Giao lưu chính luận “Thông tin truyền thông với an ninh tài chính- tiền tệ“

Chia sẻ
(VOV5) -Đối với các cơ quan báo chí phải có ý thức khác biệt trong xử lý thông tin đối với thông tin kinh tế bình thường và thông tin ngân hàng. 

Sáng 29/06, tại Trung tâm phát thanh Quốc gia 58 Quán Sứ, Hà Nội, diễn ra chương trình giao lưu chính luận với chủ đề “Thông tin truyền thông với an ninh tài chính tiền tệ”.

Giao lưu chính luận “Thông tin truyền thông với an ninh tài chính- tiền tệ“ - ảnh 1 Toàn cảnh Chương trình Giao lưu chính luận. Ảnh: Khắc Kiên 

Chương trình do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Cục An ninh tài chính, tiền tệ và đầu tư (A84), Bộ Công An, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Việt Nam phối hợp tổ chức. Tham dự chương trình có ông Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, đại diện lãnh đạo các đơn vị phối hợp tổ chức sự kiện.

Chương trình giao lưu tập trung thảo luận về 5 chủ đề gồm: Quan niệm về An ninh tài chính, tiền tệ; Xác định thông tin chính xác, an toàn về hệ thống tài chính, tiền tệ; Ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo An ninh tài chính, tiền tệ; Nâng cao quản trị để ngăn ngừa rủi ro và đảm bảo An ninh tài chính, tiền tệ; Vai trò của báo chí với công tác An ninh tài chính, tiền tệ.

Tại chương trình, các diễn giả cho rằng từ vị thế quan trọng của truyền thông đối với an ninh tiền tệ đòi hỏi phóng viên và cơ quan báo chí nâng cao vai trò và trách nhiệm của mình trong việc đưa tin đầy đủ, chính xác để ngành tài chính- ngân hàng thấy được những nhược điểm cần khắc phục mà không ảnh hưởng đến nhân dân, ổn định tình hình kinh tế, đặc biệt là hệ thống tài chính- ngân hàng.

Ông Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị, cho rằng: “Đối với các cơ quan báo chí, chúng ta phải có ý thức khác biệt trong xử lý thông tin đối với thông tin kinh tế bình thường và thông tin ngân hàng. Thông tin tài chính ngân hàng không đơn thuần là một thông tin xã hội. Nếu thông tin ấy mà sai thì hậu quả sẽ rất lớn. Do đó, đòi hỏi đạo đức nghề nghiệp, trình độ xử lý lĩnh vực tài chính ngân hàng cao hơn bất cứ lĩnh vực nào khác.”

Từ góc nhìn của các chuyên gia, đại diện các cơ quan báo chí, truyền thông đối với vấn đề an ninh tài chính tiền tệ cũng tập trung làm rõ hơn vai trò và tầm quan trọng của báo chí, truyền thông đối với công tác đảm bảo an ninh tài chính, tiền tệ. Từ đó, đề xuất những giải pháp hiệu quả, kịp thời nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của giới truyền thông về an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.

Feedback