, thiếu tạo điều kiện cho triển khai thực hiện và thiếu chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện, kiểm tra, đánh giá.
Cho nên, trước hết, các ngành cần rà soát lại các cơ chế, chính sách cho lĩnh vực này để điều chỉnh cho phù hợp, đồng thời đẩy mạnh hợp tác với các nước để đào tạo nhân lực, phát triển vật liệu cho các ngành trọng yếu.
Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: “Chúng ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới rất quan trọng, đòi hỏi sự đổi mới về tư duy và hành động với quyết tâm cao. Trước yêu cầu phát triển công nghiệp đất nước trong giai đoạn mới, trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng với việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đòi hỏi Việt Nam cần có tư duy và cách tiếp cận mới trong phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu trong thời gian tới.”