Hà Nội: điểm sáng thu hút đầu tư nước ngoài

Vân Ánh
Chia sẻ
(VOV5) - 10 tháng năm 2022, Hà Nội thu hút 1,28 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Thành phố Hà Nội luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhờ môi trường đầu tư thông thoáng, chính trị ổn định, cơ sở hạ tầng thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Hà Nội tiếp tục gia tăng đã góp phần phát triển kinh tế thủ đô đồng thời đảm bảo an sinh xã hội.
Hà Nội: điểm sáng thu hút đầu tư nước ngoài - ảnh 1Vẻ đẹp của một Hà Nội hiện đại, sôi động nhìn từ trên cao. Ảnh: Báo Dân trí

10 tháng năm 2022, Hà Nội thu hút 1,28 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, đăng ký cấp mới 283 dự án với số vốn đạt hơn 185 triệu USD; 163 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 573 triệu USD; 324 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt gần 522 triệu USD. Với kết quả này, Hà Nội nằm trong top 10 địa phương thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều nhất của cả nước.

Các quốc gia có số dự án đầu tư lớn vào Hà Nội chủ yếu thuộc châu Á, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore; tập trung vào các lĩnh vực xuất, nhập khẩu, phân phối hàng hóa, xây dựng, công nghệ thông tin, viễn thông, công nghiệp chế biến, chế tạo.

Ông Hung Sun, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, chia sẻ:  "Đối với Hà Nội, nhiều nhà đầu tư cho rằng lãnh đạo thành phố thay đổi rất nhiều trong chỉ đạo, điều hành cũng như quan tâm tới các nhà đầu tư. Điều này làm yên tâm các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Hàn Quốc."

Hà Nội: điểm sáng thu hút đầu tư nước ngoài - ảnh 2Ông Hong Sun, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam. Ảnh: Việt Linh/ zingnews.vn

Theo ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và Chính sách, việc gia tăng nguồn vốn FDI vào Hà Nội là tín hiệu tích cực trong bối cảnh hậu quả của đại dịch Covid - 19 còn ảnh hưởng ở nhiều nơi, kể cả các khu vực, quốc gia có tiềm lực kinh tế, khả năng đầu tư hàng đầu thế giới: "Kết quả này cho thấy đã có sự hồi phục tương đối ngoạn mục trong năm 2022. Điều này sẽ tạo ra triển vọng hết sức tích cực trong việc thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài."

Lãnh đạo Thành phố Hà Nội xác định cộng đồng doanh nghiệp nói chung, cộng động doanh nghiệp FDI nói riêng là động lực quan trọng cho sự phát triển và hội nhập của Thủ đô. Thành phố đặt mục tiêu thu hút 30 - 40 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài; vốn giải ngân đạt 20 – 30 tỉ USD trong giai đoạn 2021 - 2025, định hướng thu hút FDI theo chiều sâu gắn với mục tiêu phát triển bền vững, ưu tiên những dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao.

Để tiếp tục duy trì vị trí trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI, năm 2021, lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng Quyết định phê duyệt “Đề án thành lập từ 2-5 khu công nghiệp trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025”. Các khu công nghiệp dự kiến sẽ được thành lập gồm: khu công nghiệp sạch Sóc Sơn; Khu công nghiệp Đông Anh; Khu công nghiệp Bắc Thường Tín; Khu công nghiệp Phú Nghĩa mở rộng; Khu công nghiệp Phụng Hiệp. Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội đang xúc tiến triển khai dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có vai trò tăng cường kết nối, liên kết vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng: "Để thu hút đầu tư thì việc đầu tiên cần làm là hạ tầng kết cấu. Hạ tầng đô thị, hạ tầng công nghiệp phải xử lý tốt. Nếu cải cách thị trường trong nước tốt thì khả năng thu hút đầu tư nước ngoài càng cao. Các nhà đầu tư nước ngoài vào nhiều, dự án chất lượng cao càng nhiều thì sẽ tạo ra áp lực để Hà Nội cải cách mạnh hơn nữa."

Thành phố Hà Nội cũng tập trung thu hút đầu tư nước ngoài theo chiều sâu gắn với phát triển bền vững; ưu tiên những dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao tập trung vào các lĩnh vực: phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, xây dựng thành phố thông minh; công nghiệp hỗ trợ sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; các dự án lĩnh vực công nghệ thông tin; nghiên cứu phát triển; du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng; đào tạo nhân lực; nông nghiệp công nghệ cao, thực phẩm sạch an toàn…

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, cho biết: "Thành phố sẽ hoàn thiện lại quy hoạch, trên cơ sở đó, chúng tôi lập các danh mục để thu hút đầu tư cho từng địa bàn, các lĩnh vực và cho các sản phẩm, để chọn lọc các dự án có sử dụng công nghệ cao, trên cơ sở đó ban hành các kế hoạch, các chương trình, các cơ chế, chính sách để thu hút các dự án."

Việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Hà Nội trong 10 tháng qua đạt kết quả tích cực đã khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Nếu tận dụng hiệu quả các lợi thế sẵn có cùng với những định hướng sâu sát của chính quyền thủ đô, Hà Nội sẽ tiếp tục là một điểm đến đầu tư hấp dẫn trong thời gian tới.

Feedback