FTA Việt Nam – EU: Biến thách thức thành cơ hội phát triển nền kinh tế

Vĩnh Phong - Cẩm Tú
Chia sẻ
(VOV5) - Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU đang trong quá trình đàm phán và dự kiến sẽ được ký kết trong năm nay.

(VOV5) - Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU đang trong quá trình đàm phán và dự kiến sẽ được ký kết trong năm nay. Khi được ký kết, Hiệp định này sẽ đem lại nhiều cơ hội cho Việt Nam như cắt giảm thuế quan, thuận lợi thương mại, thu hút đầu tư, mở rộng thị trường... Tuy nhiên, đi liền với lợi ích là những thách thức mà cả chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam phải quan tâm và cần có những thay đổi về thể chế, chính sách cũng như hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

 

FTA Việt Nam – EU: Biến thách thức thành cơ hội phát triển nền kinh tế - ảnh 1
Việc ký FTA Việt Nam - EU sẽ tạo cơ hội lớn cho một số ngành công nghiệp, trong đó có dệt may (Ảnh minh họa: dddn.vn)


Nghe chi tiết tại đây:



Khác với các Hiệp định thương mại tự do khác, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU được coi là hiệp định thế hệ mới với mức độ cam kết sâu rộng hơn. Cam kết của hai bên không chỉ dừng lại ở việc cắt giảm thuế quan, tạo thuận lợi thương mại, mà còn liên quan đến vấn đề đầu tư, môi trường, cạnh tranh và phát triển bền vững… Theo đó, những lợi ích mang lại từ hiệp định này là rất lớn với Việt Nam, do hàng hóa của Việt Nam có rất nhiều cơ hội để tiếp cận thị trường EU. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU sẽ đóng góp vào tăng trưởng GDP của Việt Nam khoảng 7-8% và xuất khẩu của Việt Nam vào EU sẽ tăng 10% vào năm 2025. Tuy nhiên, bà Trần Thị Thành Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho rằng: FTA Việt Nam - EU cũng đem lại nhiều thách thức, buộc doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ tăng cường năng lực cạnh tranh, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Tham gia ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU sẽ tạo thị trường rộng mở và đặc biệt là xuất khẩu một số ngành hàng như dệt may, giày da, thủy sản… Việc tạo cơ hội về thị trường cũng sẽ tạo sức ép cho doanh nghiệp nhỏ và vừa buộc các doanh nghiệp này phải tái cấu trúc doanh nghiệp, tăng cường năng lực cạnh tranh để làm sao đứng vững được trên thị trường. Tham gia Hiệp định thương mại Việt Nam – EU, hàng rào về thuế quan cũng sẽ được cắt giảm, như vậy sẽ có cơ hội để nhập khẩu các công nghệ cao, nguyên liệu chất lượng cao từ EU với giá rẻ hơn.

 

Việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, thuế quan của các sản phẩm từ Việt Nam sẽ được giảm đối với hầu hết các mặt hàng xuất ra nước ngoài. Tuy nhiên, một số ngành hàng vẫn có mức thuế quan khá cao, đặc biệt là các ngành hàng chủ đạo như sản phẩm lương thực thực phẩm, dệt may, da giày… Bên cạnh đó, khi thuế giảm thì sẽ tăng mức độ cạnh tranh đối với Việt Nam, nhưng điều này không đảm bảo việc doanh nghiệp Việt Nam sẽ thành công khi xuất khẩu sang EU, bởi còn có hàng rào phi thuế quan là những quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch động thực vật. Giáo sư Ari Kokko, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Châu Á, Đại học kinh doanh Copenhagen, Đan Mạch,cho rằng: Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng được các hàng rào phi thuế quan và những tiêu chuẩn kỹ thuật để có thể xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Ngược lại với giảm thuế, việc loại bỏ các rào cản phi thuế không phải đơn giản. Các rào cản phi thuế quan từ nhiều nguồn khác nhau, do vậy, việc dỡ bỏ chúng đòi hỏi phải có những thay đổi về thể chế kinh tế, thay đổi pháp lý hoặc kỹ thuật phi thực tế... Sẽ có những khía cạnh rất quan trọng từ phía châu Âu sẽ đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam, đó là các yêu cầu về tuân thủ môi trường, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, như là phải minh bạch hơn trong quá trình ra quyết định, những nỗ lực về phòng chống tham nhũng… Đây là những lĩnh vực quan trọng mà Việt Nam phải cải cách rất nhiều về mặt thể chế kinh tế để có thể đáp ứng yêu cầu từ phía thị trường xuất khẩu.

 

Thống kê của Dự án Hỗ trợ Chính sách Thương mại và Đầu tư của châu Âu (Mutrap) năm 2014 về những lô hàng sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam bị các thị trường lớn từ chối cũng cho thấy thách thức từ các rào cản phi thuế quan. Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng: Quy mô doanh nghiệp Việt Nam còn nhỏ nên năng lực và sự am hiểu về các rào cản mà thị trường xuất khẩu đặt ra còn hạn chế. Do vậy, Nhà nước nên có những hỗ trợ cho doanh nghiệp về kiến thức xuất nhập khẩu, thị trường, ngay từ khi FTA chưa được ký kết.Các doanh nghiệp đang còn chưa phát triển, vì vậy việc Nhà nước đưa ra những chuẩn mực khác sẽ là rào cản cho doanh nghiệp. Chúng ta hãy làm như tiêu chuẩn của các nước xuất khẩu, vì đó là những tiêu chuẩn cao. Chính phủ cũng cần cải cách thể chế để thuận lợi hóa thương mại, thuận lợi hóa kinh doanh để giảm chi phí và giảm rủi ro cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đó thực chất là chúng ta đang nói đến thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh.

 

Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi và Hiệp định thương mại tự do với EU có thể thúc đẩy chuyển đổi và đa dạng hóa nền kinh tế. Chính vì vậy, Việt Nam cần duy trì linh hoạt chính sách và tiếp cận các luật quốc tế để hỗ trợ nền kinh tế và các doanh nghiệp trong nước. Có như vậy, mới có thể biến thách thức khi ký kết FTA thành cơ hội và biến cơ hội thành lợi ích thực sự cho nền kinh tế./.

 

Feedback