Để kinh tế tư nhân thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế

Chia sẻ
(VOV5) - Kinh tế tư nhân hiện có quy mô 1/3 nền kinh tế, với nhiều thương hiệu mạnh ở nhiều lĩnh vực trọng yếu. 
Để kinh tế tư nhân thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế - ảnh 1Lãnh đạo Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam và các chuyên gia kinh tế điều hành Diễn đàn - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

“Kinh tế tư nhân có đóng góp lớn cho kinh tế nước nhà, là động lực của nền kinh tế. Tuy nhiên, để kinh tế tư nhân thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, lần thứ XIII, còn nhiều vấn đề cần định hướng, cần được quan tâm, hỗ trợ, thúc đẩy”. Đây là nhận định, phân tích của các chuyên gia, doanh nhân, tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân lần thứ II, diễn ra ngày 02/04, tại Hà Nội.

Tại diễn đàn, các đại biểu khẳng định kinh tế tư nhân (gồm cả doanh nghiệp và hộ kinh doanh) đã phát triển không giới hạn quy mô, địa bàn, ngành nghề. Kinh tế tư nhân từ chỗ được xác định là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế, trở thành thành phần có vai trò quan trọng và là động lực của nền kinh tế, đã tiến tới thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tư nhân hiện có quy mô 1/3 nền kinh tế, với nhiều thương hiệu mạnh ở nhiều lĩnh vực trọng yếu.
Giai đoạn 2016-2021, kinh tế tư nhân chiếm bình quân 46% GDP. Kỳ vọng đến 2025 đạt 55%. Đóng góp 85% tổng việc làm. Ngân sách đóng góp năm vừa rồi 19%. Chiếm 1/3 kim ngạch xuất nhập khẩu. Đóng góp 59,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Đây là đóng góp rất lớn.

Các chuyên gia, doanh nhân cho rằng để đạt được mục tiêu từ 800 nghìn doanh nghiệp tư nhân lên 1,5 triệu doanh nghiệp tư nhân vào năm 2025, cần nghiên cứu chính sách đưa các hộ kinh doanh cá thể vào diện doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ, siêu nhỏ. Cùng với đó là nhiều vấn đề nền tảng như môi trường kinh doanh, hạ tầng, an sinh xã hội… cần được quan tâm, chung tay từ cấp vĩ mô tới từng người dân. Khi nền tảng ổn định, toàn nền kinh tế, trong đó có khối kinh tế tư nhân sẽ có đà phát triển tốt hơn, đóng góp vào tăng trưởng chung.

Feedback