Những chuyển biến trong cắt giảm điều kiện kinh doanh

Chia sẻ
(VOV5) - Cắt giảm điều kiện kinh doanh là một trong những giải pháp mà Chính phủ đề ra để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. 

Sau 10 tháng kể từ khi Nghị quyết 01 của Chính phủ về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 được ban hành, việc thực hiện nhiệm vụ của các Bộ, ngành về cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm điều kiện kinh doanh đã có chuyển biến tích cực.

Trong đó, Bộ công thương triển khai thực hiện sớm nhất và có số văn bản được ban hành nhiều nhất. Tất cả các nghị định về điều kiện kinh doanh được Bộ công thương soạn thảo đều trước tháng 8/2018. 

Xét trên bình diện chung, đến thời điểm này, các Bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản được 3.004 /6.191 điều kiện kinh doanh. Đây là nỗ lực lớn của các bộ, ngành. Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TW, đánh giá: “Số điều kiện kinh doanh đã được cắt bỏ và sửa đổi thực chất, tức là tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Có những yêu cầu về thời gian đã được rút ngắn. Giảm các yêu cầu về số lượng và chúng tôi cũng nhìn thấy sự thay đổi về việc cắt bỏ và đơn giản hóa điều kiện kinh doanh về địa điểm và cơ sở vật chất.”

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng: “Việc thực hiện nhiệm vụ của các bộ, ngành về cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm điều kiện kinh doanh đã có chuyển biến rất tích cực. Các Bộ đã trình ban hành và ban hành được 21 văn bản, đã cắt giảm, đơn giản hóa 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra  và 30 thủ tục.

Để hoàn thành nhiệm vụ của Thủ tướng giao về cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, từ nay đến cuối năm, các bộ, ngành cần tập trung cao độ cho việc xây dựng, hoàn thiện trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giảm tối đa chi phí cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.

Feedback