EVN tăng giá điện: Chuyên gia, người tiêu dùng nói gì?

Chia sẻ
Giá điện trong 2013 có thể tăng từ 10-15%, dự báo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.


Kể từ hôm nay (1/8), giá bán điện bình quân sẽ được điều chỉnh lên mức 1.508,85 đ/kWh. Đây là lần điều chỉnh giá điện đầu tiên trong năm 2013 kể từ ngày 22/12/2012.

Nhiều mặt hàng tăng giá “đón đầu”

Việc tăng giá điện lần này theo đánh giá là không nhiều nhưng chắc chắn sẽ làm các mặt hàng tăng giá theo, đặc biệt là các ngành tiêu thụ điện năng lớn như sắt, thép, xi măng..

Phân tích về việc sẽ có nhiều mặt hàng tăng giá theo điện, ông Ánh nói: “Nếu tính một cách sòng phẳng thì nếu giá điện tăng bao nhiêu phần trăm thì các ngành hàng khác cũng chỉ được phép tăng số phần trăm tương ứng khi đã tính vào giá thành. Ví dụ, giá điện tăng 10%, thì các DN khác chỉ được phép tăng 1%. Đấy là tư duy tính giá thành từ chi phí sản xuất. Còn nếu đúng tư duy thị trường thì sản xuất điện tăng 5% thì DN sản xuất nước cũng phải tăng 5% nếu không thì DN sản xuất nước sẽ bị thiệt”.

EVN tăng giá điện: Chuyên gia, người tiêu dùng nói gì?  - ảnh 1

Ngoài ra, các mặt hàng, dịch vụ khác trên thị trường còn phải tăng giá để đón đầu nữa. Điện, xăng có lộ trình tăng còn các mặt hàng, dịch vụ khác như giá taxi, ăn uống không phải cứ “lắt nhắt” tăng. Ví dụ, một bát phở không thể thỉnh thoảng tăng 1.000, 2.000 đồng… mà sẽ tăng luôn 5.000 đồng để đón đầu để tới đây, nếu điện, xăng… có tăng giá nữa thì mình không tăng. Ngay cả taxi cũng vậy, cũng phải “dồn dồn, tích tích” để tăng một thể và tăng đón đầu chứ không “dại” gì tăng giá sau điện, xăng.

Ông Ánh cũng cho rằng, việc tính giá điện theo giá thị trường là đúng, nhưng muốn có giá thị trường thì phải có thị trường cạnh tranh, giá thị trường phải hình thành trên thị trường và theo thị trường.

Việc tăng giá xăng vào hồi trung tuần tháng 7 và tăng giá điện từ 1/8 chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến CPI năm 2013. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: Tăng giá điện cộng hưởng với các mức tăng khác sẽ làm CPI tăng hơn nhiều trong tháng 8 so với mục tiêu đã đề ra, từ đó tạo ra hệ lụy tăng giá cho những tháng cuối năm. Khả năng lạm phát vượt mức kế hoạch là rất dễ xảy ra. CPI cuối năm sẽ trên 7% chứ không phải dưới mức như năm ngoái được.

Sẽ còn tăng giá

Trả lời trên tờ Dân Việt, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết: Ngành điện dự kiến trong năm 2013 phải tăng giá điện ở mức 15-20% mới đủ bù đắp chi phí. Chính vì vậy, ông Ngãi cho rằng, việc tăng 5% là mức thấp nhất mà ngành điện có thể tăng.
Vào cuối tháng 6/2013, Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia dự đoán, giá điện trong 2013 có thể tăng từ 10-15% (bao gồm cả điều chỉnh giá than bán cho điện).

Còn trong báo cáo tháng 7 của cơ quan này thì đưa ra lưu ý: Xét trên nền tảng kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát tốt và còn dư địa nhất định cho việc tiếp tục điều chỉnh giá (giá điện, than, dịch vụ công) theo nguyên tắc thị trường và áp dụng tỷ giá linh hoạt. Tuy nhiên, khung thời gian từ nay cho đến cuối năm không còn nhiều nên cần phải có lộ trình điều chỉnh cụ thể, liều lượng thích hợp và thời điểm cũng cần phải tính toán hợp lý để tránh dồn dập, gây ảnh hưởng tâm lý cho thị trường.

Còn với những người tiêu dùng nhỏ lẻ, mức tăng lần này không ảnh hưởng nhiều, nếu một gia đình bình thường thì sẽ phải chi trả thêm khoảng 10.000- 15.000 đồng/tháng cho mỗi hóa đơn. Tuy nhiên, câu chuyện tăng giá điện không phải chỉ liên quan đến hóa đơn điện mà còn hàng loạt mặt hàng khác ăn theo. Chị Nguyễn Thị Trang (phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội) bày tỏ, với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, chúng tôi nghĩ rằng ngành điện phải 1-2 tháng nữa mới tăng giá. Năm học mới sắp bắt đầu, điện tăng giá chắc chắn các mặt hàng như sách, bút, quần áo cho các cháu đi học cũng tăng giá theo.

Còn anh Lê Như Luân (đang thuê nhà gần Học Viện Báo chí – Tuyên truyền, Cầu Giấy, Hà Nội) thì cho biết, chỉ khổ sinh viên và những người đi thuê nhà. Bình thường đã phải trả tiền điện giá cao đến giờ giá điện lại tăng nữa thì chắc chắn sẽ phải bớt khẩu phần ăn để trả tiền điện sinh hoạt”.

Trước đó, trong họp báo Chính phủ chiều 30/7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thừa nhận một thực tế là: “Lương chưa tăng, bát phở đầu phố đã tăng giá” và cho biết: “Nếu tăng ngay giá điện đầu vào thì dẫn đến sức cạnh tranh hao hụt. Đây là cái giá phải trả. Chính vì lý do này, mà nhiều năm nay, chúng ta không thể điều chỉnh ngay 1 lúc mà phải theo lộ trình”.

Người đứng đầu Văn phòng Chính phủ cũng khẳng định: Nếu giá điện của Việt Nam thấp, thì tất cả dự án đầu tư sẽ không thiên về đầu tư công nghệ để tiết kiệm điện, như vậy dẫn đến chúng ta sẽ có nền sản xuất lạc hậu. Ngân sách Nhà nước không thể đầu tư mãi vào điện nên cần phải kêu gọi đầu tư từ xã hội nhưng giá điện thấp quá thì đầu tư không có lãi sẽ không thu hút được đầu tư.

“Sau này khi điều hành giá điện, sẽ có chính sách hỗ trợ người tiêu dùng có thu nhập thấp, người nghèo” – ông Đam nói./.

Vũ Hạnh/VOV online

Feedback