Hòa Bình là tỉnh miền núi phía Tây Bắc, có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, như: phong cảnh đẹp, hùng vĩ với nhiều hang động cùng các khu bảo tồn thiên nhiên rất đa dạng, phong phú về hệ sinh thái và động, thực vật…
Cùng với đó là bản sắc văn hóa độc đáo, là nơi sinh sống của các dân tộc thiểu số, như: Mường, Thái, Tày, Dao, Mông. Dựa trên những lợi thế đó, sau 3 năm thực hiện đề án về phát triển dịch vụ, du lịch tỉnh Hoà Bình (giai đoạn 2021-2025), ngành du lịch địa phương đã chuyển dịch cơ cấu theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.
Hơn chục năm nay, tận dụng thế mạnh của địa phương, gia đình ông Đinh Như Huê, ở xóm Kế, xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc, bắt đầu mở dịch vụ homestay (du lịch lưu trú) để đón khách du lịch trong nước và quốc tế. Được Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi, gia đình ông đã chỉnh trang, sửa chữa lại nhà cửa, xây thêm nhiều phòng nghỉ để phục vụ du khách.
"Dần dần, chúng tôi phát triển thêm, đón khách đến vào thứ bảy, chủ nhật. Thu nhập trung bình mỗi tháng cũng được khoảng 30-40 triệu. Nhìn chung, so với trước đây khi chưa làm du lịch cộng đồng thì thu nhập bây giờ cao hơn hẳn." - Ông Huệ kể.
Homestay của gia đình chị Lường Thị Thảo ở xóm Kế, xã Hiền Lương
|
Hiện ở xóm Kế, xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc, nhiều hộ gia đình cũng theo gia đình ông Đinh Như Huê để mở dịch vụ du lịch cộng đồng, đón khách. Chị Lường Thị Thảo ở xóm Kế, xã Hiền Lương cho biết: "Khi bắt đầu làm du lịch bên em cũng được Dự án AOP (một dự án phát triển du lịch cộng đồng của tổ chức phi chính phủ Australia) hỗ trợ cho vay vốn 100 triệu đồng (khoảng 4.000 USD), được học tập huấn để làm du lịch cộng đồng. Họ dạy cho mình cách dọn dẹp nhà cửa để đón khách, nấu ăn để phục vụ khách và phát triển du lịch."
Từ những mô hình đơn lẻ, đến nay, tỉnh Hòa Bình đã xây dựng được hơn chục bản du lịch cộng đồng dân tộc Mường, dân tộc Mông mới tại các huyện Đà Bắc, Mai Châu và Tân Lạc, thu hút được nhiều du khách đến du lịch trải nghiệm. Đáng chú ý, từ khi du lịch phát triển, công tác bảo vệ, phát triển rừng từng bước đi vào nề nếp. Diện tích rừng khoanh nuôi tái sinh tăng nhanh, góp phần tích cực vào phát triển du lịch và bảo vệ môi trường.
Ông Đinh Văn Quốc, Phó Chủ tịch Mặt trận tổ quốc xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc, cho biết: "Từ khi làm du lịch, đời sống bà con đã thay đổi, ý thức người dân được nâng cao hơn về bảo vệ cảnh quan môi trường. Xã Hiền Lương đã về đích nông thôn mới, hiện đang làm nông thôn mới nâng cao. Nhiệm vụ này được bà con thực hiện rất nghiêm túc, đường làng ngõ xóm sạch sẽ, thu gom rác thải… Nói chung, ý thức bà con rất cao."
Khu Du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2016, định hướng tổng thể phát triển du lịch cho toàn khu vực. Cùng với phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch thể thao, văn hóa tâm linh, thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã định hướng phát triển nuôi, trồng thủy sản nhưng phải đảm bảo môi trường lòng hồ, giữ được cảnh quan để phát triển du lịch.
Ông Lương Thanh Hải, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Hòa Bình, cho biết: "Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đang giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Chi cục xây dựng đề án phát triển nuôi cá kết hợp du lịch. Trong đề án sẽ nuôi những giống cá thế mạnh, như: trắm đen, trắm trắng và cá bản địa như cá lăng, cá chiên.. Khi nuôi sẽ kết hợp với du lịch trải nghiệm để người dân đến xem, chăm sóc và thưởng thức chính các món ăn từ cá được nuôi ở lòng hồ."
Nuôi cá lồng kết hợp du lịch trên lòng hồ thủy điện |
Hiện, tỉnh Hòa Bình đang tập trung phát triển hạ tầng giao thông, kêu gọi thu hút các nhà đầu tư lớn nhằm phát triển du lịch theo hướng bền vững và hội nhập quốc tế. Ông Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao- Du lịch tỉnh Hòa Bình, khẳng định: "Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung phát triển nhiều loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, văn hóa, thể thao. Đồng thời, mở rộng các loại hình môn thể thao truyền thống của đồng bảo thiểu số cũng như tổ chức các giải đua xe đạp, giải golf mang tầm quốc tế khu vực, phát triển thêm môn dù lượn, nhằm tăng sức cạnh tranh sản phẩm du lịch của tỉnh Hòa Bình với các tỉnh khác."
Nhờ định hướng và làm tốt phát triển du lịch theo hướng bền vững, trong 6 tháng đầu năm nay, Hòa Bình đã đón khoảng 2,6 triệu lượt khách du lịch (tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, khách quốc tế ước đạt 260.000 lượt. Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, thu hút 4,9 triệu lượt khách. Đến năm 2030, sẽ hoàn thiện kết cấu cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao thương hiệu du lịch tỉnh, thu hút 7,3 triệu lượt khách, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.