Bảo đảm đầu tư có trọng tâm các dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Chia sẻ
(VOV5) - Chương trình được triển khai gần 4 năm trên địa bàn 49 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có 16 tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên. 

Sáng nay (9/11), tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I (từ năm 2021-2025) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình giai đoạn II (từ năm 2026 đến năm 2030).

Bảo đảm đầu tư có trọng tâm các dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi - ảnh 1Ông Nguyễn Hoà Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG dự và chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Báo Gia Lai

Chương trình được triển khai gần 4 năm trên địa bàn 49 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có 16 tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Đây là chương trình mục tiêu quốc gia được xây dựng mới hoàn toàn trên cơ sở tích hợp 118 chính sách dân tộc và triển khai trên phạm vi toàn quốc.

Sau 3 năm thực hiện Chương trình, đến nay, các địa phương đã giải ngân được hơn 60% nguồn vốn trung ương giao, cao hơn mức trung bình của cả nước (57,6%). Thu nhập bình quân tăng đáng kể, đạt trung bình 34,5 triệu đồng/người/năm, cao hơn 2,5 lần so với năm 2019.

Để kịp thời báo cáo, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc thực hiện Chương trình giai đoạn II từ năm 2026 đến năm 2030, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành Trung ương và đặc biệt là lãnh đạo các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đề xuất, xác định các dự án thiết thực cho giai đoạn II, trong đó tập trung vào các dự án có tác động thúc đẩy và có thứ tự ưu tiên đối với các dự án, bảo đảm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%, không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Feedback