Với mạng lưới sông rạch chằng chịt, trải qua hàng trăm năm môi trường sông nước đã hình thành cho vùng đất Tây Nam bộ bản sắc văn hóa riêng. Tại Cần Thơ, những năm gần đây, thành phố đã có nhiều dự án phát triển du lịch sông nước mang tính hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống như: du lịch gắn với nông nghiệp; du lịch trải nghiệm đời sống miền Tây thuở trước… mang lại nhiều không gian trải nghiệm cho du khách lẫn người dân địa phương.
Du lịch nông nghiệp mang đến nhiều lợi ích cho người nông dân khi có thể sử dụng “cây nhà lá vườn” mang lại thu nhập cao. |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Chợ nổi và hệ thống cồn nổi là hai giá trị văn hóa sông nước dễ nhận diện và mang tính biểu trưng cao nhất ở ÐBSCL. Ðây cũng là hai loại hình văn hóa sông nước được sử dụng như tài nguyên trong khai thác, phát triển du lịch, làm nên sản phẩm riêng có tại vùng đất Chín Rồng. Không ngoại lệ, tại Cần Thơ, chợ nổi Cái Răng là nét đặc trưng sông nước, là không gian văn hóa gắn liền với lịch sử vùng đất, là tài sản quý cần được gìn giữ. Và tour chợ nổi Cái Răng luôn trong hành trình khám phá Cần Thơ của hầu hết các công ty du lịch lữ hành.
Từ năm 2016, Ðề án “Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng” đã được TP. Cần Thơ triển khai, với 13 hạng mục, hướng đến mục tiêu quan trọng nhất là giữ chân thương hồ, bảo tồn văn hóa chợ nổi Cái Răng. Cùng với đề án, hàng năm, UBND quận Cái Răng tổ chức “Ngày hội Du lịch Văn hóa chợ nổi Cái Răng”, với nhiều hoạt động, gian hàng như: hội thi “Nét đẹp áo bà ba xưa và nay”; hội thi trưng bày mô hình ghe, tàu - cây bẹo mua bán nông sản tại chợ nổi Cái Răng; diễu hành tàu trên sông, vớt rác trên sông; các gian hàng quảng bá xúc tiến du lịch, giới thiệu đặc sản, bánh dân gian Nam Bộ, biểu diễn đờn ca tài tử trên sông.., nhằm tái hiện lại nét văn hóa chợ nổi xưa đến du khách.
Hoa hậu Liên lục địa Lê Nguyễn Bảo Ngọc đại diện hình ảnh cho “Ngày hội Du lịch Văn hóa chợ nổi Cái Răng” năm 2023. Ảnh: RICE Entertainment |
Năm nay, “Ngày hội Du lịch Văn hóa chợ nổi Cái Răng” diễn ra từ ngày 7 đến ngày 9/7, có khoảng 15 hoạt động, với quy mô trên 60 gian hàng. Ông Lê Văn Hoàng, Trưởng phòng Văn hóa - Truyền thanh quận Cái Răng cho biết: "Năm nay có điểm mới là mặt bằng được UBND quận đầu tư mới hoàn toàn, các công tác sắp xếp ghe mua bán tại chợ nổi cũng đã được triển khai. Điều đặc biệt năm nay, Ban tổ chức ngày hội cũng đã phối hợp với hoa hậu Lê Nguyễn Bảo Ngọc để làm đại diện hình ảnh cho chợ nổi, để cùng kêu gọi tham gia hưởng ứng các hoạt động chợ nổi".
Tận dụng hệ thống cồn nổi làm du lịch là hướng đi “thuận tự nhiên” Cần Thơ triển khai trong phát triển ngành công nghiệp không khói. Trong đó, HTX du lịch Cồn Sơn nổi tiếng với “tuyệt chiêu” huấn luyện những loài vật quen thuộc trong đời sống hằng ngày thành những mô hình độc lạ, như cá trê ăn trên cạn, cá lóc bú bình. Để góp phần phong phú thêm du lịch mang phong vị đồng quê sông nước, Cồn Sơn đã cho ra mắt những con ếch làm xiếc vào dịp Hè 2023.
Xiếc ếch của HTX Du lịch Cồn Sơn thu hút đông du khách đến thưởng thức vào dịp Hè 2023 |
Cùng với du lịch sông nước, du lịch nông nghiệp cũng là một trong những định hướng phát triển được ngành du lịch Cần Thơ chú trọng dựa trên tài nguyên bản địa. Huyện Phong Ðiền, quận Thốt Nốt, quận Bình Thủy là những địa phương triển khai tốt nhất hoạt động với nhiều mô hình gắn với bản sắc riêng.
Có mặt tại vườn cây sinh thái của anh Trần Thiện Cảnh, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, mới 8 giờ sáng nhưng rất đông du khách đến trải nghiệm, hái dâu Hạ Châu thưởng thức tại chỗ. Bà Phạm Thị Thanh Huyền, du khách đến từ Hà Tĩnh cho biết: "Ăn trái cây tại vườn ngon hơn trái cây mua ở chợ hay siêu thị, cộng thêm cảm giác tự mình khám phá, rất thú vị".
Theo chia sẻ của các chủ vườn làm du lịch nông nghiệp, ngoài khách vãng lai, nhiều khu, điểm du lịch vẫn dành từ 1/3 đến 2/3 diện tích vườn cây hoặc liên kết khách tham quan với những đơn vị tổ chức tour, tuyến để thu nhập tăng đều lên. Bà Lê Hồng Cẩm, Giám đốc Cantho Eco Resort, huyện Phong Điền chia sẻ: "Cantho Eco có hướng là kết hợp với bà con nông dân để làm sao phát triển sản phẩm du lịch kèm theo tăng giá trị của nông sản. Hiện tại, Eco cũng đang liên kết với một số nhà vườn để bao tiêu sản phẩm, có thêm sản phẩm dịch vụ. Ví dụ như hiện tại có thể thuê một tour tàu đi tham vườn khu vườn, tại đó có thể tự hái trái cây, tự hái rau, tự câu cá… để làm bữa ăn gia đình, tạo không khí thân mật khi đến với Cần Thơ".
Du khách nước ngoài trải nghiệm làm bánh dân gian Nam Bộ xưa. |
Để thu hút khách du lịch bên cạnh đổi mới các mô hình trải nghiệm tại các khu – điểm du lịch, thành phố cũng chỉ đạo các cơ sở lưu trú cải tạo cảnh quan môi trường, nâng cấp hạ tầng du lịch khang trang, hiện đại, không chỉ đủ điều kiện nghỉ dưỡng của du khách mà còn đáp ứng việc tổ chức những sự kiện quy mô toàn quốc. Ông Nguyễn Hoàng Ơn, Giám đốc Trung tâm phát triển du lịch TP. Cần Thơ nhận định: "Chất lượng dịch vụ du lịch Cần Thơ ngày càng nâng cao tốt hơn, các sự kiện trong thành phố chúng ta tổ chức ngày càng bài bản, căn cơ hơn để phục vụ tốt nhất khách du lịch đã, đang và sẽ đến Cần Thơ".
Để ngành du lịch phát triển vượt bậc hơn nữa, thành phố sẽ tiếp tục nâng chất sản phẩm du lịch sinh thái gần gũi tự nhiên, du lịch văn hóa bản địa. Đồng thời, để phát triển du lịch lâu dài, Cần Thơ xác định sẽ phát huy bản sắc sông nước gắn với xu hướng hội nhập phát triển xanh, bền vững của du lịch quốc gia, quốc tế, đảm bảo sản phẩm vừa mang nét độc đáo riêng mà vẫn giữ gìn và phát huy nét chung của văn hóa Nam Bộ.