Các phiên chợ này giúp kết nối tiêu thụ nông sản vùng cao, góp phần bảo tồn ẩm thực đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số và thúc đẩy du lịch văn hóa truyền thống tại địa phương.
Nghe âm thanh bài tại đây:
Một tháng 2 lần, chị Hồ Thị Hương, ở xã Hương Phú, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế, lại đem rau sạch, cam ở vườn nhà ra chợ phiên Nam Đông để bán. Chợ phiên Nam Đông được tổ chức ở Trung tâm Văn hóa huyện, giờ trở thành điểm hẹn của người dân và du khách. Chị Hương có trang trại nhà kính chuyên trồng rau thủy canh, các loại rau hữu cơ, như: dưa lưới, dưa lê, nông sản sạch. Thường ngày, chị quảng bá nông sản qua Zalo, Facebook, nhưng qua chợ phiên, du khách được trực tiếp biết đến các mặt hàng của gia đình, mở ra cơ hội kết nối với khách hàng tốt hơn.
Phiên chợ vùng cao trở thành điểm hẹn của đồng bào các dân tộc vùng cao. Ảnh: VOV |
Chị Hồ Thị Hương chia sẻ:“Em bán các mặt hàng dưa, rau sạch, chuối… Nói chung là nông sản. Có chợ phiên khách hàng nhiều hơn. Tham gia chợ phiên lợi nhất là nông sản của người dân làm ra, là nông sản sạch, đẹp, xanh tốt, hái từ sáng sớm nên bán được hàng lắm. Du khách mua về dùng đều khen ngon. Có chợ phiên, có nhiều du khách hơn và du khách cũng thường quay lại hơn”
Tại chợ phiên, các mặt hàng được bày bán, giới thiệu là các mặt hàng đặc trưng của địa phương, từ hàng thủ công mỹ nghệ đến các sản vật, món ăn truyền thống được du khách ưa chuộng. Chị Trần Thị Ngọ, ở huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết cảm thấy rất yên tâm khi đi chợ phiên vùng cao huyện Nam Đông, bởi sản phẩm do bà con đồng bào tại đây sản xuất trong chính gia đình, nên rất an toàn:“Khi đến với phiên chợ Nam Đông, tôi thấy rất thuận tiện trong việc mua sắm bởi nơi đây có nhiều doanh nghiệp uy tín, đặc biệt là các nông sản đạt chuẩn VietGap. Khi đến đây, tôi rất an tâm trong việc chọn lựa mua các sản phẩm dùng cho bản thân, gia đình. Giới thiệu cho bạn bè mua làm quà mình cũng rất an tâm”.
Theo ông Nguyễn Thái Hà, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nam Đông, nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, tạo sinh kế ổn định cho bà con, những năm qua Hội Nông dân huyện tích cực vận động các hộ nông dân trên địa bàn sản xuất các sản phẩm chủ lực của địa phương, như: cam, ổi, chuối theo phương pháp sạch, hữu cơ. Từ các sản phẩm sạch đó, huyện tổ chức đều đặn các phiên chợ vùng cao để kết nối cung-cầu và xây dựng thương hiệu nông sản bền vững cho bà con: “Để đồng hành cùng bà con, Hội Nông dân huyện tích cực phối hợp với các ngành hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Đó là thông qua việc tham gia các phiên chợ, hội chợ giới thiệu, trưng bày giới thiệu, quảng bá nông sản tại chợ phiên cấp tỉnh và chợ phiên Nam Đông”.
Cũng như chợ phiên Nam Đông, chợ phiên A Lưới được tổ chức lại trên cơ sở chợ đêm trước đây, hiện nay được tổ chức vào ngày cuối tuần hằng tháng. Ngoài nông sản, chợ phiên A Lưới còn có các mặt hàng tương đối đắt tiền, như: nấm lim xanh, thổ cẩm, mật ong rừng…Tất cả những mặt hàng này đều do bà con tự sản xuất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, được du khách yêu thích.
Chợ phiên A Lưới còn là nơi trình diễn các tiết mục nghệ thuật của đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: VOV |
Theo ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới, qua nhiều lần tổ chức, chợ phiên không chỉ giúp quảng bá các nông sản, đặc sản của đồng bào các dân tộc thiểu số mà còn mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của người dân, tạo sân chơi lành mạnh, góp phần giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ở vùng cao, thúc đẩy du lịch địa phương:“Huyện A Lưới hội tụ toàn bộ văn hóa của các dân tộc sinh sống trên địa bàn để tổ chức phiên chợ vùng cao. Đây cũng là nơi để quảng bá các nông sản, đặc sản của cộng đồng các dân tộc thiểu số và một số món ẩm thực truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số để lan tỏa đến khách du lịch, qua đó cũng tạo thêm nét đặc trưng cho các dân tộc trên địa bàn”.
Theo ông Lê Xuân Hải, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế, việc tổ chức các hoạt động chợ phiên là một trong những nội dung quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia mà tỉnh đang triển khai trong vài năm qua, qua đó thúc đẩy việc kinh doanh, khởi nghiệp, thu hút đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc miền núi, góp phần nâng cao đời sống của người dân