Doanh nghiệp Việt tìm cách tiếp cận mới trên sàn thương mại điện tử

Lệ Hằng
Chia sẻ
(VOV5) - Các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng mở rộng phạm vi kinh doanh quốc tế với số lượng sản phẩm bán ra trên Amazon tăng gấp 3 lần.

Thương mại điện tử tăng trưởng nhanh và trở thành xu thế nổi bật của thương mại toàn cầu trong những năm gần đây. Tại Việt Nam, ngày càng nhiều doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử cho hoạt động của mình. 

Không chỉ gặt hái thành công thị trường trong nước, các doanh nghiệp còn không ngừng đổi mới, nắm bắt thị hiếu tiêu dùng, từ đó có chiến lược kinh doanh phù hợp để đưa hàng Việt Nam thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới, có mặt nhiều hơn trên thị trường ở tiêu dùng toàn cầu.

Doanh nghiệp Việt tìm cách tiếp cận mới trên sàn thương mại điện tử - ảnh 1Thương mại điện tử tăng trưởng nhanh và trở thành xu thế nổi bật của thương mại toàn cầu trong những năm gần đây - Ảnh minh họa: BNEWS/TTXVN
Nghe âm thanh chương trình tại đây:
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, thương mại điện tử Việt Nam đang trải qua giai đoạn phát mạnh mẽ và trở thành cấu phần quan trọng của nền kinh tế số tại Việt Nam. Doanh số thương mại điện tử bán lẻ có mức tăng trưởng trung bình khoảng 20% trong 10 năm qua, đưa Việt Nam lọt top những quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất khu vực và thế giới.

Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, cùng với cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, thương mại điện tử xuyên biên giới là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp Việt thâm nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu. 

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm phát triển Thương mại điện tử, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số, Bộ Công Thương, nhận định: "Thương mại điện tử Việt Nam nói chung và thương mại điện tử xuyên biên giới nói riêng, là một sân chơi khá tiện ích, phù hợp với xu hướng phát triển trên thế giới. Chúng ta cần phải đẩy mạnh các hoạt động để làm sao có thêm nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Thương mại điện tử xuyên biên giới có thể giúp cho các nhà sản xuất trực tiếp, nhà sản xuất nhỏ lẻ trực tiếp xuất khẩu".

Doanh nghiệp Việt tìm cách tiếp cận mới trên sàn thương mại điện tử - ảnh 2Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm phát triển Thương mại điện tử, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số, Bộ Công Thương - Ảnh: TTXVN

Theo số liệu công bố tại Hội nghị “Thương mại điện tử xuyên biên giới năm 2024 - Tinh hoa hàng Việt, cất cánh toàn cầu” do Amazon Global Selling Việt Nam (AGS VN) và Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương, tổ chức cuối tháng 5 vừa qua, chỉ trong 5 năm gần đây (từ 2019-2023), các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng mở rộng phạm vi kinh doanh quốc tế với số lượng sản phẩm bán ra trên Amazon tăng gấp 3 lần. Cùng với đó, số lượng doanh nghiệp Việt Nam đạt doanh số 1 triệu USD/năm trên nền tảng số Amazon tăng gấp 10 lần. Khoảng 1.500 doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia đưa hàng Việt Nam góp mặt trên thị trường tiêu dùng thế giới thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới.

Ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc Amazon Global Selling Việt Nam khu vực miền Nam, cho biết nhiều doanh nghiệp chủ động đề nghị Amazon hỗ trợ tham gia kênh và số doanh nghiệp tham gia ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng: "Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu để tham gia kênh này đó là xu thế nổi bật. Doanh nghiệp sản xuất Việt Nam có khả năng tiếp cận trực tiếp tới người tiêu dùng ở những thị trường lớn như Mỹ, Châu Âu… Qua kênh thương mại này, các sản phẩm được đón nhận nồng nhiệt của khách hàng. Chúng tôi rất tự tin đem thương hiệu Việt Nam ra toàn cầu và thấy rất thành công".

Theo ông Phùng Quốc Mẫn, Phó Chủ tịch Hiêp hội Thủ công mỹ nghệ và chế biến gỗ Hawa, nhiều doanh nghiệp gỗ cũng ngày càng nhận thức rõ lợi ích của thương mại điện tử xuyên biên giới: "Thương mại điện tử xuyên biên giới đang thúc đẩy các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, thiết kế mẫu mã. Một số doanh nghiệp cũng đã chuyển động và tự thiết kế, xây dựng sản phẩm riêng, tổ chức tiếp thị bằng sản phẩm của  chính mình. Có như vậy thì mới nâng cao giá  trị sản phẩm của mình".

Chia sẻ kinh nghiệm bán hàng trên sàn thương mại điện tử Amazon, ông Phan Văn Hiệu, Tổng giám đốc CVI Pharma, doanh nghiệp đã xuất khẩu tới 22 nước qua kênh này, chia sẻ doanh nghiệp nên tập trung vào năng lực cốt lõi, tạo ra sản phẩm, dịch vụ có cơ hội canh tranh trên nền tảng thương mại điện tử: "Tận dụng những sức mạnh nền tảng hỗ trợ của Amazon, ví du như Amazon đã tạo ra hệ sinh thái các đối tác cung cấp dịch vụ, đào tạo tất cả mọi thứ. Doanh nghiệp chúng tôi được nhận sự hỗ trợ đó trong hành trình của mình, như hỗ trợ từ việc nghiên cứu thị trường, xây dựng đội ngũ bán hàng và các thủ tục bán hàng…Chúng ta nên tận dụng tối đa nguồn lực này".

Hiểu thị trường cũng như tâm lý khách hàng trên nền tảng thương mại điện tử, có chiến lược xây dựng thương hiệu để cạnh tranh với sản phẩm cùng loại đến từ các quốc gia khác…, đã giúp cho doanh nghiệp Việt dần chiếm được chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Theo các dự báo mới nhất, doanh thu Thương mại điện tử (Ecommerce) toàn cầu năm 2025 và những năm tới tiếp tục tăng trưởng nhanh. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục bứt phá, tạo chỗ đứng trên thị trường thế giới.

Feedback